Ngày 22-6, các lực lượng liên lạc viên, tình nguyện viên, công an… bắt đầu triển khai phục vụ kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6) diễn ra từ ngày 23 đến 29-6. Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng phục vụ sự kiện quan trọng này.
Các đại biểu quốc tế đến Đà Nẵng tham dự GEF 6 được đón tiếp chu đáo ngay tại nhà ga hành khách quốc tế T2. Ảnh: KHANG NINH |
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 22-6, một số đoàn đại biểu của các quốc gia và tổ chức quốc tế, phi chính phủ đã đến Đà Nẵng tham dự GEF 6. Tại nhà ga hành khách quốc tế T2 (Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng), lực lượng liên lạc viên (LLV) và tình nguyện viên (TNV) đón chào và hướng dẫn các đoàn đại biểu lên xe về khách sạn lưu trú.
Theo đó, có tổng cộng 400 LLV và TNV được huy động tham gia phục vụ GEF 6; các LLV được huy động từ các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban, ngành của thành phố Đà Nẵng và số còn lại là sinh viên của các trường đại học trên địa bàn được đào tạo, có kinh nghiệm tham gia phục vụ các hội nghị quốc tế.
Hiện các LLV và TNV được bố trí tại nhà ga hành khách quốc tế T2, tại 8 khách sạn, các phòng họp cũng như tháp tùng theo các đoàn…
Tương tự, các lực lượng của Công an thành phố và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã triển khai công tác bảo đảm an ninh, an toàn ở các địa điểm dành cho đại biểu lưu trú và địa điểm diễn ra các phiên họp. Đặc biệt, các lực lượng cũng sẵn sàng thực hiện phương án đón và dẫn đoàn, nhất là đối với các đoàn nguyên thủ quốc gia.
Bên cạnh đó, các lực lượng phối hợp triển khai ngăn chặn hoạt động của bọn tội phạm, các hành vi vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tụ tập đông người để biểu tình, chống phá, gây rối... không để ảnh hưởng đến việc đi lại của đại biểu trước, trong và sau các phiên họp.
Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) thành phố lên kế hoạch, phương án cụ thể nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Công an thành phố phối hợp với Cục CSGT và CSGT các tỉnh, thành phố giáp ranh tổ chức phân luồng, phân tuyến từ xa, phòng tránh và xử lý các hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, không để xảy ra những sự cố, tình huống bất ngờ, trong đó chú ý các điểm lưu trú của đại biểu, những tuyến đường đại biểu di chuyển đến nơi diễn ra các phiên họp...
Trước đó, ngày 21-6, tại Đà Nẵng, các tiểu ban phục vụ cho GEF 6 tổ chức cuộc họp rà soát các nhiệm vụ, công việc của công tác lễ tân, hậu cần, tuyên truyền và chuẩn bị nội dung cho các phiên họp. Các tiểu ban thể hiện quyết tâm bảo đảm cho GEF 6 được diễn ra một cách trọng thị, chu đáo, an toàn, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam, tạo được dấu ấn của nước chủ nhà với bạn bè quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà yêu cầu, các đơn vị được phân công nhiệm vụ chuẩn bị đề xuất sáng kiến từ phía Việt Nam tại mỗi sự kiện. Nội dung của các sự kiện do Việt Nam chủ trì phải thể hiện được sự nỗ lực của nước chủ nhà trong giải quyết các vấn đề về môi trường và hội nhập quốc tế; đồng thời, giới thiệu các vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam cũng như thể hiện sự hợp tác, hỗ trợ của GEF đối với các vấn đề môi trường tại Việt Nam.
Về phía địa phương, các ngành, chức năng của thành phố khẩn trương hoàn tất các đầu việc liên quan đến lĩnh vực môi trường. Bà Phạm Thị Hiền, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết, để chuẩn bị cho GEF 6, từ ngày 30-5 đến 30-7, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai Tháng hành động vì môi trường, vệ sinh các bãi biển và điểm nóng ô nhiễm tại quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn.
