Tác nghiệp tại APEC

.

Cuối năm 2017, thành phố Đà Nẵng đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC. Đây là sự kiện tầm cỡ quốc tế hết sức quan trọng của quốc gia và là cơ hội đặc biệt đối với các phóng viên muốn học hỏi, trải nghiệm và thể hiện khả năng tác nghiệp. 

Phóng viên Báo Đà Nẵng (hàng đầu, bên trái) tại buổi họp báo ở Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Trung tâm Báo chí quốc tế IMC. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Phóng viên Báo Đà Nẵng (hàng đầu, bên trái) tại buổi họp báo ở Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Trung tâm Báo chí quốc tế IMC. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tác nghiệp ở Tuần lễ Cấp cao APEC có hơn 3.000 phóng viên, nhà báo trong và ngoài nước. Trung tâm Báo chí quốc tế (IMC) Đà Nẵng đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc cung cấp thông tin các sự kiện tại Tuần lễ Cấp cao APEC.

Nơi đây có khu vực làm việc chung đáp ứng cho hơn 3.000 phóng viên tác nghiệp cùng lúc với hệ thống đường truyền internet tốc độ cao; các phòng họp báo lớn, nhỏ, phòng phỏng vấn, khu vực làm việc riêng của các cơ quan báo chí, khu vực ăn uống, y tế, cầu nguyện, dịch vụ ngân hàng, bưu điện...

Mặc dù các sự kiện, hội nghị được tổ chức ở nhiều địa điểm cách xa nhau, nhưng IMC có hệ thống tường thuật trực tiếp từ các địa điểm về trung tâm, giúp phóng viên có thể theo dõi trực tiếp các sự kiện. Bên cạnh các phóng viên trong nước, nhiều hãng tin, truyền thông quốc tế cũng có mặt tại IMC như đài truyền hình Mexico, Nhật Bản, Trung Quốc cùng các hãng thông tấn Reuters, AP, NHK, Tân Hoa Xã... với trang thiết bị tác nghiệp hiện đại.

Mỗi lần APEC nhóm họp các cuộc hội nghị có khoảng 2.000 quan chức tham dự. Riêng đối với Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng có gần 10.000 người tham dự đến từ 21 nền kinh tế thành viên và các tổ chức quốc tế, trong đó có những ngày diễn ra 10 cuộc họp, hội nghị khác nhau.

Qua hoạt động trong lĩnh vực báo chí cho thấy, ở sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng không có khoảng cách về phương tiện tác nghiệp (máy ảnh, camera…) giữa các cơ quan báo chí trong nước lẫn báo chí nước ngoài. Với ưu thế là nước chủ nhà và là địa phương đăng cai tổ chức, báo chí trong nước và thành phố Đà Nẵng có sự chuẩn bị và điều kiện tác nghiệp theo chủ đề mà tờ báo mình quan tâm.

Phương pháp tác nghiệp báo chí tại Tuần lễ Cấp cao APEC Đà Nẵng chủ yếu theo hình thức nhóm. Báo Đà Nẵng cũng không ngoại lệ và đã thực hiện hiệu quả tác nghiệp nhóm bằng cách chọn những phóng viên “thiện chiến” nhất để lập nhóm “tác chiến” tại hiện trường.

Trưởng nhóm phân công rõ ràng: phóng viên ảnh theo mũi nào, biên dịch kèm theo phóng viên phỏng vấn, phóng viên sự kiện tại phòng họp, phóng viên thực hiện sự kiện bên lề, sự kiện nào quan trọng cần tăng thêm phóng viên.

Trung tâm Báo chí quốc tế phục vụ APEC-2017.Ảnh: XUÂN SƠN
Trung tâm Báo chí quốc tế phục vụ APEC-2017.Ảnh: XUÂN SƠN

Theo đó, năng lực, sở trường của từng thành viên trong nhóm được phát huy để tác nghiệp. Ở hội nghị “Diễn đàn tương lai APEC”, phóng viên có kiến thức ngoại ngữ tốt tập trung phỏng vấn đại biểu; phóng viên biên tập nội dung “chọn” đại biểu để đặt phỏng vấn bám những nội dung chính các đại biểu sẽ thảo luận. Ví dụ, chủ đề bàn về “kinh tế kỹ thuật số” thì chọn đại biểu ở nền kinh tế phát triển tốt lĩnh vực này, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Kinh nghiệm tác nghiệp báo chí ở APEC là tuân thủ nguyên tắc “Đi sớm! Đi sớm! Và đi sớm!” để có “Vị trí, Vị trí và Vị trí tốt!”. Với một hội nghị cấp cao như APEC, phải mặc trang phục lịch sự và chỉnh tề; chú ý về “giấy phép con” - thẻ Pool vì thẻ tác nghiệp APEC chỉ là điều kiện cần và có giá trị vào IMC là chủ yếu. Để dự được những sự kiện quan trọng khác, phóng viên phải đăng ký thêm thẻ Pool, bởi thẻ có vai trò quan trọng trong việc phân chia lượng phóng viên quá đông đảo và luôn “cầu vượt so với cung”.

Tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, có tờ báo đích thân lãnh đạo báo phải tạo “quan hệ” riêng để có thẻ Pool cho phóng viên tác nghiệp, giúp tờ báo chiếm ưu thế về thông tin. Thẻ tác nghiệp và thẻ Pool thường được phân chia theo thứ tự ưu tiên như sau: Hãng thông tấn toàn cầu (Reuters, AP, AFP); phóng viên nước chủ nhà; tiếp đến là 20 quốc gia, vùng lãnh thổ APEC và sau cùng là phóng viên các nước khác.

Một kinh nghiệm quan trọng khác là luôn dành thời gian đọc kỹ Sổ tay hướng dẫn dành cho báo chí (APEC Media Handbook) vì trong đó chứa nhiều thông tin và quy định quan trọng đối với việc tác nghiệp, tên và số liên lạc (key contacts), lịch trình (programme), khu vực (zoning) và giới hạn (restrictions) của thẻ tác nghiệp, thông tin về trung tâm báo chí (IMC)…

"Trong các nền kinh tế thành viên APEC, Việt Nam là thành viên mà chúng tôi mong muốn được học hỏi nhiều nhất vì Papua New Guinea sẽ là chủ nhà của Năm APEC 2018. Chúng tôi học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam từ nhiều khâu tổ chức, trong đó có công tác truyền thông, báo chí... để áp dụng vào công tác tổ chức cho APEC 2018. Tôi cũng rất ấn tượng với Trung tâm Báo chí quốc tế - IMC.

Việt Nam đã xây dựng một địa điểm tuyệt vời dành cho các cơ quan báo chí truyền thông với trang thiết bị hiện đại, không gian thoáng đãng, đồ ăn ngon và hơn hết là đường truyền wifi tốc độ cao, giúp cho mọi công việc của nhà báo không bị gián đoạn”.

Ông Ivan Bayagau - kênh NBC thường trú tại Papua New Guinea

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.
.