Tôi và anh Đoàn Xoa (ảnh), biết nhau rồi thân nhau từ năm 1965, khi cùng tham dự một lớp bồi dưỡng cán bộ giáo viên chi viện cho miền Nam. Lúc này, tình hình miền Nam đang chuyển động mạnh, vùng giải phóng rộng từng ngày. Chính quyền Sài Gòn lâm vào nguy cơ sụp đổ. Mỹ ồ ạt đổ hàng vạn quân vào Đà Nẵng và cả miền Nam cứu nguy.
Anh Đoàn Xoa với tôi đều là giáo viên Văn, đều là dân Quảng Đà. Anh đã có gia đình với một cháu gái đầu lòng. Còn tôi mới có vợ chưa cưới. Ngày ấy, mọi con đường và con người đều hướng ra tiền phương. Việc chúng tôi làm là quá đỗi bình thường, như những chàng trai 17, 18 tuổi ở miền Bắc cho thêm gạch đá vào túi quần để đủ cân khi kiểm tra sức khỏe tuyển quân.
Anh Đoàn Xoa còn hoàn cảnh hơn thế. Anh là người con duy nhất của đồng chí Đoàn Kim, một chiến sĩ cộng sản lớp đầu của Quảng Nam-Đà Nẵng. Ông là một chỉ huy cao cấp của lực lượng tình nguyện quân tại Lào. Đủ bề khổ cực, ông mắc bệnh phổi. Hồi đó, ngành Y và mọi sự đều khó khăn, thiếu thốn. Ông ra đi.
Cách mạng không khi nào động viên những người có hoàn cảnh như anh Đoàn Xoa ra tiền tuyến. Còn anh và những người như anh lại giấu đi vị thế ưu đãi của mình để được bình đẳng trong cống hiến và hy sinh.
Còn có thêm một vài chi tiết.
Ông Tư Cương (Trương Công Thuận), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Liên khu ủy 5 là bạn chiến đấu, lớp đàn em của cha anh. Một lần ra làm việc với Tỉnh ủy Quảng Đà, biết anh Xoa đang có mặt ở chiến trường này, ông cho gọi anh đến trò chuyện thân mật, dặn dò ân cần.
Ông còn cho anh một khẩu K59 mới rợi. Nghe đâu ông có trao đổi với ông Phước, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà bố trí công tác sao cho bảo đảm an toàn cho anh Xoa.
Nghe chuyện đó chúng tôi bảo nhau: Ông cán bộ Cộng sản này coi bộ sống ân nghĩa thủy chung quá. Giữa lúc công việc bề bộn và trong cuộc đấu tranh sinh tử ở chiến trường mà vẫn nghĩ đến người đã dìu dắt, giác ngộ mình, chăm sóc đứa con của người ấy.
Nhưng chúng tôi đều thấy yêu cầu của ông ấy cố gắng bảo đảm mạng sống cho anh Xoa trong tình hình chiến trường Quảng Đà là bất khả thi. Quảng Đà là chiến trường ác liệt nay càng ác liệt hơn, đã đến với chiến trường này là phải chấp nhận có thể ngã xuống bất cứ lúc nào.
Với anh Đoàn Xoa, điều này như là một tất yếu. Từ khi vào chiến trường, anh luôn xông xáo đến các vùng sâu, luôn chiến đấu ở những nơi nóng bỏng như để trải nghiệm và tích lũy vốn sống với những con người và những vùng đất can trường nhất của quê hương, không khi nào anh lựa chọn những nơi yên bình hơn dù chỉ là một thời gian ngắn.
Mùa mưa năm 1969, ở đâu cũng đụng phải Mỹ. Chúng tôi (bộ phận phía trước của Ban Tuyên huấn Quảng Đà) đánh liều xuống vùng 3 huyện. Lợi dụng vị thế của địa bàn các xã giáp nhau: Xuyên Tân (Duy Xuyên), Phú Phong (Quế Sơn), Bình Giang (Thăng Bình) thuộc hai tỉnh (tiểu khu) Quảng Nam và Quảng Tín.
Ở địa bàn 2 tỉnh, 3 huyện trong những hoạt động quân sự thế nào địch cũng có sơ hở, lanh lẹ, cơ động và tìm được chỗ an toàn lánh né các cuộc hành quân càn quét.
Chúng tôi đã sống những ngày nghẹt thở và càng căng thẳng hơn khi được tin anh Đoàn Xoa đang sống với anh em du kích Xuyên Quang rồi biến đi đâu mất dạng. Tin tức kiểu này là 90% đã hy sinh. Lúc này đã có tin anh Trần Đình Hùng, Chánh Văn phòng Ban Tuyên huấn Quảng Đà từ vùng B Đại Lộc cũng dạt xuống khu đông Duy Xuyên và đã hy sinh. Anh trôi theo dòng nước, không tìm được thi thể.
Những ngày ác liệt qua đi, chúng tôi về lại Hòn Tàu, liên lạc với anh em Duy Xuyên họ nói chưa có tin tức anh Xoa, chắc là…
Tôi trao đổi với anh Ba, Văn phòng Đặc khu nhờ anh điện báo cáo việc này với anh Phước (Hồ Nghinh), Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà. Lúc này, chị Thanh- Hội trưởng Phụ nữ tỉnh đang ở văn phòng nghe chúng tôi bàn bạc, chị nói như khóc:
“Anh Phước đau từ ngày để tang Bác Hồ. Gần đây, nghe tin anh Phục, Thường vụ Tỉnh ủy hy sinh, anh sọm hẳn đi. Tin anh Xoa chưa rõ thực hư thế nào nhưng chắc anh Phước sẽ buồn lắm, đổ đau thì nguy”. Chúng tôi nghe lời chị.
