Gần 10 năm nay, không quản ngại gian khó, anh Nguyễn Hoàng Việt, nhân viên Đội Cứu hộ cứu nạn, Xí nghiệp Quản lý, vận hành hầm đường bộ Hải Vân, thuộc Công ty CP Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Anh Việt là người tiên phong đề xuất các ý tưởng sáng tạo kỹ thuật giúp công tác cứu hộ cứu nạn (CHCN) nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Anh Nguyễn Hoàng Việt đang chế bộ dẫn khí từ xe cứu hộ để mở khóa cho các xe container khi gặp sự cố trong hầm đường bộ Hải Vân. |
Sáng kiến tiết kiệm hàng ngàn giờ cứu hộ
Một buổi sáng cuối tháng 5, chúng tôi gặp anh Việt khi anh đang loay hoay với chiếc xe cứu hộ mới đưa về. Hỏi ra mới biết, anh đang “chế” đường dây dẫn khí từ xe cứu hộ để nối với các phương tiện khác.
Thấy chúng tôi tròn mắt chưa hiểu, anh Việt chậm rãi giải thích: “Hiện nay, những xe container đều dùng thắng hơi. Khi xe bị mất hơi khiến phanh không nhả làm lốp không hoạt động nên không kéo xe ra ngoài được. Chưa hết, nhiều phương tiện chở quá tải trọng đến vài chục tấn nên việc kéo xe ra khỏi hầm rất vất vả”.
Những lần như vậy, đội cứu hộ phải đợi nhân viên sửa chữa từ phía tỉnh Thừa Thiên Huế vào hoặc từ Đà Nẵng ra khắc phục. Nhân viên cứu hộ phải bảo đảm giao thông trong hầm hàng giờ, có khi cả ngày để nhân viên sửa chữa tháo rời giàn bánh hoặc chờ đầu container khác thay thế rồi mới kéo được phương tiện ra ngoài. Với lượng xe lưu thông qua hầm đông đúc, nếu có một xe gặp trục trặc đồng nghĩa với tắc hầm.
Thời gian sửa chữa càng lâu càng khiến giao thông đình trệ. Từ cái khó ấy, anh Việt nảy ra sáng kiến dùng bình hơi của xe cứu hộ thông qua bộ van tự chế để cung cấp hơi cho xe container giúp xe mở khóa (locker) để kéo phương tiện ra ngoài nhanh chóng. Anh dùng một đường ống nhỏ nối với bình hơi của xe cứu hộ, lấy hơi từ xe cứu hộ chuyền qua phương tiện hỏng để mở locker.
Khi có hơi, phương tiện hỏng sẽ mở khóa lốp xe, từ đó có thể kéo xe hỏng ra khỏi hầm đưa đi sửa chữa. Nếu trước đây đợi nhân viên sửa chữa tháo rời bánh mất ít nhất 2 tiếng đồng hồ thì nay, chỉ với van và đường ống dẫn khí, đội CHCN chỉ tốn chưa đầy 20 phút để đưa một phương tiện hỏng ra khỏi hầm.
“Sáng kiến của anh Nguyễn Hoàng Việt tuy nhỏ nhưng đem lại hiệu quả rất lớn, tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức trong công tác CHCN. Nhờ sáng kiến này, công tác cứu hộ diễn ra nhanh chóng hơn, tránh được tình trạng ách tắc giao thông trong hầm”, ông Lê Châu Thắng, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm đường bộ Hải Vân nói.
Theo ông Thắng, tính đến nay, anh Việt đã chế tạo thành công hệ thống van tự chế sử dụng khí nén cho 3 xe cứu hộ. Việc làm của anh giúp tiết kiệm hàng ngàn giờ đồng hồ trong công tác cứu hộ, góp phần quản lý vận hành hầm an toàn, làm lợi trên 100 triệu đồng/năm cho công ty.
