Đầu tư công, hai mảng sáng - tối

Bài 3: Thủ tục đầu tư rườm rà, kéo dài

.

Mặc dù công tác đầu tư công trên địa bàn thành phố có chuyển biến tích cực, nhất là sau khi có Luật Đầu tư công 2015, nguồn vốn ngân sách Nhà nước được bố trí tập trung hơn, hiệu quả đầu tư bước đầu được nâng cao. Tuy nhiên, thủ tục đầu tư công vẫn còn rườm rà, công tác giải phóng mặt bằng chậm…, kéo theo hàng loạt dự án đầu tư triển khai dang dở, không đúng tiến độ, gây thất thoát, lãng phí…

Theo kế hoạch, dự án kè biển Liên Chiểu-Kim Liên hoàn thành trong tháng 10-2017, nhưng đến thời điểm này cơ bản mới hoàn thành những hạng mục chính của dự án (ảnh chụp ngày 20-5-2018).
Theo kế hoạch, dự án kè biển Liên Chiểu-Kim Liên hoàn thành trong tháng 10-2017, nhưng đến thời điểm này cơ bản mới hoàn thành những hạng mục chính của dự án (ảnh chụp ngày 20-5-2018).

Vướng mắc bởi nhiều nguyên nhân

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Sơn, có những dự án, công trình đầu tư công thời gian thi công chỉ 8 tháng nhưng thời gian thông qua chủ trương đầu tư mất đến 2 năm.

Ông Sơn cho biết, việc thẩm định chủ trương đầu tư bắt đầu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), đến Văn phòng UBND thành phố, sau đó đến lãnh đạo UBND thành phố. Do các cơ quan không phối hợp làm cùng một lần nên mỗi khi có đơn vị có ý kiến khác lại phải làm lại hồ sơ.

Đây là khâu lãng phí thời gian nhiều nhất trong các khâu của đầu tư công. Nếu lập tổ công tác liên ngành làm nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố thẩm định chủ trương đầu tư sẽ rút ngắn được khâu này.

BQL dự án cũng phản ánh các hạn chế trong hoạt động đầu tư công như công tác triển khai hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán của các đơn vị tư vấn còn chậm; hồ sơ bàn giao cho BQL dự án chưa bảo đảm chất lượng. Trong quá trình BQL kiểm tra, các sở, ngành thẩm định còn chỉnh sửa nhiều lần dẫn đến chậm trễ.

Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Văn Sơn cho biết, tình trạng chậm tiến độ, tỷ lệ các dự án phải điều chỉnh khá lớn, nguyên nhân chủ yếu là do thủ tục đầu tư còn rườm rà, công tác giải phóng mặt bằng còn chồng chéo, chậm tiến độ.

Theo kế hoạch, dự án kè biển Liên Chiểu-Kim Liên sẽ hoàn thành trong tháng 10-2017, nhưng đến thời điểm này cơ bản mới hoàn thành những hạng mục chính của dự án. Giải thích về tiến độ dự án chậm, ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ của dự án một phần là do ảnh hưởng của thời tiết mưa bão kéo dài.

Ngoài ra, đường công vụ phía đầu tuyến gần với mực nước biển nên thường xuyên bị sóng vỗ kết hợp với điều kiện thời tiết xấu đã làm hư hỏng, gây khó khăn cho công tác vận chuyển thiết bị, vật tư vào điểm tập kết của công trình.

Bên cạnh đó, do vướng mặt bằng trong quá trình thi công đã làm ảnh hưởng đến công tác đóng cọc kè. Nguyên nhân nữa dẫn đến dự án chậm tiến độ là do việc điều chỉnh lại phương án thiết kế tại khu vực đoạn tường rào tại nhà máy xi-măng Hải Vân.

Theo quy định, kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn 5 năm sau được xây dựng từ năm cuối của giai đoạn trước và điều kiện để được bố trí trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm thì dự án phải được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, quy định này đã gặp nhiều bất cập như: Việc xác định tổng mức đầu tư của các dự án này sẽ không mang tính chính xác do biến động về giá, nhân công, vật liệu; việc xây dựng kế hoạch theo định hướng tương đối dài nên các ngành, địa phương khó dự kiến hết công trình sẽ đầu tư trong giai đoạn 5 năm.

Trong khi đó, công tác dự báo còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, chưa chính xác dẫn đến việc công trình mới đầu tư hoàn thành thì đã gần đủ công suất. Có công trình bị xuống cấp, hư hỏng do yếu tố khách quan, nhất là tình hình thiên tai, bão lụt diễn ra khó lường, tình hình biến đổi khí hậu vô cùng phức tạp như hiện nay. Cũng vì những lý do trên, nên trong quá trình triển khai thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.

Theo ông Trần Văn Sơn, trên thực tế, việc đầu tư phát triển hạ tầng đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Bên cạnh đó, do áp lực TĐC nên việc đầu tư các khu dân cư chưa tính hết đến việc khớp nối đồng bộ quy hoạch hạ tầng, thoát nước...

Đặc biệt, sự phối hợp giữa các BQL dự án đầu tư xây dựng với các sở, ngành quản lý lĩnh vực, đơn vị sử dụng tài sản chưa chặt chẽ, nhất là các lĩnh vực đầu tư cho văn hóa, y tế… nên việc triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm, chưa đầy đủ.

Ngoài ra, việc sử dụng nguồn vốn đầu tư chưa hiệu quả do năng lực của một số chủ đầu tư, điều hành dự án còn hạn chế, chất lượng hồ sơ quy hoạch, dự án, thiết kế phải điều chỉnh nhiều lần đã làm chậm trễ trong việc triển khai thực hiện.

