Nhớ mãi và xin biết ơn

.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, mùa xuân 1967, sau khi làm rẫy về, cơm chiều xong, thủ trưởng gọi tôi lên chỗ làm việc của ông để giao và hướng dẫn tôi viết một loạt bài báo ngắn có chung một đề mục “những khó khăn của đế quốc Mỹ”.

Các đại biểu tham dự cuộc họp Ban Tuyên huấn Khu ủy 5 tại Trà My ngày 26-9-1973 (Ảnh tư liệu do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cung cấp).
Các đại biểu tham dự cuộc họp Ban Tuyên huấn Khu ủy 5 tại Trà My ngày 26-9-1973 (Ảnh tư liệu do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cung cấp).

Lúc này, cơ quan tôi - báo Cờ giải phóng (Ban Tuyên huấn Khu ủy 5) đóng ở vùng núi cao Trà My.
Mỹ đã đổ gần nửa triệu quân vào Đà Nẵng và miền Nam Việt Nam, tiến hành chiến tranh cục bộ. Cuộc sống và công tác, cuộc chiến đấu của chúng tôi vô cùng gian khổ, ác liệt. Hơn một nửa thời gian và công sức của chúng tôi là dành cho bảo đảm hậu cần, bao gồm 3 việc chính: sản xuất tự túc, đào hầm và làm nhà, gùi cõng gạo và thực phẩm.

Sản xuất tự túc là quan trọng hơn cả. Bởi “dĩ thực vi tiên” (hay vi thiên) là một chân lý. Không có gì ăn thì đừng nói đến làm việc, đến chiến đấu.

Chúng tôi canh tác như những đồng bào dân tộc ở địa phương với phương thức phát, đốt, chọc, tỉa. Hình như phương thức sản xuất này đã có mấy nghìn năm, khi con người vừa thoát khỏi trình độ hái lượm, bắt đầu có công cụ bằng sắt - con dao. Trước hết là phát, chặt cây (có cả những cây đại thụ), chờ cho cây khô thì đốt cháy để có mặt đất sạch, thoáng và đầy tro than, một loại phân bón rất tốt, rồi lấy một khúc cây rừng thẳng, cầm vừa gọn trong tay, một đầu vạt nhọn đi dọc ngang đám rẫy, chọc các lỗ nơi mặt đất với một khoảng cách đều nhau và liền ngay lúc đó bỏ vào (tỉa) mỗi lỗ 1 - 2 hạt lúa, bắp.
Chừng vài ba tháng là thu hoạch. Cũng có lúc phải làm cỏ nhưng việc phải lo là giữ rẫy không cho heo rừng, khỉ phá, nếu lơ là có khi chúng phá sạch.

Khi thu hoạch, chúng tôi dùng tay tuốt từng bông lúa, tuốt như vậy rát da tay lắm, có người phải quấn giẻ vào các ngón tay, có người dùng lược chải đầu tuốt lúa.

Nghĩa là chúng ta sản xuất ở trình độ nguyên thủy, trước xa nền công nghiệp 1.0.

Giữa lúc đó, kẻ thù của chúng tôi lại có cả một nền tảng kinh tế kỹ thuật giàu có và hiện đại bậc nhất để bảo đảm hậu cần cho cuộc chiến.

Chúng tôi luôn thấy trên trời cao những chiếc cần cẩu bay mang dưới bụng một cỗ xe tăng, một khẩu đại bác, có khi tòng teng một tháp canh bằng thép.

Chúng tôi được biết nhiều hãng công nghệ thực phẩm lớn và nổi tiếng của Mỹ và nhiều nước sản xuất, cung ứng hàng trăm loại đồ hộp cho quân Mỹ bảo đảm đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh, khẩu vị ngon và tiện lợi khi dùng.

Chỉ cần đi theo chừng 1 ngày hành quân của một đơn vị nhỏ của Mỹ, hay đến nơi chúng vừa rút chạy sau một thời gian ngắn chốt giữ, là có thể thấy lính Mỹ xài thức ăn đồ uống và những nhu yếu phẩm cá nhân như thế nào.

Có cả trăm loại đồ hộp. Thịt thì có thịt bò, thịt heo, thịt gà chế biến đủ kiểu, thứ mà anh em ta thích là lon có ba lát chả heo, hay thịt gà cari của Singapore. Cá thì có cá của Đại Hàn và cả cá trích Marốc. Có loại thịt heo như là xông khói thái sẵn từng lát mỏng dính liền nhau như nguyên cả tảng đựng trong bao ni-lông. Chúng tôi dùng loại thịt này cuốn với bánh tráng rau sống rất tuyệt.

Có đến mấy thứ đồ hộp là bắp, bắp nấu nhừ nở tung và rất mềm; bắp rang cũng nở xòe và thơm lừng; có cả bánh như bánh xèo bằng bột bắp, một hộp 10 cái.

Đồ uống cũng đủ loại, bia lon của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, có nhiều Coca Cola,  Pepsi Cola và nhiều loại nước trái cây. Có cả loại đồ uống đựng trong bao giấy phải hòa nước mới dùng được như cà-phê hòa tan, bột cam, cacao, sữa… Chúng có cả những viên xăng bột để đun nước, mỗi viên nhỏ bằng nửa hộp quẹt, cháy ngọn lửa xanh đủ sôi một lon sữa bò nước.

Có một thứ cũng thấy chúng bỏ lại rất nhiều là các loại kem cạo râu. Mỗi bình chúng chỉ xịt một lần.
Chúng không chỉ vứt lại những lon thịt cá, lon bia ăn uống dở mà nhiều lúc bỏ lại những lon nguyên vẹn chưa khui có thể vì phải hành quân gấp, trực thăng đã đổ xuống hốt đi, chúng không có thì giờ, mà lính Mỹ quen xài theo kiểu con nhà giàu, có tiếc chi mấy thứ lặt vặt đó.

Có những chuyện còn đặc biệt hơn. Những đơn vị Mỹ đóng ở những địa điểm không có nước hay có nhưng không đạt tiêu chuẩn được trực thăng chở nước đến.

Bà con ở gần căn cứ Bằng Thùng (Nông Sơn) kể rằng, những ngày nắng hè đỏ lửa, trực thăng bay đến đứng sựng trên cao phun nước như mưa rào xuống cho đám lính Mỹ trần như nhộng đỏ cháy vừa tắm vừa la hét.

Chính vì như thế, nhiều đồng chí ta, anh em du kích và cả dân trụ bám có một công việc khá thông thạo, chuyên nghiệp là lượm lon. Ở ngay đường lên căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà thuộc dãy Hòn Tàu có một quả đồi được đặt tên là đồi Lon.

Phong phú và đa dạng như vậy, được trang bị đến tận răng, nhưng nhiều lúc lính Mỹ cũng gặp nhiều cảnh ngặt nghèo. Năm 1967, quân dân Quảng Đà - chủ công là tiểu đoàn 1 (R20) vây gọn một tiểu đoàn Mỹ trong trận Xuyên Thanh - Gò Nổi. Vòng vây siết chặt, không thể tiếp tế bằng trực thăng, đói quá, có lính Mỹ thấy một nồi cám heo của bà con Thạnh Mỹ đang sôi đã xin ăn và khen là thơm ngon.

Sau gần 40 năm, có những chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam thăm chiến trường xưa đã về Thạnh Mỹ kể lại câu chuyện được ăn món súp đặc biệt đó.

Còn ở Hòa Hải, các em ở đội thiếu nhi đã lanh chân lẹ mắt đến trước nơi Mỹ thả hàng tiếp tế lấy đi phần lớn, bọn Mỹ phải xin lại các em để có thứ ăn.

Chúng xài kiểu đó, chẳng những súng ống, đạn dược, bom mìn là con số khủng, mà các hàng quân dụng khác cũng là một khối lượng lớn, đúng là “voi uống nước nước sông phải cạn”.

Để phục vụ cho một nửa triệu quân, chúng phải có một bộ máy hậu cần đồ sộ đủ mạnh để vận chuyển (tất cả đều phải chở từ Mỹ tới Việt Nam rồi chở tiếp tới từng chốt điểm cả cố định và di động) cùng với một hệ thống kho tàng bảo quản và phân phối khoa học. Và chúng ta đã tìm ra những cách đánh lợi hại nhằm tiêu diệt các phương tiện chiến tranh của địch.

Như trận của cơ sở nội tuyến phá kho bom Phước Lý (tháng 4-1969). Báo chí Sài Gòn đưa tin “một cột khói màu da cam cao ngất một góc thành phố”, “Đà Nẵng rung chuyển như một vụ nổ bom nguyên tử” hay cũng cơ sở nội tuyến đánh chìm chiếc tàu lớn chở vũ khí ở trên sông Hàn mà nhiều năm sau ngày 29-3-1975, chúng ta vẫn còn thấy mũi tàu nhô lên khỏi mặt nước ở gần cầu Trần Thị Lý. Cũng đã có nhiều đoàn xe chở vũ khí bom đạn tiếp tế cho vùng giới tuyến của vùng 1 chiến thuật bị quân ta tiêu diệt trên đèo Hải Vân. Chỉ cần bắn rơi 1 chiếc sâu đo (trực thăng vận tải cỡ lớn) là phá vỡ kế hoạch tiếp tế, làm rối loạn không ít đơn vị.

***

Nửa triệu quân Mỹ đổ vào Đà Nẵng và miền Nam Việt Nam. Cùng với số quân này là một cỗ máy hậu cần khổng lồ giàu có và hiện đại bậc nhất. Vậy mà ở xứ sở xa lạ và đầy bí ẩn, hình như khối vật chất khổng lồ ấy chẳng ăn nhập gì với những con người ấy. Có khi lại còn gây ra không ít phiền toái, trục trặc.

Và chúng ta đã thấy, đã nắm được những điểm yếu chết người đó mà tiến công bằng cách đánh riêng có của mình. Thế là dù được trang bị đến tận răng, chúng vẫn ngày càng chìm sâu vào cơn ác mộng.
Còn chúng ta, chúng ta chỉ có những gì thô sơ, xưa cũ, quê mùa, cái hăng-gô, cái ruột nghé, cái bi-đông và túi lương khô bột bắp hay bột đậu với một chút đường đen. Nhưng ở trên đất nước này, với những người thân yêu quanh ta trong những tình huống ngặt nghèo nhất nó trở thành nội lực bất tử của các anh chị giải phóng.

Nhớ mãi và xin cảm ơn những ngày ở Ban Tuyên huấn Khu 5 trên dải Trường Sơn, nhớ mãi những bài báo đầu tiên, nói cho đúng - những bài học làm báo đầu tiên của thời chống Mỹ.

Nguyễn Đình An

;
.
.
.
.
.
.