Có lệnh là lên đường

.

Binh chủng tăng-thiết giáp vốn được mệnh danh là “quả đấm thép” của quân chủ lực với những ưu thế vượt trội: vỏ thép dày, hỏa lực mạnh, sức cơ động cao. Hình ảnh hùng dũng của những chiếc xe tăng, xe bọc thép lao băng băng về phía trước, vượt qua mọi địa hình hiểm trở luôn là niềm tự hào của cán bộ, sĩ quan Tiểu đoàn Tăng-Thiết giáp 699 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) thành phố.

Các kíp xe tăng của Tiểu đoàn 699 huấn luyện chiến thuật.
Các kíp xe tăng của Tiểu đoàn 699 huấn luyện chiến thuật.

Vinh dự càng nhiều, khó khăn càng lớn, công việc và đời sống, sinh hoạt của những người lính tăng-thiết giáp luôn là câu chuyện về ý chí và tinh thần nỗ lực không ngừng. Đại úy chuyên nghiệp-xạ thủ Đặng Ngọc Hải có gần 20 năm gắn bó với những chiếc xe tăng, anh luôn thực hiện đúng khẩu hiệu “Yêu xe như con, quý xăng như máu” để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều năm liền được tặng giấy khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua. Không chỉ là một xạ thủ giỏi của kíp xe, anh còn là “cây sáng kiến” với nhiều sáng tạo kỹ thuật được tặng bằng khen của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5. Anh tâm sự: “Để làm chủ được cỗ xe to lớn như thế này không hề đơn giản, bởi trang thiết bị của xe tăng - thiết giáp rất phức tạp với khoảng 2.500 chi tiết, mỗi thành viên trong kíp xe phải nắm vững về cấu tạo kỹ thuật của xe, thuần thục trong từng thao tác nhỏ nhất để điều khiển xe chính xác. Bên cạnh đó, hầu hết các loại xe tăng-thiết giáp qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng nên tất cả thành viên trong kíp xe ngoài giờ huấn luyện đều phải chăm chút bảo dưỡng từng chi tiết của xe, kiểm tra từ chiếc đinh ốc đến áp lực dầu, nhiệt độ nước, hiểu được “tính nết” của xe để sử dụng thì mới hạn chế được “sự cố”, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ huấn luyện, phối hợp nhịp nhàng với các kíp xe khác thành thục về cơ động chiến thuật, lái, bắn, tiêu diệt mục tiêu trong mọi điều kiện. Chính vì vậy, khi đã trở thành lính tăng, ai cũng học được tính tỉ mỉ, chính xác và kiên nhẫn”.

Còn Đại úy Nguyễn Xuân Liêm nhấn mạnh: “Để trở thành một người lính tăng thực thụ đòi hỏi phải có sức khỏe thật tốt, thật dẻo dai mới điều khiển được các chi tiết rất nặng của xe, chỉ một mắt xích nhỏ cũng đã nặng 7kg, mỗi bình ắc quy 60kg, một viên đạn pháo trên 30kg, vì vậy anh em trong kíp xe phải rèn luyện toàn diện về thể lực để có sức khỏe thật tốt thì mới có thể điều khiển được cả cỗ xe nặng nề dũng mạnh vượt qua mọi vật cản trên thao trường”. Với người lính tăng, gian khổ nhất là vào những mùa huấn luyện. Trời mùa hè nắng như đổ lửa, cỗ xe bọc thép sau nhiều giờ phơi mình trên thao trường nóng như thỏi sắt nung. Ngồi lên chiếc xe tăng như ngồi vào trong một lô cốt di động, bịt bùng, ngột ngạt, khó thở vô cùng. Những người lính tăng ai nấy mặt mũi đen nhẻm, áo quần lấm lem dầu mỡ, mồ hôi túa ra như tắm. Làm việc trong môi trường khắc nghiệt, chịu đựng sức nóng hầm hập cộng với tiếng ồn lớn, độ rung xóc cao và lớp bụi cuốn dày đặc, những người lính tăng nhất là lái xe luôn trong tình trạng căng thẳng. Lái xe ban ngày đã vất vả, nếu huấn luyện vào ban đêm lại càng khó khăn hơn do chỉ được sử dụng ánh sáng ngầm, tầm nhìn hạn chế. Đã ngồi vào xe không chỉ huy động chân tay mà còn cả trí óc và tất cả mọi giác quan để vượt qua các chướng ngại vật trên đường như: hào chống tăng, bãi đánh phá, tránh cọc giữa… Nhiệm vụ lái xe tăng gian khổ hơn rất nhiều so với đồng đội cùng là “cánh xế”, nhưng với tinh thần ham học hỏi, say mê rèn luyện, các anh luôn là những “tay lái cứng” vượt qua mọi thử thách trong huấn luyện và nhất là các đợt diễn tập cơ động trên thao trường.    

Đại úy Phạm Văn Thạnh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 699 cho biết: “Là đơn vị sẵn sàng chiến đấu của LLVT thành phố, những người lính tăng luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động, quanh năm suốt tháng hầu như anh em đều có mặt 100% ở đơn vị. Hết học tập, huấn luyện đến trực gác liên miên, có khi cả tuần chưa ghé qua nhà. Việc gia đình đều để cho vợ con gánh vác. Vất vả, khó khăn là thế nhưng năm nào đơn vị cũng được khen thưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu”. Với người lính xe tăng, hễ “có lệnh là lên đường”, đơn giản vậy thôi nhưng để làm được điều đó, tất cả phải luôn nỗ lực, đoàn kết, cùng chung một ý chí “năm người như một”, chia sẻ cho nhau những khó khăn gian khổ, tạo thành một điểm tựa vững chắc để những cỗ xe bọc thép hùng dũng luôn tiến lên với niềm tin son sắt “trước quân thù là chỉ biết có tiến công”.

CÁT TƯỜNG

;
.
.
.
.
.
.