Trong những ngôi nhà khang trang với nhiều tiện nghi hiện đại, không ít người cao tuổi (NCT) vẫn cảm thấy cô đơn bởi điều họ thực sự cần không hẳn là vật chất mà là tình cảm và sự quan tâm.
Quan tâm chăm sóc của con cháu cũng là niềm vui của người già. |
76 tuổi, đảm nhận đến 7 chức vụ ở phường Bình Hiên (quận Hải Châu) như Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường, Chủ tịch Hội Từ thiện phường... nên mọi người hay nói đùa bác sĩ Nguyễn Thị Ninh Thượng đạt “kỷ lục” về người nhiều tuổi nhất giữ nhiều chức vụ nhất. Thế nhưng, bác sĩ Thượng chỉ nói đơn giản: “Mình làm để giết thời gian, chứ rảnh một tý là buồn lắm”.
Trước đây, bác sĩ Thượng là Giám đốc Trung tâm Phòng chống lao tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, đến khi về hưu, bác sĩ Thượng vẫn tất bật với hoạt động công tác xã hội. Từ thứ hai đến thứ sáu bận bịu công việc, bà chỉ sợ đến cuối tuần vì sợ ở một mình trong ngôi nhà trống vắng.
“Bây giờ cuộc sống khá ổn định, không lo nghĩ về tiền bạc, con cái yên bề gia thất, sức khỏe thì cũng ổn nhưng sự cô quạnh trong ngôi nhà vắng lặng tiếng người là điều làm mình sợ nhất”, bác sĩ Thượng nói.
Cô quạnh trong chính ngôi nhà mình là nỗi niềm của không riêng bác sĩ Thượng mà của rất nhiều người lớn tuổi hiện nay ở thành phố. Nghỉ hưu cũng là lúc bà H. (80 tuổi) được con trai đề nghị bán nhà ở xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) về trung tâm thành phố để việc học hành, đi lại của con cháu thuận tiện hơn.
Suy nghĩ mãi bà H. cũng đành chiều ý con chuyển về ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu). Nơi ở mới có vài lô đất trống có thể tận dụng trồng rau nên ban đầu bà H. đỡ nhớ quê, thế nhưng chỉ sau thời gian ngắn, những lô đất này bị lấp kín bởi dãy nhà bê-tông nên cuộc sống nhàn rỗi lại khiến bà muốn bỏ phố về làng:
“Tôi đã nhiều lần bàn với con cho trở về quê nhưng đều không được ủng hộ với lý do mẹ già rồi về đó đêm hôm bệnh tim trở chứng thì sao cấp cứu kịp. Vậy là tôi đành chấp nhận ở đây nhưng thực sự sống trong bốn bức tường này với tôi là một cực hình”.
Sự quan tâm chăm sóc, động viên của lãnh đạo thành phố luôn là niềm vui lớn cho NCT. Ảnh: THANH VÂN |
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội NCT (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) cho hay, đây là vấn đề mới phát sinh khiến NCT vốn đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nay lại càng khó hơn. Đơn cử như tại xã Hòa Châu hiện có 3 thôn là Cẩm Nam, Bàu Cầu và Giáng Đông gần như đã đô thị hóa.
Trước đây, NCT có thể ra vườn trồng rau hoặc nuôi gia súc, gia cầm để có thêm thu nhập và tìm niềm vui trong cuộc sống. Thế nhưng, khi thôn xóm thành khu phố thì hầu hết NCT bị hụt hẫng khi phải ở trong những căn nhà ống liền kề, bức bí.
Để giúp hội viên có nơi giải trí, Hội NCT xã đã tổ chức một số câu lạc bộ như dưỡng sinh, cờ tướng... nhưng do điều kiện đi lại khó khăn nên chỉ có khoảng dưới 200 hội viên tham gia và sinh hoạt cầm chừng.
Đặc biệt, trên địa bàn xã hiện còn khoảng 100 hội viên rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế, bị bệnh nặng, nhưng Hội không thể giúp được gì ngoài việc thăm hỏi, động viên.
Nhìn nhận về vấn đề của NCT ở đô thị, ông Nguyễn Hữu Tân, Chủ tịch Hội NCT phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) cho rằng, xã hội cần quan tâm và đánh giá đúng để từ đó có cách giúp NCT sống khỏe, hạnh phúc ở giai đoạn cuối cuộc đời. Kể từ năm 2009, khi Luật NCT được Quốc hội thông qua, Nhà nước đã có nhiều chế độ ưu đãi dành cho NCT như được khám bệnh định kỳ hằng năm, người trên 80 tuổi được hưởng trợ cấp...
“Chừng đó là chưa đủ, ngay như việc khám bệnh cũng là những bệnh thông thường, còn các bệnh nặng hơn đòi hỏi phải xét nghiệm máu, chụp phim phổi... thì không nằm trong chương trình này, trong khi người già thường có khá nhiều bệnh cùng lúc. Ngoài ra, đời sống tinh thần của NCT vẫn là khoảng trống, chưa được quan tâm đúng mức”, ông Tân nói.
Ông Tân cho biết thêm, hiện phường Hòa Phát có gần 1.200 hội viên NCT nhưng sân chơi dành cho các cụ gần như không có. Hội NCT cố gắng lắm chỉ tổ chức được vài câu lạc bộ nhưng cũng sinh hoạt cho có, vì NCT đi lại phải phụ thuộc vào con cháu nên ngại tham gia.
Bài và ảnh: THANH VÂN