Công tác giám sát, kiểm định chất lượng một số công trình chưa thực hiện thường xuyên nhất là công trình hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư và công trình công cộng khác làm ảnh hưởng đến chất lượng và tuổi thọ công trình. Một số chủ đầu tư, BQL dự án còn chậm trong việc nghiệm thu khối lượng...

Chậm giải phóng mặt bằng

Ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, công trình, Sở GTVT gặp vướng mắc, trở ngại như việc quy định lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư công từ các công trình quy mô nhỏ đến dự án lớn đều thực hiện thủ tục như nhau, làm kéo dài thủ tục hành chính.

Cũng theo ông Trung, một số vướng mắc do các văn bản quy định của Trung ương như: Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng cũng làm chậm tiến độ giải ngân các công trình. Theo quy định thì việc lập thiết kế kỹ thuật, lập thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán của dự án chỉ thực hiện khi có bố trí vốn thực hiện dự án.

“Kế hoạch vốn hằng năm được giao vào tháng 12 năm trước nên sau khi có kế hoạch vốn thực hiện đầu tư được giao thì các dự án mới đủ điều kiện trình, duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và triển khai công tác lựa chọn nhà thầu thi công công trình dẫn đến chậm khởi công công trình (từ 6 – 9 tháng).

Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các công trình thường khởi công vào mùa mưa và kéo theo chậm giải ngân kế hoạch vốn được giao”, ông Bùi Hồng Trung cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Hinh, Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng cho biết, giai đoạn 2003-2017, tổng nguồn vốn đầu tư do BQLDA thực hiện gần 7.000 tỷ đồng, với 360 dự án được phê duyệt; trong đó mới có 186 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, 9 dự án chuẩn bị đầu tư và vẫn còn 165 dự án thực hiện dang dở.

Một số dự án hạ tầng kỹ thuật chậm tiến độ là do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến tình trạng nhiều dự án phải điều chỉnh về quy hoạch, chi tiết tiến độ thi công và điều chỉnh lại dự toán cũng như tổng mức đầu tư của dự án.

Theo ông Hinh, việc lập hồ sơ, thẩm định dự án ở một số dự án còn chậm, nguyên nhân chủ yếu là do đơn vị tư vấn lập hồ sơ dự án chưa tính đến các điều kiện địa chất, thủy văn và khái toán kinh phí giải phóng mặt bằng chưa sát, nên đến khi thẩm định phát hiện nhiều sai sót phải chỉnh sửa, làm ảnh hưởng đến thời gian thẩm định phê duyệt dự án.

“Nguyên nhân khiến các dự án thực hiện dang dở chủ yếu xuất phát từ công tác giải phóng mặt bằng quá chậm. Có những dự án đã hoàn thành đến 95% khối lượng công trình, nhưng chưa thể nghiệm thu do vướng mắc ở khâu giải tỏa đền bù chỉ ở 1 đến 2 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch của dự án”, ông Nguyễn Hữu Hinh cho hay.

Theo ông Hinh, việc chậm tiến độ đối với những dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Các dự án đầu tư phải điều chỉnh, đặc biệt là tăng tổng mức đầu tư một mặt gây khó khăn cho công tác cân đối nguồn vốn thực hiện, mặt khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư đối với công trình.

Cùng quan điểm, ông Trần Văn Sơn cho rằng, nguyên nhân của việc chậm tiến độ này chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng, do bố trí vốn không kịp thời, cũng do năng lực của chủ đầu tư, BQLDA và các nhà thầu…

“Việc chậm tiến độ sẽ gây ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư đã đành, nhiều dự án đầu tư công còn gây thất thoát, lãng phí khá lớn. Trong khi đó, ở khâu bố trí vốn và thực hiện dự án, bố trí vốn dàn trải trong bối cảnh nguồn lực hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài, thậm chí khiến dự án bị bỏ dở, gây lãng phí cơ hội sớm hoàn thành dự án để phục vụ phát triển, lãng phí thời gian, lãng phí năng lực thi công của các nhà thầu...”, ông Trần Văn Sơn phân tích.

Để tháo gỡ vướng mắc trong công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đối với các dự án đầu tư công, ông Trần Văn Sơn cho rằng, UBND thành phố cần phân công cho các Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách giải tỏa đền bù theo từng địa bàn và thường xuyên kiểm tra thực tế, tổ chức các cuộc họp để kịp thời chỉ đạo, xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Đồng thời chỉ đạo Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng quận, huyện và Trung tâm Phát triển quỹ đất tập trung nguồn nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đền bù để giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố cho rằng, đối với công tác đền bù, giải tỏa để thực hiện các dự án đầu tư công thành phố nên giao cả hai khâu này cho đơn vị chủ đầu tư dự án thực hiện.

Nếu làm được này sẽ hạn chế được tình trạng chồng chéo trong khâu giải tỏa đền bù và tránh được tình trạng chưa giải tỏa xong, dự án vẫn tiến hành triển khai thực hiện rồi lại điều chỉnh quy hoạch dự án, gây lãng phí tiền của Nhà nước.

Hạn chế mùa nắng làm thủ tục, mùa mưa thi công

Tại các buổi giám sát chuyên đề về đầu tư công tại các sở, ngành, các đơn vị liên quan vừa qua, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị, để phát huy hiệu quả trong đầu tư công, trước hết cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư công, nhưng vẫn phải bảo đảm tính chặt chẽ, không tạo kẽ hở dễ bị lợi dụng làm thất thoát, lãng phí vốn đầu tư công.

Theo ông  Nguyễn Nho Trung, việc triển khai nhanh các thủ tục đầu tư sẽ tránh được tình trạng mùa nắng làm thủ tục đầu tư, đến mùa mưa triển khai thi công dự án, như vậy chất lượng công trình sẽ thấp.

Nhóm PV Thời sự

;
.
.
.
.
.
.