Vượt lên số phận

.

Chị Nguyễn Thị Thu, 53 tuổi, ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) bị khuyết tật hai chân từ nhỏ, nhưng bằng sự kiên trì vượt khó, chị không những tạo được cuộc sống no ấm, đủ đầy cho bản thân mà còn giúp nhiều người có việc làm ổn định cũng như đóng góp thiết thực cho cộng đồng.

 Chị Thu (ngồi giữa) trao giải thưởng tại chương trình giao lưu Phụ nữ khuyết tật năm 2017.
Chị Thu (ngồi giữa) trao giải thưởng tại chương trình giao lưu Phụ nữ khuyết tật năm 2017.

Nghị lực và tài năng

Sinh ra trong một gia đình đông con, nghèo khó, tuổi thơ của cô bé Thu trải qua biết bao cơ cực. Nỗi bất hạnh bất ngờ ập đến khi lên 7 tuổi (năm 1972), sau một cơn sốt, Thu bị bại liệt. Gia đình đưa Thu chạy chữa nhiều nơi nhưng vô hiệu. Nhìn các bạn cùng trang lứa cắp sách đến trường, Thu ngậm ngùi nuốt nước mắt vào lòng bởi tật nguyền và gia cảnh khó khăn. 

Đất nước thống nhất, ước mơ đến trường của Thu mới trở thành hiện thực. Người cha tham gia kháng chiến trở về ngày ngày đưa Thu đến trường trên chiếc xe đạp cọc cạch. Dẫu hồi ấy, sự kỳ thị người khuyết tật (NKT) còn nặng nề, nhưng Thu đã vượt qua tất cả để trở thành học sinh giỏi, khiến bạn bè cảm phục. “Kết quả học tập của tôi đã làm thay đổi thái độ xa lánh của các bạn trong lớp, từ đó tôi cảm thấy tự tin và càng nỗ lực hơn trong mỗi ngày đến trường”, Thu nhớ lại. Nào ngờ, cha Thu ngã bệnh một thời gian rồi qua đời. Cha mất, Thu như mất đi một phần trong cuộc sống, song những lời dặn dò quý báu của cha trước lúc lâm chung Thu mãi mãi ghi lòng: “Dù đôi chân tật nguyền nhưng tâm hồn phải luôn khỏe mạnh. Có như vậy, con mới vượt lên thành người có ích. Cha mong và tin con sẽ vượt qua tất cả…”. Từ lời dạy của cha, Thu đã đặt ra phương châm sống: Dẫu thua kém mọi người về thể xác, nhưng không thể thua kém về trí tuệ! Tâm nguyện đó đã giúp Thu vượt lên số phận và gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống.

Học hết cấp II, Thu đành phải nghỉ học để mẹ dành tiền nuôi các em học tiếp, nhưng niềm khát khao kiến thức đã trở thành động lực đưa Thu đi học bổ túc vào ban đêm. Đường đến trường nhọc nhằn trên đôi nạng gỗ cho đến khi Thu học hết chương trình trung học. Từ đó, Thu miệt mài kiếm sống bằng công việc bán bánh mì và đan áo len. Một chiếc tủ nhỏ để bên đường, mỗi người khách đến mua bánh mì là một niềm vui của cô gái trẻ tật nguyền. Buổi tối, Thu tranh thủ đi học tiếng Anh, học vi tính. Thu tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ năng dành cho NKT. Cô còn theo học và tốt nghiệp chương trình quản trị kinh doanh…