Công ty CP Môi trường đô thị tiến hành cải tạo cảnh quan tại 10 tuyến đường chính như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Nguyễn Văn Thoại…
Đà Nẵng với những không gian công cộng xanh - sạch - đẹp, sẵn sàng chào đón các đại biểu.Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho hay, Đà Nẵng rất vinh dự được Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Thư ký Quỹ Môi trường toàn cầu chọn làm nơi tổ chức sự kiện GEF 6.
Đây là sự kiện quốc tế quan trọng về môi trường tạo tiếng vang, tầm ảnh hưởng lớn của Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, ở góc độ địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường được UBND thành phố giao là cơ quan đầu mối, làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan để tổng hợp, tham mưu UBND thành phố trong việc hỗ trợ, phối hợp với bộ tổ chức các hoạt động tại Đà Nẵng.
UBND thành phố đã thành lập tổ công tác về tổ chức GEF 6 và phân công các lãnh đạo thành phố và lãnh đạo các sở, ngành tham dự các phiên họp toàn thể và các phiên họp song song trong thời gian diễn ra sự kiện.
Ngoài ra, phối hợp các bộ, ngành trung ương để bảo đảm công tác an ninh, an toàn, y tế, vệ sinh môi trường… Trong thời gian qua, các sở, ngành liên quan của thành phố đã chủ động trực tiếp làm việc với các tiểu ban của Bộ Tài nguyên và Môi trường để phối hợp triển khai công tác chuẩn bị.
Đến nay, mọi công việc chuẩn bị diễn ra suôn sẻ và hoàn thành, bảo đảm phục vụ tuần lễ về môi trường lớn mang tầm quốc tế. Cùng với đó, phía thành phố cũng tăng cường giới thiệu hình ảnh về Đà Nẵng đầy tiềm năng, lợi thế; những thành quả của 10 năm thực hiện đề án thành phố môi trường là minh chứng để các đại biểu quốc tế nhìn nhận sự nỗ lực của Đà Nẵng - một điểm đến xinh đẹp, thân thiện và mến khách.
Trước khi Kỳ họp GEF-6 diễn ra, có các sự kiện quan trọng bao gồm: cuộc họp của Hội đồng GEF lần thứ 54 (24 – 26-6), cuộc họp của Hội đồng Quỹ Biến đổi khí hậu đặc biệt (SCCF)/Quỹ Ủy thác cho các nước kém phát triển (LCDF) lần thứ 24 và Diễn đàn Xã hội dân sự (26-6), chương trình tham quan các dự án GEF ở thành phố Đà Nẵng sẽ diễn ra ngày 29-6. Các phiên khai mạc toàn thể của GEF 6 diễn ra vào ngày 27-6 đề cập thực trạng môi trường toàn cầu, tham vọng cần thiết để cải tổ các hệ thống hỗ trợ cách thức sinh hoạt, ăn uống, đi lại, sản xuất tiêu dùng của con người và vai trò của GEF-7 đối với sự thay đổi hệ thống cần thiết. 14 hội nghị bàn tròn cấp cao sẽ tập trung thảo luận sâu hơn về các chủ đề mới trong GEF-7 cũng như các vấn đề môi trường toàn cầu khác. Mỗi hội nghị bàn tròn sẽ có sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng và các Bộ trưởng nhằm thảo luận về thách thức, những công việc cần thực hiện, GEF cũng như các tổ chức khác có thể làm gì để giải quyết các vấn đề đó. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức 2 sự kiện bên lề với chủ đề về “Rác thải nhựa trên biển” và “Bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp phát triển du lịch bền vững”; phối hợp tổ chức triển lãm các thành tựu của các dự án GEF thuộc các quốc gia thành viên và các thành tựu của Việt Nam; phối hợp với Đà Nẵng ra quân làm sạch bờ biển... |
HOÀNG HIỆP – KHANG NINH