GEF 6: Thế giới cần chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn

.

ĐNO - Sáng 24-6, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Ariyana, hơn 500 đại biểu đến từ các quốc gia và tổ chức quốc tế tham dự phiên họp đầu tiên trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6) .

Bà Naiko Ishii (phải), Chủ tịch kiêm Giám đốc GEF và ông William Ernest Ehlers, Tổng Thư ký GEF đồng chủ trì phiên họp đầu tiên nhằm chuẩn bị nội dung trình GEF 6. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chủ tịch kiêm Giám đốc GEF Naoko Ishii (phải) và Tổng Thư ký GEF William Ernest Ehlers đồng chủ trì phiên họp đầu tiên nhằm chuẩn bị nội dung trình GEF 6. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch kiêm Giám đốc GEF Naoko Ishii cho biết, đây là phiên họp đầu tiên nhằm nhìn lại những kết quả đã đạt được trong 4 năm qua (2014-2018), đồng thời triển khai chương trình hành động cho 4 năm tới (2018-2022).

Bà Naoko Ishii kêu gọi các đại biểu hợp tác chặt chẽ để hoàn tất các nội dung công việc trước GEF 6 diễn ra, từ ngày 27 và 28-6.

Nhận xét về những kết quả đạt được trong 4 năm qua, bà Naoko cho biết, GEF đã triển khai nhiều chương trình đổi mới về chuỗi cung ứng hàng hóa, an ninh lương thực, các phương thức kinh doanh…

Theo bà Naoko Ishii, kỳ họp lần này là cơ hội để thế giới chung tay kiến tạo nên một hành tinh an toàn và đáng sống hơn. “Chúng ta cần phải thay đổi hệ thống sản xuất lương thực, phát triển đô thị, năng lượng và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ và đó chính là những gì GEF mong muốn thực hiện”, bà Naoko nhấn mạnh.

Các phiên họp sẽ xem xét chính sách tài trợ cho các dự án được cập nhật, tăng cường sự hợp tác, xem xét các quy tắc cho hệ thống phân bổ tài nguyên theo hướng minh bạch cũng như kế hoạch, ngân sách trong năm 2019 và thoả thuận thực hiện chương trình tài trợ nhỏ, chương trình hỗ trợ quốc gia.

Các đại biểu đến từ các quốc gia và tổ chức quốc tế trao đổi bên lề phiên họp. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các đại biểu đến từ các quốc gia và tổ chức quốc tế trao đổi bên lề phiên họp. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Cũng trong ngày 24-6, có 15 sự kiện bên lề do các tổ chức quốc tế tổ chức nhằm trao đổi các vấn đề quan trọng của toàn cầu như lương thực, môi trường, biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu suy thoái đất…

HOÀNG HIỆP - KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.