Kiên trì lao động, học tập và chắt chiu dành dụm, dần dần Thu cũng tích lũy được số vốn kha khá. Năm 1989, Thu cùng gia đình mở lò bánh mì nhỏ. Tuy phải di chuyển trên nạng gỗ và xe lăn, nhưng Thu làm được mọi công đoạn trong quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến năm 2000, Thu làm được ngôi nhà riêng khang trang trên đường Lê Văn Hiến. Tiếp đó, Thu mở cửa hàng Thanh Thu bakery và lò bánh mì ngay tại nhà mình, tạo việc làm cho gần 10 lao động (cả NKT và người bình thường). Vừa sản xuất, vừa bày bán các loại bánh và nhiều mặt hàng gia dụng thiết yếu, cửa hàng của chị luôn đắt khách. Đặc biệt, những người nước ngoài vào mua hàng tại đây đều khâm phục cô chủ hiệu giao tiếp khéo léo, duyên dáng và nói tiếng Anh khá lưu loát. Cùng với đó, chất lượng bánh ngon và giá rẻ (do mua tận gốc) đã thu hút khách hàng đến với cửa hàng Thanh Thu bakery ngày càng nhiều.

Tâm huyết và đầy lòng nhân ái

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Thu còn hăng hái tham gia công tác xã hội. Chị sớm trở thành cá nhân nổi bật trong Chi hội Thanh niên khuyết tật thành phố bởi sự hoạt bát, xông xáo và năng khiếu về văn nghệ, thể thao. Trong các hoạt động, chị luôn hòa nhã, tận tình giúp đỡ người khác. Chị còn gương mẫu đi đầu về hoạt động nhân đạo, tình nghĩa, khuyến học, làm nòng cốt cả tinh thần và vật chất trong những cuộc tham quan, vui chơi, dã ngoại của anh chị em đồng cảnh ngộ… Từ đó, chị Thu đã được bầu làm Phó Chủ tịch Hội NKT quận Ngũ Hành Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Hội NKT thành phố và nhiều chức vụ khác.

Trên cương vị Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật thành phố, hằng năm chị Thu tổ chức chương trình tiếp sức đến trường cho con hội viên, với kinh phí mỗi lần tổ chức gần 10 triệu đồng do chính chị ủng hộ. Thời gian qua, chị phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ NKT như hướng dẫn thủ tục vay vốn ưu đãi, tập huấn kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực. Chị đã tổ chức nhiều chương trình tham quan di tích cách mạng và danh lam thắng cảnh cho chị em hội viên NKT. Năm nào chị cũng tổ chức hoạt động “uống nước nhớ nguồn” như: dâng hương nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Theo Chủ tịch Hội NKT thành phố Trương Công Nghiêm, chị Thu là cán bộ giàu nhiệt huyết, tài năng và có nhiều cách làm sát hợp thực tế, đem lại hiệu quả thiết thực.

Đối với người lao động, chị Thu luôn quan tâm đùm bọc, tạo điều kiện giúp họ có thu nhập và cuộc sống ổn định. Đơn cử như anh H., một sinh viên xa quê, hoàn cảnh gia đình khó khăn, được chị Thu cho ở nhờ và bố trí việc làm để tự trang trải chi phí học tập. Hay như cô nhân viên L. khi kết hôn không có người thân, được chị Thu giúp đỡ và làm đại diện gia đình “nhà gái” trong quá trình hôn lễ. Còn chị Nguyễn Thị Minh Tâm, quê xã Tiên Hà (Tiên Phước, Quảng Nam) là NKT mồ côi cha mẹ, được chị Thu nuôi như con ruột nhiều năm qua. “Em đang bơ vơ không nơi nương tựa thì may mắn được cô Thu đón về nuôi. Cô Thu rất thương em. Cô là người mẹ thứ hai của em”, Minh Tâm bộc bạch.   

 Những năm qua, chị Thu còn là hạt nhân điển hình trong phong trào văn nghệ, thể thao NKT, từng đoạt nhiều giải thưởng tại các hội thi, hội diễn. Chị đã tổ chức nhiều hoạt động văn thể mỹ nhằm nâng cao thể chất và đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của hội viên. Trong niềm vui vừa được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Liên hiệp Hội NKT Việt Nam tặng bằng khen, chị Thu hồ hởi chia sẻ: “Nhớ lời cha dặn “dù đôi chân tật nguyền nhưng tâm hồn phải luôn khỏe mạnh”, mình tự nhủ phải cố gắng hơn nữa để giúp ích cho cộng đồng và cho chính mình”.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.
.