Hưởng ứng Cuộc thi báo chí viết về tấm gương "Dân vận khéo"

Sợi dây gắn kết tình quân dân

.

Từ đầu tháng 7 đến nay, trên nhiều nẻo đường của huyện Hòa Vang xuất hiện màu áo xanh tình nguyện của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và thanh niên tình nguyện. Bất kể nắng nóng hay bất chợt mưa giông, những con người ấy ngày ngày xây đắp những con đường, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng để nâng chuẩn nông thôn mới. Cứ thư thế, tình quân dân mỗi ngày thêm thắm thiết.

Không khí làm việc khẩn trương, đầy ắp tiếng cười của các chiến sĩ thuộc Trường Quân sự Quân khu 5 trong quá trình giúp nhân dân thôn Hòa Khương Tây (xã Hòa Nhơn) làm đường bê-tông nông thôn.
Không khí làm việc khẩn trương, đầy ắp tiếng cười của các chiến sĩ thuộc Trường Quân sự Quân khu 5 trong quá trình giúp nhân dân thôn Hòa Khương Tây (xã Hòa Nhơn) làm đường bê-tông nông thôn.

Giúp dân xây dựng nông thôn mới

Trước đây, con đường dẫn vào thôn Hòa Khương Tây (xã Hòa Nhơn) quanh co, gập ghềnh sỏi đá. Mùa nắng bụi bặm, mùa mưa lầy lội, trơn trượt. Khổ nhất là vào mùa bão lũ, con đường đã nhỏ lại sình lầy. Nhiều năm nước lũ hung hãn, xóm nhỏ chừng bốn chục nóc nhà gần như cô lập. Những ngày ấy, người lớn không dám đi chợ, học sinh không thể đến trường vì nguy hiểm.

Ai nấy đều mơ ước về một con đường bằng phẳng, kiên cố. Bà Phạm Thị Ba (người dân thôn Hòa Khương Tây) kể: “Gần hai tuần nay, bộ đội tập trung về đông lắm. Ban ngày, họ trộn vữa xây đường; đêm ngủ lại trong trường mầm non, trong nhà dân. Hỏi ra mới biết là bộ đội, chiến sĩ dưới phố đi dân vận hè, giúp dân làm đường bê-tông nông thôn”.  

Dưới cơn mưa giông, hơn 130 chiến sĩ thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trường Quân sự Quân khu 5 miệt mài công việc. Hai chiếc máy trộn bê-tông làm việc hết công suất. Các chiến sĩ nhanh nhẹn xúc từng xẻng cát, sỏi cho vào lồng trộn.

Vữa được trút xuống mặt đường. Hai anh lính, người cầm thước, người cầm bay đẩy đều lớp vữa ra khắp mặt đường, láng phẳng. Cứ thế, không khí làm việc khẩn trương, nhộn nhịp trên công trường. Theo ông Huỳnh Văn Tường, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng thôn Hòa Khương Tây, con đường dân sinh dẫn vào thôn trước đây chỉ là đường đất sỏi, rộng 2m.

Từ khi có chủ trương mở rộng, nâng cấp thành đường bê-tông, nhân dân trong thôn tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí để làm đường. Nhờ có bộ đội, lực lượng vũ trang về giúp sức, con đường đất sỏi ngày nào dần thay áo mới bằng lớp bê-tông kiên cố, bằng phẳng.

“Đây là con đường nằm trong kế hoạch xây dựng thôn kiểu mẫu nông thôn mới do Nhà nước và nhân dân cùng làm. So với trước đây, con đường bây giờ được mở rộng ra 3,5m, bảo đảm đi lại thuận tiện, an toàn, nhất là trong mùa mưa bão đang đến gần. Nếu không có các đơn vị bộ đội, lực lượng vũ trang về giúp sức, con đường này khó mà hoàn thiện”, ông Tường nói.

Đại úy Lê Văn Ba, Chính trị viên Đại đội 10, Trường Quân sự Quân khu 5 cho biết, trong đợt dân vận hè năm 2018, Trường Quân sự Quân khu 5 có 136 cán bộ, chiến sĩ tập trung về thôn Hòa Khương Tây giúp dân làm đường bê-tông nông thôn.

Trong khoảng 5 ngày, đơn vị hoàn thành 550m đường bê-tông. “Tuy điều kiện thời tiết bất lợi, nhưng hầu hết chiến sĩ đều cố gắng hết mình, hoàn thành công việc, sớm thông tuyến, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân”, Đại úy Lê Văn Ba chia sẻ.

Ngoài lực lượng của Trường Quân sự Quân khu 5, con đường dân sinh này còn có sự chung tay của cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động đóng tại Đà Nẵng.

Trong vòng 1 tuần, gần 65 cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn không kể nắng mưa miệt mài trộn vữa làm đường. Nhìn đoạn đường bê-tông dài gần 1km rộng rãi, vững chắc thay thế cho đoạn đường lồi lõm sỏi đá, lòng dân ai nấy đều phấn khởi.

Tình quân dân như “cá với nước”

Tại xã Hòa Bắc, đầu tháng 7, 30 cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân quân tự vệ của Ban Chỉ huy Quân sự quận Thanh Khê tập trung về giúp dân làm đường. Theo Trung tá Phạm Thanh Trung, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự quận Thanh Khê, thời điểm đơn vị về làm dân vận, thời tiết nắng nóng kèm mưa giông khiến các chiến sĩ gặp không ít khó khăn.

Thôn An Định (xã Hòa Bắc) nơi đơn vị làm đường cách xa trung tâm xã, dân số ít nên điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. “Trong điều kiện đó, cán bộ, chiến sĩ được nhân dân thôn An Định yêu thương, đùm bọc. Hằng ngày, người dân đem thức ăn tiếp tế cho anh em chiến sĩ, chia sẻ chỗ ngủ hằng đêm cho mọi người. Tình quân dân nhờ đó thêm gắn kết”, Trung tá Phạm Thanh Trung nói.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà, lực lượng tham gia hoạt động dân vận hè không chỉ có làm đường bê-tông mà còn giúp dân nạo vét kênh mương, hỗ trợ sửa chữa nhà, xây dựng công trình vệ sinh cho người nghèo, hỗ trợ dạy nghề cho thanh-thiếu niên.

“Trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống giao thông nông thôn là một trong 19 tiêu chí quan trọng nhất. Tuy nhiên, đời sống của người dân Hòa Bắc đa phần khó khăn; do đó, địa phương tranh thủ sự giúp đỡ của các lực lượng vũ trang về với nhân dân”, bà Lê Thị Thu Hà nói.

Theo kế hoạch của Ban Dân vận Huyện ủy Hòa Vang, có khoảng 21 đơn vị bộ đội, lực lượng vũ trang và 18 đơn vị Đoàn Thanh niên trên địa bàn thành phố đăng ký hoạt động dân vận hè năm 2018 trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Các đơn vị giúp đỡ xây dựng gần 7km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng; chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho các hộ dân có nhu cầu. Bên cạnh đó, các đơn vị còn hỗ trợ xây dựng nhà mới, công trình vệ sinh cho các hộ khó khăn.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hòa Vang Nguyễn Thanh Hùng khẳng định, qua hoạt động dân vận, tình quân dân được gắn kết ngày càng chặt chẽ, góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa lực lượng vũ trang, Đoàn Thanh niên với cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương; từ đó góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở để xây dựng quê hương Hòa Vang ngày càng khởi sắc.  

Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.