Đối thoại với hộ nghèo để tìm giải pháp thoát nghèo là cách làm hay của thành phố và đang phát huy hiệu quả cao.
Bà Đỗ Thị Tăng, tổ 14, phường Xuân Hà được vay vốn ưu đãi 20 triệu đồng để trang bị lưới đánh bắt thủy sản. |
Năm 2018, phường Thạch Thang (quận Hải Châu) có 49 hộ trong diện xóa nghèo nhưng đến thời điểm hiện nay, phường đã cơ bản hoàn thành kế hoạch. Theo chị Hoàng Thị Linh, cán bộ giảm nghèo phường Thạch Thang, tính đến giữa tháng 6-2018, đã có khoảng 30 hộ thoát nghèo, còn lại gần 20 hộ chắc chắn vài tháng nữa sẽ ra khỏi danh sách hộ nghèo của phường. Cũng theo chị Linh, những năm gần đây, phường Thạch Thang thực hiện nghiêm túc việc đối thoại giữa lãnh đạo phường và hộ nghèo ngay từ đầu năm để bàn cách thoát nghèo. Những hộ cần phương kế mưu sinh, hoặc có đề xuất sẽ được tháo gỡ ngay tại cuộc đối thoại. Nhờ cách làm sát thực tế này, các hộ đều nhanh chóng thoát nghèo, mặc dù đôi khi sự hỗ trợ chỉ là chiếc xe nước mía, hoặc một lời giới thiệu việc làm.
Trong khi đó, ông Trương Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) tự tin cho biết: “Hội Nông dân phường được giao chỉ tiêu giúp 114 hội viên thoát nghèo, nhưng tính đến giữa năm 2018, hầu hết số hội viên này đều làm ăn ổn định”. Còn bà Đỗ Thị Tăng (ở tổ 14, phường Xuân Hà) cho hay: “Bản thân tôi cũng nhờ qua đối thoại với lãnh đạo phường nên đã được vay 20 triệu đồng trang bị lưới đánh bắt thủy sản. Mặc dù theo hợp đồng, đến cuối năm 2019 mới hoàn vốn, nhưng cuối năm 2018, tôi sẽ hoàn vốn sớm do có lưới mới nên thu nhập tốt”. Tương tự, anh Lê Tấn Thạnh ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), nông dân thuộc diện hộ nghèo cũng cho biết: “Nhờ qua đối thoại với lãnh đạo địa phương, gia đình tôi được vay hơn 15 triệu đồng đầu tư trồng rau sạch. Hội Nông dân quận còn hỗ trợ chúng tôi học trồng rau sạch nên việc sản xuất khá thuận lợi. Hiện nay, vườn rau đã cho thêm thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng nên gia đình không còn khó khăn như trước nữa”.
Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH cho biết, tính đến giữa tháng 5-2018, toàn thành phố có thêm 2.792 hộ thoát nghèo, đạt 71,04% kế hoạch cả năm 2018. Đánh giá về con số này, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH bày tỏ tin tưởng: “Mặc dù mới hơn 5 tháng, nhưng thành phố đã đạt trên 70% hộ thoát nghèo. Với những gì các địa phương đang triển khai thì gần 30% số hộ còn lại chắc chắn sẽ thoát nghèo đúng kế hoạch. Để có thành quả đó, quan trọng nhất là các địa phương đã tổ chức đối thoại với hộ nghèo ngay từ đầu năm nhằm tìm cách giải quyết sát với từng trường hợp, vì vậy hiệu quả đem lại rất cao và bền vững”.
Bên cạnh đó, thời gian qua, các giải pháp đột phá được xây dựng trong đề án giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2016-2020 bắt đầu phát huy hiệu quả như: chương trình tín dụng ưu đãi, góp vốn quay vòng huy động vốn giúp hộ nghèo làm ăn... Từ năm 2016 đến tháng 6-2018, thành phố đã huy động 1.053 tỷ đồng, trong số này, ngoài nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và ngân sách thành phố thì nguồn vốn xã hội hóa cũng đạt gần 100 tỷ đồng. Việc thành phố quyết định nâng mức hỗ trợ người nghèo lên đến 30 triệu đồng/trường hợp xây mới và 20 triệu đồng/trường hợp sửa nhà cũng đã giúp nhiều hộ có nơi ở ổn định, yên tâm làm ăn. Song song đó là các chính sách trợ cấp xã hội “vượt khung” so với quy định chung của cả nước như trường hợp trẻ em khuyết tật, mồ côi thuộc diện hộ nghèo hằng tháng được hỗ trợ thêm 300.000 đồng/người; người nghèo mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính... được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/tháng..., góp phần đáng kể vào kết quả thoát nghèo bền vững.
Bài và ảnh: THANH VÂN