Nắng nóng kéo dài: Nguy cơ căng thẳng nguồn nước

.

Nắng nóng kéo dài trong những ngày qua khiến bệnh nhân cao tuổi và trẻ em điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố gia tăng. Trong khi đó, sông Cầu Đỏ vẫn đang bị nhiễm mặn, kéo theo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và vụ hè thu có thể trở nên căng thẳng.

Người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG
Người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Sông Cầu Đỏ vẫn chưa được đẩy mặn hoàn toàn

Nắng nóng kéo dài gây áp lực lên việc cung cấp nước cho hoạt động sản xuất, tưới tiêu và sinh hoạt. Những ngày qua, trữ lượng nước từ thượng nguồn đổ về không đủ sức đẩy mặn hoàn toàn cho sông Cầu Đỏ. Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) vẫn đang bơm nước ngọt từ trạm bơm phòng mặn An Trạch về để cấp nước cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

“Những ngày qua có mưa to vào chiều tối nên độ mặn sông Cầu Đỏ giảm nhưng vẫn ở mức từ 200-300mg/l. Chúng tôi đã liên hệ với các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn liên tục xả nước về để đẩy mặn; đồng thời, tiếp tục bơm nước ngọt về từ An Trạch để bảo đảm cấp nước an toàn cho thành phố”, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho hay.

Do nắng nóng dài ngày, từ giữa tháng 6-2018, nhiều cánh đồng lúa của huyện Hòa Vang có nguy cơ thiếu nước, nhất là 3ha lúa ở cánh đồng Trước Cát thuộc xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang). Tuy nhiên, nhờ có 3 ngày mưa to từ 24 đến 26-6 đã tưới mát cho các cánh đồng nói trên.

Trong những ngày nắng nóng này, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng đã tăng cường bơm nước vào các cánh đồng lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh nhằm giữ mực nước chân ruộng ổn định, bù đắp phần nước bay hơi do nắng nóng.

“Mưa to kết hợp với thủy điện xả nước về làm mực nước ở đập dâng An Trạch ở mức 2,2-2,3m nên các trạm bơm vận hành tương đối thuận lợi. Lượng nước còn lại ở trong hồ Đồng Nghệ và Hòa Trung còn đủ tưới đến cuối vụ hè thu. Đến thời điểm này, chúng tôi đang bảo đảm đủ nước tưới, chưa có diện tích lúa nào bị thiếu nước”, ông Lê Văn Sâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng thông tin.

Đáng lo ngại nhất hiện nay là trữ lượng nước ở trong các hồ thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia đang hạ thấp, đặc biệt, mực nước trong hồ thủy điện Sông Bung 4 chỉ còn cách mực nước chết 3,8m, trong khi còn gần 2 tháng nữa mới hết mùa cạn.

Trong trường hợp lưu lượng nước từ thượng nguồn về sông Yên ở thượng lưu đập dâng An Trạch không bảo đảm, việc vận hành trạm bơm An Trạch để cấp nước sinh hoạt cho thành phố và các trạm bơm tưới cho diện tích lúa vụ hè thu sẽ gặp khó khăn và có nguy cơ gia tăng độ mặn cho sông Cầu Đỏ.

Ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho hay: “Chúng tôi đã vận hành tăng cường xả nước phát điện về hạ du để đẩy mặn. Tuy nhiên, các đơn vị lấy nước ở hạ du cũng cần phối hợp tốt để lấy nước xả về sao cho hợp lý”. Công ty Thủy điện Sông Bung 4 sẵn sàng xả nước về hạ du khi thành phố có văn bản yêu cầu.

Nhiều người già, trẻ em nhập viện

Ngày 3-7, tại khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện C Đà Nẵng có khoảng 80 bệnh nhân (trong tổng số 90 giường kế hoạch) đang được điều trị. Theo bác sĩ Ngô Tuấn Linh, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, số lượng bệnh nhân lớn tuổi nhập viện do nắng nóng có dấu hiệu gia tăng, chủ yếu do mệt mỏi và các bệnh liên quan đến tiêu hóa.

 “Sức đề kháng của người già yếu nên chỉ cần một chút sơ suất trong sinh hoạt ăn uống hoặc thay đổi thời tiết có thể gây rối loạn tiêu hóa, nếu không được phát hiện, cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong”, bác sĩ Linh cho biết.

Tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, số lượng trẻ em khám, nhập viện liên tục tăng những ngày qua. Bác sĩ Lê Văn Dũng, Trưởng khoa Khám đa khoa-cấp cứu cho hay, thời tiết nắng nóng trong những ngày qua rất nguy hiểm cho trẻ em.

