Những nhà báo không thẻ: Viết vì tâm huyết và tình yêu con chữ

.

Tuy không có thẻ nhà báo nhưng cộng tác viên (CTV) luôn là đội ngũ quan trọng đối với bất kỳ cơ quan báo chí nào… Báo Đà Nẵng có đội ngũ đông đảo CTV - “cánh tay nối dài” như thế. Đặc biệt, trong đó có những cây bút tên tuổi, gắn bó với Báo Đà Nẵng nhiều năm và luôn dành tình yêu đối với tờ báo Đảng của thành phố.

Từ trái sang: Ông Nguyễn Đình An, ông Bùi Văn Tiếng và ông Huỳnh Văn Hoa tại một hội nghị cộng tác viên Báo Đà Nẵng.Ảnh: HOÀNG HIỆP
Từ trái sang: Ông Nguyễn Đình An, ông Bùi Văn Tiếng và ông Huỳnh Văn Hoa tại một hội nghị cộng tác viên Báo Đà Nẵng.Ảnh: HOÀNG HIỆP

Không thể viết cho có, viết lấy được

Ở tuổi 84, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An hiện ít viết hơn. Nhưng chỉ vài năm trước đó, tên của ông thường xuất hiện trên Báo Đà Nẵng với những bài viết khúc chiết, sâu sắc về thành phố trong thời chống Mỹ và thời kỳ đổi mới.

Trong khi đó, ông Bùi Công Minh - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố tuy chỉ tham gia một số bài viết được “đặt hàng”, nhưng hầu như tác phẩm nào của ông cũng là “bài đinh” của số báo và được gia công, trau chuốt trước khi gửi tòa soạn.

Đối với ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, viết báo là công việc yêu thích. Có lẽ vốn sống phong phú, kiến thức sâu rộng cùng sự nhìn nhận tinh tế các vấn đề qua lăng kính của một người từng là giáo viên dạy Văn, nhà quản lý và nay làm công tác nghiên cứu giúp ông viết rất nhanh, có khi hoàn thành bài viết chỉ sau vài giờ đồng hồ nhận cuộc gọi từ Ban Biên tập (BBT) hay tòa soạn.

Ông Bùi Văn Tiếng cho biết, mỗi lần nhận được “đặt hàng” từ BBT để viết những bài Thời sự và Bàn luận, ông đều căng thẳng vì cảm thấy áp lực. Thứ nhất là áp lực bởi độ “nóng” về thời gian, thường chỉ mấy tiếng đồng hồ phải nộp bản thảo, thu xếp công việc hằng ngày để tập trung ngồi trước màn hình máy tính vài trăm phút là điều không dễ dàng.

Thứ hai là áp lực bởi độ “nóng” của nội dung bình luận, thường đòi hỏi người viết phải thể hiện cho được chính kiến của mình trước những vấn đề phức tạp. Thứ ba là dẫu “nóng” đến mấy cũng buộc phải viết cho đúng, cho hay, cho thuyết phục, không được phép viết cho có, viết lấy được…

“Căng thẳng thế nhưng khó từ chối lời “đặt hàng”. Khi đã nhận lời và nhất là khi viết xong bài, tôi cảm thấy rất vui, vì mình đã kịp thời phục vụ được yêu cầu của báo, cũng là của bạn đọc”, ông Tiếng chia sẻ.

Trong cuộc thi viết phóng sự - ký sự “Đà Nẵng - Dấu ấn 20 năm đổi mới” do UBND thành phố tổ chức năm 2016-2017, Báo Đà Nẵng là đơn vị thực hiện, cả ba CTV nói trên đều “rinh” giải. Ông Nguyễn Đình An đoạt giải ba với tác phẩm “Đột phá từ khai thác quỹ đất”; đồng giải ba là ông Bùi Công Minh với “Mẹ con người lấy nước cơm”; ông Bùi Văn Tiếng đoạt giải khuyến khích với “Lang thang… tìm cán bộ”. Đó là sự tưởng thưởng xứng đáng cho tình yêu và tâm huyết của 3 tác giả này đối với thành phố cũng như sự nghiêm túc của họ đối với con chữ.  

Cộng tác viên “ruột”

Khác với các tác giả nói trên, ông Diệp Dân Hùng và họa sĩ Hoàng Đặng là CTV ở 2 mảng đặc biệt của Báo Đà Nẵng: một người là “nguồn thông tin” kịp thời về các chủ trương, văn bản, chính sách của thành phố; còn một người là “chuyên gia” về tranh minh họa mỗi khi báo cần.

Nhiều năm cần mẫn cộng tác với Báo Đà Nẵng, dù có những lúc tin/bài không được sử dụng vì những lý do khách quan, nhưng ông Diệp Dân Hùng vẫn xem mình là CTV “ruột” và là độc giả trung thành của báo. “Tôi thường xuyên theo sát những bước đi và sự trưởng thành của Báo Đà Nẵng.

Đây là một trong những tờ báo mà tôi đọc mỗi sáng khi ngồi vào bàn làm việc. Có thể nói, đây là kênh thông tin chính thống, đáng tin cậy và cần thiết cho những ai quan tâm đến sự phát triển của thành phố”, ông Hùng bày tỏ.

Niềm vui của ông Hùng là khi có tin/bài được đăng báo, đăng ở trang nhất. “Tin/bài được đăng ở những vị trí “vàng”, tôi thấy mình được tôn trọng và “ngang hàng” với những nhà báo có thẻ. Hơn nữa, tôi vui khi nội dung bài viết của mình được dư luận quan tâm; ý kiến của mình được các cơ quan chức năng ghi nhận, tiếp thu…”, ông Hùng nói.

