Dẫu phải bươn chải bằng nghề làm thuê, nhưng gần 2 năm nay, chị Nguyễn Thị Thông, trú thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) thầm lặng nhặt rác phế liệu để gây quỹ, giúp đỡ những hoàn cảnh ngặt nghèo. Việc làm tử tế, thơm thảo của chị không phải ai cũng làm được.
Ngoài những lúc đi làm, chị Thông tranh thủ buổi trưa, buổi tối đi nhặt vỏ chai, lon. Nhiều ngày giữa trưa, trời nắng chang chang, chị lại tìm đến các điểm tập kết rác, cần mẩn mở từng bọc rác, nhặt từng vỏ chai, vỏ lon. Có khi, vừa đi làm đồng về, có người gọi cho cái chai, cái lon là chị tức tốc đi lấy. Buổi tối, thanh niên trong xóm liên hoan, gọi chị đến nhặt vỏ lon, chị đi liền. Chị bảo, bất cứ lúc nào có người gọi cho là đi ngay, không chần chừ.
Những buổi đi làm về, dọc đường, thấy cái lon, cái chai nào vứt chị đều dừng xe cúi nhặt, cho vào túi ni-lông, treo lủng lẳng một bên xe. Từ một vỏ lon, một vỏ chai, chị gom góp dần, khi nhiều thì đem bán. Số tiền bán được, chị ghi ra một cuốn sổ riêng, kẹp số tiền ấy vào. Đó là khoản quỹ chị để dành thăm người đau ốm, bệnh tật. Tuyệt nhiên, chị không đụng đến số tiền ấy để chi tiêu trong gia đình, dù chỉ là một đồng.
Kể về lý do nhặt rác phế liệu, chị Thông chia sẻ: “Nhiều lần trên đường đi làm về, tôi thấy dọc đường người ta vứt vỏ chai, vỏ lon nhiều quá. Phần vì thấy làm xấu con đường, phần vì thấy lãng phí, những lúc ấy, tôi nghĩ thầm trong bụng, cứ nhặt về rồi bán lấy tiền, biếu những cụ già, người đau ốm trong thôn ăn cái bánh, uống hộp sữa cũng tốt”. Nghĩ là làm, cứ thế, chị Thông tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc khi mình làm việc thiện. Và rồi, chẳng biết từ khi nào, biệt danh “chị Thông nhặt rác” hay “chị Thông móc bọc” lại trở thành những cái tên trìu mến được người dân thôn Nam Yên quen dùng gọi chị.
Từ tiền bán vỏ lon, hễ ai trong thôn đau ốm, bệnh tật, chị Thông nhanh chóng đến thăm, tặng 100.000 - 200.000 đồng. Đó là cái tình, cái nghĩa ở xã miền núi còn khó khăn như Hòa Bắc. Trong năm 2017, với nguồn quỹ tích cóp được từ nhặt ve chai, chị Thông thăm hỏi nhiều trường hợp người già, đau ốm trong thôn với tổng số tiền hơn 1 triệu đồng. Trong dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 năm 2017, chị Thông tặng 3 con heo đất và 30kg gạo cho 6 người già hay đau ốm trong thôn. “Từ đầu năm 2018 đến nay, tôi đi làm thuê suốt, ít có thời gian đi nhặt rác nên kinh phí cũng hạn hẹp. Thế nhưng, hễ nghe ai đau ốm là tôi đều đến thăm, nhiều lúc bỏ tiền túi ra thăm”, chị Thông nói.
Có lần, nghe tin ông Nguyễn Lân (trú tổ 2, thôn Nam Yên) bị tai nạn lao động, chị Thông đến thăm, thấy gia đình nghèo quá, chị “làm liều” đi vận động giúp ông Lân điều trị. Thế là, chị lại lọc cọc đạp xe đến từng nhà trong thôn, trình bày hoàn cảnh và xin giúp đỡ. Có nhà giúp 50.000 đồng, có nhà 30.000 đồng, chị ghi chép cẩn thận. Chị tổng hợp được hơn 1,4 triệu đồng, tức tốc đạp xe mang xuống tận bệnh viện trao cho người nhà ông Lân. Chị bảo, số tiền ấy tuy không lớn nhưng là tấm lòng, tình cảm của bà con lối xóm giúp nhau lúc ngặt nghèo. Lần khác, nghe tin một người già trong thôn ốm nặng, chị Thông đến thăm, thấy gia đình nghèo quá, chị liền quay về nhà chở lúa đi xay gạo mang đến cho. “Vừa rồi ở xã và huyện có gửi giấy mời bảo tôi đi nhận khen thưởng. Tôi sững sờ vì không nghĩ xã và huyện biết những việc tôi làm. Vì tôi cứ làm theo lương tâm mách bảo, chứ chẳng phải làm để được danh tiếng”, chị Thông tâm sự.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc Hồ Văn Phúc, chị Nguyễn Thị Thông là một tấm gương tiêu biểu của xã miền núi Hòa Bắc trong học tập và làm theo Bác bằng việc làm rất giản dị nhưng thiết thực, được mọi người khâm phục và tôn trọng. Càng đáng quý hơn khi nhìn căn nhà của chị Thông cũ kỹ, nhỏ xíu nằm tựa lưng vào núi. Trong nhà, không có nhiều vật dụng giá trị. Bản thân chị Thông hằng ngày phải đi làm thuê cho người khác để nhận tiền công chi tiêu trong gia đình. Ấy vậy mà người phụ nữ miền núi lam lũ, nhỏ thó, chỉ nặng 42kg lại làm được những điều tử tế đáng khâm phục và noi gương trong cuộc sống.
LAM PHƯƠNG