Người dân dài cổ chờ dự án triển khai

.

Gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân ở tổ 89, phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) phải sống trong cảnh “đi chẳng được, ở chẳng xong” vì nhà cửa, ruộng vườn đều “dính” quy hoạch “treo”.

Ông Lâm Quang Thu (bìa phải) cho biết, mỗi khi mùa mưa đến là nhà ông ngập cả mét nước, cuộc sống sinh hoạt khó khăn.
Ông Lâm Quang Thu (bìa phải) cho biết, mỗi khi mùa mưa đến là nhà ông ngập cả mét nước, cuộc sống sinh hoạt khó khăn.

Quy hoạch kéo dài gần 10 năm

Khu đất thuộc tổ 89 (còn được gọi là xóm Gốc - nằm sát bên sông Cẩm Lệ) trải dài từ cầu Cẩm Lệ xuống đến tận cầu Nguyễn Tri Phương. Đầu năm 2009, khu vực này được thành phố công bố quy hoạch dự án Khu dự trữ đất ven sông phía Bắc khu E - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ.

Nhưng gần 10 năm qua, việc di dời, giải tỏa các hộ dân ở khu vực này vẫn “án binh bất động”, khiến cuộc sống của hơn 80 hộ dân nơi đây bị đảo lộn.

Gia đình ông Lâm Quang Thu (tổ 89) có tổng diện tích 270m2 đất ở đều nằm trong vùng quy hoạch của dự án nên không thể tách thửa, làm nhà cho con. Cả gia đình ông Thu có 11 nhân khẩu hiện vẫn phải chung sống trong căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng sau nhiều năm hứng chịu lũ lụt, mưa gió.

Ông Thu bức xúc cho biết, chỉ vì nằm trong quy hoạch “treo” mà người dân nơi đây phải chấp nhận sống một cuộc sống thua cả những vùng nông thôn mới. Mùa nắng thì bụi mịt mù do xe chở đất đá chạy tấp nập san lấp công trình.

Còn vào mùa mưa, cả khu vực, nhà nào nhà ấy ngập hơn mét nước. Theo ông Thu, nhà cửa của người dân nơi đây sau mỗi mùa mưa hư hỏng nặng, nhưng chẳng ai dám sửa chữa vì phường không cấp giấy phép.

“Nhà của tôi được kiểm định, áp giá đền bù vật kiến trúc và cây cối hơn 2 tỷ đồng; được bốc 1 lô đất đường 15m ở phường Hòa Xuân từ 6 năm trước. Thế nhưng đến nay, gia đình vẫn chưa nhận được tiền đền bù và bố trí đất tái định cư.

Bây giờ gia đình tôi chỉ mong sao thành phố sớm giải tỏa, bố trí đất tái định cư để người dân xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống”, ông Thu lo lắng nói. 

Không chỉ cuộc sống gia đình ông Thu khó khăn, “dài cổ” chờ dự án triển khai mà hơn 80 hộ dân ở khu vực này đều rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”. Ông Nguyễn Văn Tường, cán bộ văn phòng phụ trách các dự án của UBND phường Hòa Xuân cho biết, hầu hết người dân ở tổ 89, phường Hòa Xuân đều rơi vào cảnh nhà cửa xuống cấp.

Nơi đây đã trở thành vùng trũng nhất của phường Hòa Xuân. Theo anh Tường, nỗi lo lớn nhất của người dân là mỗi khi mùa mưa bão đến, nhà cửa xuống cấp nhưng không được nâng cấp, sửa chữa. Cùng với đó, hệ thống đường giao thông cũng xuống cấp nhưng không được sửa chữa, rác thải không được thu dọn, cỏ dại mọc, nước ứ không có lối thoát khiến bà con ở khu dân cư sống trong cảnh ô nhiễm nghiêm trọng. Từ ngày kênh mương tưới tiêu bị san lấp, toàn bộ đất ruộng của người dân nơi đây bị bỏ hoang cho cỏ mọc um tùm.

Khi nào sẽ giải tỏa?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Tường thừa nhận chính quyền địa phương không thể nắm rõ thời gian cụ thể khi nào sẽ giải tỏa khu vực này. Theo ông Tường, khu vực tổ 89, phường  Hòa Xuân  được quy hoạch từ năm 2009 để làm dự án Khu dự trữ đất ven sông phía Bắc khu E – Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ.

Đến năm 2010, toàn bộ 81 hộ dân có nhà ở tại khu vực này đã được đoàn kiểm tra của thành phố đến đo đạc, áp giá đền bù, bố trí đất tái định cư (TĐC) theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, việc người dân chưa nhận được tiền đền bù, bố trí TĐC là do nguyên nhân một số hộ dân chưa thống nhất về mức giá cũng như quy định bố trí đất TĐC.

Cuối tháng 6-2018, UBND phường Hòa Xuân đã tổ chức cuộc họp với 81 hộ dân của tổ 89 lấy ý kiến về chủ trương di dời, giải tỏa để thực hiện dự án Khu dự trữ đất ven sông phía Bắc khu E - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ.

Qua cuộc họp cho thấy, trong tổng số 81 hộ dân (7 hộ không tham gia họp) có 18/74 hộ dân thống nhất với chủ trương giải tỏa, bố trí TĐC để thực hiện dự án; 56 hộ dân đồng tình với chủ trương giải tỏa khu vực này nhưng đề nghị được TĐC tại chỗ.

“Không chỉ người dân mong ngóng sớm di dời, giải tỏa khu vực này, mà chính quyền địa phương cũng nóng ruột vì dự án quy hoạch kéo dài sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, phức tạp”, ông Tường nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hồ Văn Khoa, Phó Chủ tịch HĐND quận Cẩm Lệ cho biết, dự án Khu dự trữ đất ven sông phía Bắc khu E - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ được quy hoạch với tổng diện tích 307.879m2. Dự án này đã được kiểm định từ năm 2010 với 362 hồ sơ, gồm 228 hồ sơ đất nhà ở, 96 hồ sơ đất nông nghiệp, 38 hồ sơ đất khác.

Theo ông Khoa, việc triển khai giải tỏa, đền bù và bố trí TĐC đối với dự án này còn gặp nhiều vướng mắc. Trong đó, các hộ giải tỏa kiến nghị được đền bù theo giá mới và bố trí TĐC theo mặt bằng giá cũ.

Cũng vì chậm giải tỏa nên kinh phí đền bù phát sinh hiện nay đã tăng cao gấp 3 lần so với dự trù trước đây. Nếu theo tính toán ban đầu thì mức kinh phí đền bù toàn dự án gần 60 tỷ đồng, nay con số này đã tăng lên gần 170 tỷ đồng. Trong đó, riêng kinh phí đền bù giải tỏa đối với 81 hộ dân từ mức gần 37 tỷ đồng, nay đội lên gần 107 tỷ đồng.

Theo ông Khoa, mức kinh phí đền bù của toàn dự án tăng lên quá cao so với ban đầu nên quận Cẩm Lệ đã gửi kiến nghị đến HĐND, UBND thành phố xem xét quyết định. Bên cạnh đó, quận tiếp tục vận động, tuyên truyền, lấy ý kiến của người dân về chủ trương của thành phố trong công tác di dời, giải tỏa khu vực này để sớm thực hiện dự án Khu dự trữ đất ven sông phía Bắc khu E - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ. Từ đó, cuộc sống người dân vùng dự án sẽ tốt hơn so với hiện nay.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.
.