Song, ông Diệp Dân Hùng nói rằng, nhiều CTV - trong đó có ông - thường cảm thấy “thiệt thòi” khi không biết trước chuyên đề của các số báo, nhất là Báo Đà Nẵng cuối tuần hoặc các số đặc biệt, nên bị động trong việc đầu tư viết bài. Có những bài ông gửi đến trùng với bài chuyên đề hoặc trùng với đề tài đã được BBT “đặt hàng” CTV khác. Nhưng điều đó vẫn không làm suy suyển tình yêu của ông dành cho Báo Đà Nẵng.

Còn với họa sĩ Hoàng Đặng, mỗi khi được “đặt hàng” vẽ minh họa cho bài viết, chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ sau đã thấy ông gửi tác phẩm đến tòa soạn. Nhưng có khi bài viết có tranh minh họa đó bị gác lại, phải thực hiện tranh cho một bài viết khác, thế là ông gấp rút rời bỏ những cuộc vui nào đó trên phố, về phòng và ngồi vào bàn vẽ. “Tôi đã quen với những “sự cố” ấy, thậm chí cảm thấy thú vị khi làm việc với áp lực như thế nên chẳng nề hà gì. Cách ứng xử lịch sự, thân thiện của BBT là niềm vui và động lực rất lớn đối với tôi”, họa sĩ Hoàng Đặng cho biết.

Ông Huỳnh Văn Hoa, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố, cũng là CTV “ruột” của Đà Nẵng cuối tuần. Đặt ông viết bài, hễ nhận lời thì ông dốc hết tâm sức để có tác phẩm hay. Ông cũng là một trong những CTV đặt nhiều kỳ vọng về sự đổi mới của Báo Đà Nẵng.

Tự đổi mới cách nghĩ, cách nhìn, cách viết

Khi nói về làm báo trong thời đại đa phương tiện hiện nay, các CTV đều cho rằng, đây là công việc vừa dễ, lại vừa khó. Dễ vì có quá nhiều công cụ hỗ trợ, chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối Internet thì bạn đọc có thể trở thành CTV của các cơ quan báo chí.

Nhưng khó vì có sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội. “Mạng xã hội nhanh, nóng hổi, sát với đời sống hằng ngày. Thế giới phẳng là vậy. Cái khó này đòi hỏi người làm báo phải thích ứng, phải suy nghĩ, phải đào sâu, không thể lớt phớt. Trang viết không có bóng dáng cuộc đời, không có thao thức về cuộc đời thì không thể lay động độc giả”, ông Huỳnh Văn Hoa nêu quan điểm.

Theo đó, không chỉ “các nhà báo có thể” cần tự đổi mới cách nghĩ, cách nhìn, cách viết để tác phẩm báo chí luôn hấp dẫn, mà cả “những nhà báo không thẻ” cũng vậy. Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng, nhà báo chuyên hay không chuyên đều phải nhanh nhạy để bắt đúng mạch đập của đời sống xã hội, chiếm thế thượng phong trong thông tin. Song, nhanh nhạy cũng có thể dẫn đến thiếu tỉnh táo, chạy theo tâm lý đám đông… nên người viết cần thận trọng, suy xét thấu đáo, khách quan, có đầy đủ thông tin và cả cơ sở pháp lý thì hãy ngồi vào bàn mà viết.

Cũng theo ông Bùi Văn Tiếng, không chỉ các nhà báo “có thể” mà CTV cũng cần ý thức được trách nhiệm đối với tác phẩm của mình khi tham gia cộng tác với cơ quan báo chí và được tòa soạn tin tưởng, dù đó chỉ là một mẩu tin nhỏ, một bài viết ngắn, hay một bức ảnh, một video clip…

Tất cả phải chân thực, không dàn dựng, không cắt ghép và phải có sự kiểm chứng thông tin trước khi viết, bởi có khi một thông tin sai sự thật, một cách đánh giá võ đoán và thiếu căn cứ của báo chí có thể dẫn đến một kết cục không như mong đợi.

“Nghề báo đòi hỏi sự dấn thân. Ai muốn cầu an khó lòng đi đến cùng với nghề này - đi đến cùng về thời gian làm nghề và đi đến cùng trong bút lực. Chúng tôi cộng tác với Báo Đà Nẵng vì ý thức trách nhiệm của công dân đối với các vấn đề trong cuộc sống, vì tình yêu đối với thành phố Đà Nẵng và cả tình yêu con chữ.

Được biết, trong cuộc thi viết phóng sự - ký sự “Đà Nẵng - Dấu ấn 20 năm đổi mới”, có tác giả không chuyên đã góp nhặt những câu chuyện trong mỗi chuyến thăm Đà Nẵng để gửi đến 6 bài dự thi; có tác giả ở tuổi 90 gửi bài dự thi với những dòng chữ viết tay nắn nót trên giấy kẻ học trò…

Đó là những câu chuyện rất cảm động, ý nghĩa để thấy rằng, những người viết báo không chuyên như chúng tôi dành sự quan tâm lớn đối với báo chí, cụ thể là Báo Đà Nẵng, và sẵn sàng đồng hành với báo, góp tiếng nói để xây dựng và phát triển thành phố”, ông Bùi Văn Tiếng nói.

Mạng xã hội nhanh, nóng hổi, sát với đời sống hằng ngày. Thế giới phẳng là vậy. Cái khó này đòi hỏi người làm báo phải thích ứng, phải suy nghĩ, phải đào sâu, không thể lớt phớt. Trang viết không có bóng dáng cuộc đời, không có thao thức về cuộc đời thì không thể lay động độc giả”

Ông HUỲNH VĂN HOA

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.