Không chỉ sáng tạo trong việc chế đường dẫn khí giúp kéo xe hỏng, anh Việt còn thiết kế máy bơm hơi, bình nén khí và chứa nước để vệ sinh các thiết bị trên cao trong hầm. Từ những vật dụng đơn giản như dây dẫn, van, anh Việt chế tạo một máy bơm hơi riêng có khả năng nén khí để tạo sức phun nước mạnh giúp vệ sinh các bóng đèn ở trần hầm. Từ khi có thiết bị vệ sinh này, các nhân viên vệ sinh tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong việc vệ sinh hầm.
Luôn có mặt khi cần
Theo anh Việt, đặc thù trong đường hầm là không gian nhỏ hẹp, nhiệt độ luôn cao hơn bên ngoài 50C nên áp lực công việc không hề nhỏ. Mặt khác, trong công tác CHCN, toàn đội luôn hướng đến mục tiêu nhanh chóng, an toàn nên áp lực càng tăng. Khi nhận được thông tin sự cố trong hầm, đội CHCN phải làm sao tiếp cận hiện trường nhanh chóng nhất, xử lý sự cố an toàn và hiệu quả nhất để bảo đảm lưu thông.
Do đó, mọi phương tiện, con người phục vụ công tác cứu hộ phải luôn trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu”.
Để các phương tiện luôn trong thế sẵn sàng, việc duy tu, bảo dưỡng phương tiện được thực hiện thường xuyên. Với nhiều kinh nghiệm trong công việc, anh Việt được cấp trên giao quản lý khoảng 25 đầu xe phục vụ công tác hầm gồm xe cứu hỏa, xe cứu thương, xe cứu hộ…
“Mặc dù chỉ là một công nhân bình thường nhưng anh Việt luôn làm với tinh thần trách nhiệm cao. Anh luôn hoàn thành công việc đến nơi đến chốn. Từ khi được giao thêm nhiệm vụ quản lý các phương tiện cứu hộ, anh Việt luôn làm việc với cả cái tâm, rất đáng trân trọng”, ông Lê Châu Thắng cho biết.
Về phần mình, anh Việt luôn coi công tác CHCN là niềm vui, là đam mê. Khi cứu hộ thành công một sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, anh lấy đó làm động lực để tiếp tục phấn đấu. Anh kể, nhiều hôm không đến ca làm, anh đang nghỉ ở nhà nhưng anh em ở công ty gọi điện nhờ giúp đỡ anh vẫn chạy lên dù cách nhà vài chục cây số. Nhiều người nói vui, bảo anh bấm tay tính ngày công. Anh cười, gạt phắt đi: “Hơn thua gì bấy nhiêu đó. Anh em cần tôi thì mới gọi tôi giúp. Tôi giúp anh em trong đội cũng như giúp công việc suôn sẻ thôi”.
Chia tay anh Việt, chúng tôi nhớ mãi câu nói của anh: “Tôi già rồi, chỉ mong còn khả năng làm được gì thì làm, còn sức bao nhiêu thì cố gắng bấy nhiêu. Thành công của tôi cũng nhờ có sự giúp sức của anh em đồng nghiệp, nhờ sự tin tưởng của cấp trên nên tôi sẽ cố gắng đóng góp chút công sức của mình cho công ty, cho xã hội”.
Hầm đường bộ Hải Vân được đánh giá là nút giao thông quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia. Lưu lượng xe qua hầm từ 10.500 - 11.000 xe/ngày, đêm, dịp lễ, Tết hơn 16.000 xe/ngày, đêm. Do đó, việc bảo đảm giao thông qua hầm Hải Vân được thông suốt là trách nhiệm lớn của những nhân viên CHCN. Từ khi đưa vào vận hành hầm vào tháng 6-2005 đến nay, đội CHCN đã kịp thời ứng cứu trên 10.000 lượt phương tiện, sự cố xảy ra trong hầm. |
Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG