Quốc hội bỏ phiếu lùi thời gian thông qua dự luật về đặc khu, kêu gọi nhân dân bình tĩnh, tin tưởng

.

Sáng 11-6, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết về việc điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt). Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ đề nghị Quốc hội cho lùi việc xem xét, thông qua dự án Luật vào kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho phép điều chỉnh chương trình phiên bế mạc Kỳ họp sáng 15-6, rút nội dung biểu quyết thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Nghị quyết về thi hành luật này. Kết quả biểu quyết có 423 đại biểu tán thành, tương đương 85,63% đồng ý rút nội dung biểu quyết thông qua dự án luật và nghị quyết về thi hành luật này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP

Phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại ngày hôm qua, ở một số địa phương, một bộ phận người dân tụ tập đông người, một số có hành động quá khích làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Quốc hội kêu gọi đồng bào, nhân dân cả nước hãy bình tĩnh, tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các dự án luật Quốc hội đang thảo luận và luôn lắng nghe ý kiến của người dân”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã đọc Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Theo đó, dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2017), sau đó đã được tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội tại kỳ họp này. Kết quả tổng hợp ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại hội trường ngày 23-5-2018 cũng như góp ý bằng văn bản về dự thảo luật cho thấy đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật và cho rằng dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý nghiêm túc, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp. “Các vị đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm vào các nội dung cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói. Tuy nhiên, đây là dự án luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ; nhiều quy định về cơ chế, chính sách trong dự thảo luật mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri về một số nội dung của dự án luật còn khác nhau.

Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) phát biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục chiều 11-6. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) phát biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục chiều 11-6. Ảnh: TTXVN

Trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý quy định của dự thảo luật về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh áp dụng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với Chính phủ đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh thời gian thông qua dự án luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân, hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm xây dựng thành công ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, giữ vững an ninh-quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chủ trì phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý dự thảo luật và hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết, đề án về thành lập các đặc khu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất đai tại các địa bàn dự kiến thành lập đặc khu, tích cực triển khai các công việc chuẩn bị về nguồn lực, điều kiện bảo đảm để khi luật và các nghị quyết được Quốc hội thông qua có thể thực hiện được ngay; đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, làm rõ những vấn đề được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm để tạo sự đồng thuận cao đối với các nội dung của dự thảo luật.

Sáng 11-6, ngày làm việc thứ 17 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự thảo luật; thời điểm đặc xá (Điều 5); điều kiện được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại và nhân ngày lễ lớn của đất nước (Điều 10); người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt (Điều 21); thực hiện Quyết định đặc xá đối với người nước ngoài (Điều 19) và một số vấn đề khác. Theo đó, đa số ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết, qua phản ánh của cử tri, có ý kiến còn băn khoăn về công tác đặc xá thời gian qua triển khai gấp gáp nên chưa bảo đảm đầy đủ sự tham gia, giám sát của nhân dân, từ đó có thể làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công tác đặc xá. Vì vậy, luật sửa đổi phải khắc phục hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng công tác đặc xá; đồng thời tránh việc hiểu sai bản chất đặc xá.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 36 điều; bổ sung 3 điều mới; bãi bỏ 10 điều, phù hợp với Nghị quyết số 34/2017/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Dự thảo luật bao quát hầu hết các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật Giáo dục, trong đó tập trung vào một số nội dung hướng vào các chính sách như: chính sách học phí học sinh, sinh viên sư phạm; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo; về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận văn bằng nước ngoài; đầu tư và nguồn lực tài chính cho giáo dục; trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội… Cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá tác động của các vấn đề và chính sách nêu trên, lồng ghép các nội dung cần sửa đổi, bổ sung ở các mức độ khác nhau tại các điều Luật có liên quan của Dự thảo, trên cơ sở đó triển khai theo hướng xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục theo đúng Nghị quyết số 34/2017/QH14 nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, bức xúc của giáo dục và đào tạo hiện nay.