Mặt khác, trẻ em thường bị thiếu nước, tiêu tốn nhiều năng lượng do bài tiết mồ hôi, điều hòa thân nhiệt nên dễ bị cảm cúm, sốt và mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa. Bác sĩ Lê Văn Dũng lưu ý các bậc phụ huynh cần thận trọng khi đưa con em ra ngoài trời trong những ngày này.

Đặc biệt, không được thay đổi nhiệt độ môi trường xung quanh đột ngột, hạn chế cho các cháu bé tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nếu đưa trẻ đi bơi, tắm biển nên chọn thời điểm phù hợp, mát trời để trẻ không bị say nắng.

Để hạn chế các bệnh về đường ruột trong thời điểm thời tiết nắng nóng, bác sĩ Ngô Tuấn Linh và Lê Văn Dũng cùng khuyến cáo người dân nên thận trọng trong khâu ăn uống. Cần thực hiện nghiêm túc chế độ ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm bảo đảm vệ sinh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Riêng với trẻ nhỏ, phải có chế độ ăn uống hợp lý, chú trọng các chất dinh dưỡng, ăn nhiều lần và đảm bảo vệ sinh, uống nhiều nước hơn bình thường để bảo đảm đủ sức đề kháng. Khi có biểu hiện các bệnh về tiêu hóa, hô hấp, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không được tùy tiện điều trị theo những đơn thuốc có sẵn trước đó.

Các nhân viên y tế cũng khuyến cáo người nhà nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ điều lượng và đủ các loại vắc-xin cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

Nắng nóng gay gắt còn kéo dài từ 2-3 ngày tới

Chiều 3-7, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cho hay, đợt nắng nóng gay gắt này còn kéo dài trong 2-3 ngày tới với nhiệt độ cao nhất có thể lên đến 39-400C.

Dự báo trong ngày 4-7, do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp phía tây tiếp tục phát triển và mở rộng, gió tây nam gây hiệu ứng phơn nên từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục xảy ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 36-380C, có nơi 390C, độ ẩm thấp nhất 40-50%, thời gian có nhiệt độ trên 350C xảy ra trong khoảng từ 10 giờ-17 giờ.

Riêng tại thành phố Đà Nẵng, ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 36-380C, độ ẩm thấp nhất 43-50%. Trong những ngày nắng nóng, chiều và chiều tối có khả năng xuất hiện mưa rào vài nơi và dông rải rác, trong cơn dông cần đề phòng có sét, lốc xoáy và gió giật mạnh. 

Bảo đảm cấp điện trong các đợt cao điểm nắng nóng tại miền Trung

Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPV) cho biết, với tình hình thời tiết diễn biến như hiện nay, dự kiến nhu cầu sử dụng điện trong những ngày đầu tháng 7 sẽ tiếp tục tăng cao.

Để chủ động bảo đảm nguồn và lưới điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, tưới tiêu của nhân dân trong khu vực vào mùa nắng nóng, EVNCPC quán triệt đến các đơn vị quản lý vận hành tăng cường công tác kiểm tra lưới điện và bố trí lực lượng trực vận hành để bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định cho khách hàng sử dụng điện trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Ngoài ra, EVNCPC khuyến cáo khách hàng và người dân sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Trong những ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7, phụ tải ngày cao nhất của EVNCPC đạt 2.790MW, tăng 6,3% so với cùng kỳ; sản lượng điện ngày cao điểm nhất của EVNCPC đạt 59 tr.kWh, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước (55 tr.kWh). 

Cấm sử dụng lửa để xử lý thực bì

Chiều 3-7, ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, do nắng nóng gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng đang ở cấp báo động 4.

Đây là cấp báo động nguy hiểm, có khả năng xảy ra cháy rừng trên diện rộng. Chi cục Kiểm lâm thành phố đã thông báo và đề nghị UBND các quyện, huyện, phường, xã… theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Đồng thời thực hiện việc cấm sử dụng lửa để xử lý thực bì. Các hạt kiểm lâm chuẩn bị nhân lực, phương tiện, dụng cụ PCCCR; tiến hành giám sát, kiểm tra các chủ rừng trong việc chấp hành các quy định về PCCCR và phối hợp với ban quản lý các khu du lịch sinh thái giám sát, nhắc nhở du khách lưu ý việc an toàn trong sử dụng lửa khi tham quan, du lịch tại rừng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCCR…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố chưa xảy ra cháy rừng, chỉ xảy ra 1 vụ phát lửa gây cháy thực bì sau khai thác rừng trồng với diện tích 0,2ha, không gây thiệt hại về tài nguyên rừng.

HOÀNG HIỆP

Phan Chung – Hoàng Hiệp – Khánh Hòa

;
.
.
.
.
.
.