Thật là may, mấy ngày sau, anh Xoa về cơ quan. Nghe chúng tôi kể lại chuyện mọi người lo lắng khi không có tin rõ ràng về anh, anh cười nhẹ nhàng: “Thì mình vẫn ở với anh em Xuyên Quang. Nó làm dữ quá, anh em chia ra các bộ phận nhỏ. Mình đi với bộ phận nhỏ nhất vào một góc khuất nhỏ nhất. Đơn giản có thế thôi”.
Khoảng gần 1 năm sau, những ngày “mất tích” ở Xuyên Quang, trên đường về cơ quan, anh Đoàn Xoa ở trong vùng diệt phá của một quả bom tọa độ, một mảnh bom đã xuyên vào vùng bụng của anh. Cây cối quay cuồng và đổ rạp, đá bụi mù mịt, anh vẫn bình tĩnh tự sơ cứu, trước hết tự băng cầm máu và anh đã bình tĩnh nghĩ đến cái kết cục: mình sẽ ra đi ở một điểm vô danh trên Hòn Tàu này, cơ quan và mọi người không ai hay biết. Nhưng rồi một đồng chí ở cơ quan đi ngang và phát hiện ra anh vẫn tỉnh táo dù máu me đầm đìa. Lát sau anh em nhà in ở gần đó đưa võng đến cáng anh về một cái hang - nơi đặt nhà in. Không một chút kiến thức, không một dụng cụ nào trong tay, họ chẳng đụng đến vết thương mà họ biết là ở vùng nguy hiểm. Họ không thể đưa anh tới bệnh xá hay trạm phẫu thuật, phần vì đường sá xa xôi khó khăn, phần vì biệt kích Mỹ đang lội khắp, khiêng thương gặp chúng là cái chắc. Họ dốc hết tâm lực nuôi thương. Hiền – phụ trách nhà in, ra rừng săn từng con chim nhỏ, con sóc nấu canh, nấu cháo cho anh. Anh em cơ quan đi đồng bằng về có cây cải xanh, lon nước ngọt, đường sữa, bánh kẹo, những gì ngon nhất, bổ nhất đều dành cho anh. Người lo giặt quần áo dùm anh. Người đem một ít than hồng nóng để ở dưới võng của anh theo kinh nghiệm dân gian như thế đỡ đau nhức.
Họ cũng cùng anh chuẩn bị cho mọi tình huống xấu. Nếu biệt kích Mỹ lùng tới, họ sẽ giấu kín anh vào một góc núi nào đó. Họ và anh đã chuẩn bị một nơi cho anh yên nghỉ. Đó là một đỉnh đồi gần hang, nằm đó anh có thể nhìn thấy Duy Xuyên quê anh và cả Đà Nẵng “cái quầng sáng bồn chồn thương nhớ ấy, cứ đêm đêm nức nở gọi ta về”.
7 ngày qua đi trong lo âu và hy vọng thì đoàn bác sĩ phẫu thuật đến. Họ nói, họ nhận được thư của ông Phước – Bí thư Đặc khu ủy. Bức thư rất cảm động khiến họ phải chuẩn bị nhanh và đi ngay, lội suối băng rừng với một gùi đầy dụng cụ. Họ đi qua nhiều điểm nghi là có biệt kích Mỹ với quyết tâm đến với ca cấp cứu này càng sớm càng tốt. Hỏi han và khám kỹ nơi vết thương, họ quyết định sẽ truyền cho anh một bình đạm rồi mổ ngay trong đêm.
Cuộc phẫu thuật diễn ra dưới ánh sáng của những chiếc đèn pin và 1 ngọn đèn dầu đầy khói đen. Họ chỉ gây tê, chắc là không có thuốc mê, anh Xoa nghe rõ tiếng dao mổ rạch một đường dài nơi bụng. Cuộc phẫu thuật đã hoàn thành tốt đẹp. Bác sĩ Chuyên cười thoải mái “chúng tôi đã làm tốt nhất những gì có thể nhưng tôi sẽ đề nghị để sau một thời gian sức khỏe của anh Xoa hồi phục sẽ đưa anh ra Bắc kiểm tra và xử lý thật cơ bản”.
Thế là dù không nằm lại với Hòn Tàu, anh Xoa phải xa rời những mảnh đất nóng bỏng và những con người thân thiết.
Anh trở lại Đà Nẵng sau ngày toàn thắng, bền bỉ thầm lặng chống chọi với những di hại của vết thương từ ngày ấy.
Anh hoàn thành nhiều trọng trách được giao trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng của Quảng Nam-Đà Nẵng. Anh đã vượt qua ngưỡng 80 tuổi. Chúng tôi ai cũng mừng vui cho đó là một phần của những huyền thoại về sức sống con người trong cuộc chiến.
Con người anh, một người luôn khước từ những ưu đãi về một cuộc sống yên bình, đủ đầy, tự mình dấn thân vào những nơi đầu sóng ngọn gió, gian khổ ác liệt nhất, một con người “chẳng hỏi đòi chi hồn giản dị” (thơ Tố Hữu).
Trước đây, cuộc chiến đấu có rất nhiều và cần lắm những con người chỉ biết cống hiến, hy sinh. Ngày nay, cuộc sống vẫn cần lắm, quý lắm những con người như vậy. Nghĩ như thế mà càng đau đớn lòng khi được tin anh qua đời, dẫu gần 50 năm trước đã cùng với anh chờ đợi tử thần cả tuần lễ ở Hòn Tàu, mà cả anh và tôi và các bạn bên anh ngày ấy đều thấy thanh thản, nhẹ nhàng.
NGUYỄN ĐÌNH AN