Viết tiếp truyền thống dạy và học

.

“110 năm là chặng đường quá dài đối với cuộc đời của một giáo viên như tôi. Và đó là một hành trình của nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời, nhiều con người. Nhiệm vụ của tất cả các thầy giáo, cô giáo là tiếp bước vững vàng, phát huy truyền thống nhà trường để cùng nhau xây dựng An Phước ngày càng rạng danh”, cô Trần Thị Kim Yến, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học An Phước chia sẻ khi nói về truyền thống dạy và học của nhà trường.

Kế thừa truyền thống hiếu học, 2 học sinh Trường tiểu học An Phước tham gia và đoạt giải nhất tại Ngày hội Giao lưu học sinh lớp Năm cấp thành phố năm học 2017 - 2018. (Ảnh do nhà trường cung cấp)
Kế thừa truyền thống hiếu học, 2 học sinh Trường tiểu học An Phước tham gia và đoạt giải nhất tại Ngày hội Giao lưu học sinh lớp Năm cấp thành phố năm học 2017 - 2018. (Ảnh do nhà trường cung cấp)

Trong thời gian qua, nhà trường không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, điển hình là việc triển khai các chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học. Nhà trường thường xuyên chú trọng tập huấn giáo án và bài giảng điện tử e-learning cho giáo viên nên giáo viên tham gia bài giảng điện tử e-learning cấp thành phố hằng năm tăng cả chất lượng lẫn số lượng.

Cụ thể, năm học 2015-2016 có 4 giáo viên, năm học 2016-2017 có 6 giáo viên, năm học 2017-2018 có 8 giáo viên. Vào Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), nhà trường còn tổ chức thi bài giảng điện tử e-learning, nhờ đó 100% giáo viên đều biết sử dụng giáo án điện tử.

“Trong đổi mới dạy học, nhà trường lấy học sinh làm trung tâm, đặc biệt là quan tâm đến chất lượng mũi nhọn và chất lượng đại trà. Do đó, chất lượng học sinh giỏi thành phố tăng cao hằng năm qua các cuộc thi Giao lưu Toán, Tiếng Việt cấp thành phố, Ngày hội trạng nguyên nhỏ tuổi.

Đối với chuyên đề Toán và Tiếng việt, Ban Giám hiệu chủ trì chuyên đề để các giáo viên tham gia đóng góp ý kiến và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau”, cô Kim Yến chia sẻ.

Song song với việc nâng cao chất lượng dạy học, nhà trường còn tổ chức các hoạt động thể dục-thể thao cho học sinh như mở các câu lạc bộ cờ vua, bóng bàn, cầu lông, bơi. Từ năm 2011-2012, nhà trường đã triển khai mô hình bể bơi di động và trở thành điểm học bơi cho học sinh các trường tiểu học Hòa Phú, Hòa Nhơn, Lâm Quang Thự trong dịp hè.

Nhờ vậy, phong trào thể dục-thể thao của nhà trường phát triển mạnh, 3 năm liền nhà trường đoạt giải nhất toàn đoàn Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp và đoạt các giải cao như cuộc thi em hát dân ca, cuộc thi về phòng chống tai nạn bom mìn, cuộc thi phụ trách sao giỏi. Đặc biệt, nhà trường 2 năm liền đạt liên đội xuất sắc nghìn việc tốt cấp thành phố.

Hiện nay, nhà trường có 45 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 20 lớp với hơn 600 học sinh. Trường đã huy động 100% trẻ ra lớp đúng độ tuổi và hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 100%. Học sinh giỏi cấp thành phố năm sau luôn cao hơn năm trước, đến nay đã có hơn 100 giải. Các danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, “Giáo viên dạy giỏi” các cấp năm sau cao hơn năm trước với tỷ lệ trên 70%.

Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức thi chọn đội tuyển từ lớp 1 đến lớp 5. Từ đó, nhà trường chọn giáo viên có năng lực, có tâm huyết để bồi dưỡng. Trường tiểu học An Phước cũng là trường duy nhất trên địa bàn huyện dạy chương trình tiếng Anh thiếu nhi DYNED từ năm 2013 nên học sinh được học tiếng Anh trực tiếp với người bản xứ thông qua màn hình và tai nghe.

Nhờ vậy, các em có điều kiện nâng cao kỹ năng tiếng Anh và học tốt chương trình tiếng Anh tăng cường, tạo nền tảng kiến thức vững chắc để các em tiếp thu tốt chương trình tiếng Anh lớp 6 và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi tiếng Anh như Giao lưu Olympic Tiếng Anh, Tiếng Anh qua mạng...

Chia sẻ về công tác dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Lê Thị Vân, giáo viên môn Tiếng Việt lớp 5 cho biết, số lượng học sinh đoạt giải trong các cuộc thi cấp huyện và thành phố môn Tiếng Việt tăng cao qua các năm, riêng năm học 2017-2018 có 7 học sinh đoạt giải cấp thành phố. Ngoài ra, so với các em ở thành phố, các em ở nông thôn không có điều kiện đi du lịch nhiều nên thường gặp khó khăn khi tả cảnh đẹp quê hương, đất nước.

Trong quá trình dạy học, các giáo viên tiếp thu những chuyên đề của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, rồi về sáng tạo lại để dạy cho các em. Trong mỗi tiết học, ngoài chương trình sách giáo khoa, các em còn làm thêm các bài văn hay để trau dồi vốn từ; đồng thời hướng dẫn các em tưởng tượng và lồng cảm xúc vào từng đoạn văn để bài văn hay hơn.

“Phương châm của chúng tôi là cho học sinh tham khảo chứ không cho sử dụng hoàn toàn các bài văn mẫu vào bài làm của mình, đồng thời động viên kịp thời để các em thích thú với việc học Văn”, cô Vân giải thích.

“Phát huy truyền thống hiếu học của nhà trường, thời gian tới, thầy và trò Trường tiểu học An Phước sẽ tiếp tục phấn đấu nâng cao hơn nữa về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục trong giai đoạn hiện nay, góp phần thực hiện chủ trương nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài cho địa phương và cho đất nước”, cô Trần Thị Kim Yến khẳng định.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.