Thảo luận về dự án luật, đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) cho biết, theo chương trình đánh giá học sinh quốc tế từ Tổ chức Hợp tác và phát triển quốc tế, kết quả trong các bài kiểm tra về toán học và khoa học của học sinh Việt Nam đã vượt kết quả của các học sinh trong khu vực, liên tục vượt trội so với học sinh của các nước khác như Mỹ, Anh… Tuy nhiên, thực tế, học sinh của chúng ta lại yếu kém về kỹ năng, sự hiểu biết về cuộc sống và nhất là trình độ ngoại ngữ. Đại biểu cho rằng, tất cả những yếu kém này rất khó để người Việt Nam có thể hòa nhập với thế giới. Do đó, cần phải bổ sung vào mục tiêu giáo dục, đó là: “Nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, kỹ năng, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp” để khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém nêu trên. (Quochoi.vn)

Kêu gọi công nhân lao động không để lòng yêu nước bị lợi dụng

Ngày 11-6, thay mặt Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn thế giới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường gửi thư kêu gọi toàn thể đoàn viên Công đoàn, công nhân lao động hãy bình tĩnh, đề cao cảnh giác, không nghe theo và không làm theo lời xúi giục của kẻ xấu; không để lòng yêu nước bị lợi dụng; đồng thời tuyên truyền cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp không tham gia các hành động trái pháp luật, không chia sẻ những nội dung kích động trên các trang mạng xã hội. “Vì sự ổn định và phát triển của đất nước, tất cả chúng ta hãy đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch; giữ gìn trật tự an ninh, an toàn xã hội, bảo vệ công ty, bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ việc làm của chính mình”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh. (TTXVN)

Xử lý hành vi tụ tập gây rối trật tự công cộng

Ngày 11-6, Công an thành phố cho biết, Công an quận Hải Châu đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 167/NĐ-CP đối với 12 trường hợp tụ tập nhiều người gây mất trật tự công cộng trên vỉa hè đường Bạch Đằng, khu vực phía tây cầu Rồng vào buổi sáng ngày 10-6.

Trước đó, trong sáng 10-6, trên vỉa hè đường Bạch Đằng có nhóm khoảng 20 người  tập trung tuần hành giăng biểu ngữ với nội dung phản đối dự luật về đặc khu, phản đối cho thuê đất 99 năm. Nhóm người này tuần hành về phía cầu Sông Hàn. Công an thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng của thành phố và quận Hải Châu tiến hành tuyên truyền, vận động giải tán; tuy nhiên nhóm người này không chịu giải tán và tiếp tục đi về phía cầu Sông Hàn và thu hút thêm một số người hiếu kỳ đi theo. Đến 10 giờ cùng ngày, Công an thành phố vận động giải tán đám đông và mời 26 người quá khích, manh động về trụ sở quận Hải Châu, phường Phước Ninh làm việc. Qua làm việc, lực lượng chức năng phân loại 12 trường hợp đủ cơ sở để lập biên bản xử lý vi phạm hành chính về hành vi tụ tập nhiều người gây mất trật tự công cộng. Một số trường hợp khai báo do hiếu kỳ đi theo đám đông, một số không có thông tin đầy đủ bị kích động, lôi kéo đi cùng.

Qua trao đổi, một số cử tri thành phố cho rằng, việc tạm dừng xem xét thông qua dự án luật về đặc khu thể hiện tinh thần cầu thị nghiêm túc và ứng xử đúng đắn của các cấp thẩm quyền như Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, trước những phản biện thực sự có giá trị của cử tri, nhân dân cả nước. Đây là một tín hiệu tích cực, thể hiện rõ người dân thực sự tham gia trực tiếp vào quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Với cách thức đó, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ tiếp tục được toàn xã hội góp ý, phản biện, thực thi một cách hiệu quả; mọi quyết định hệ trọng của đất nước thực sự hội tụ tinh hoa trí tuệ, tâm huyết, lương tri, trách nhiệm của hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Các cử tri thành phố bày tỏ sự không hài lòng và phản đối trước việc tụ tập gây mất trật tự công cộng trên vỉa hè đường Bạch Đằng, khu vực phía tây cầu Rồng vào buổi sáng ngày 10-6.  (Hoàng Anh)

TTXVN

;
.
.
.
.
.
.