Yên Bái: Những nỗi đau tột cùng nơi rốn lũ Sơn Lương ở Văn Chấn

.

Tang thương và tan hoang là quang cảnh còn lại tại một số bản thuộc xã Sơn Lương, huyện vùng cao Văn Chấn, tỉnh Yên Bái sau cơn lũ dữ sáng 20-7.

Người dân bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn khắc phục hậu quả mưa lũ. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Người dân bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn khắc phục hậu quả mưa lũ. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Cơn lũ kinh hoàng vào khoảng 5 giờ sáng quét qua bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn đã cuốn trôi hầu hết nhà cửa, tài sản của người dân nơi đây, làm 1 người chết, 2 người mất tích và 5 người bị thương.

Bản Tủ có 69 hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ suối dưới chân núi Khe Ma, hầu hết người dân trong bản là đồng bào dân tộc Thái và một số hộ dân tộc khác.

Trưởng bản Tủ, ông Hà Văn Huyên, cho biết người dân bản Tủ sống yên bình nơi đây đã bao nhiêu đời nay chưa bao giờ gặp trận lũ nào khủng khiếp như vậy. Chỉ trong phút chốc, lũ đổ về cuốn phăng mọi thứ của người dân, 11 ngôi nhà bị hư hại, 6 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 3 người chết và mất tích.

Thương tâm nhất là hộ gia đình anh Lò Văn Dung: nhà bị lũ cuốn sạch; vợ con anh người chết, người mất tích. Buổi sáng hôm đó, khi lũ tràn về, mẹ anh dậy sớm được mọi người giúp đỡ đưa chạy lên đồi nên thoát nạn, còn vợ anh Dung - chị Ngân Thị Thủy - hai tay bế hai đứa con chưa kịp chạy ra khỏi nhà thì ngôi nhà đổ ụp xuống, cả ba mẹ con chìm vào trong nước lũ.

Đứa con lớn là Lò Văn Tân, 10 tuổi, bị bại liệt từ bé, bị lũ cuốn trôi nhưng may mắn được mọi người cứu sống, còn chị Thủy và cháu Lò Quang Duy, 2 tuổi, bị nhấn chìm trong đất đá.

Chiều 20-7, mọi người đã tìm thấy thi thể cháu Lò Quang Duy ở cuối bãi đất đá, còn đến giờ này, vẫn chưa biết chị Thủy bị lũ cuốn đi đâu.

Ngồi trên đống đất đá, cây cối ngổn ngang mà mới hôm qua thôi, nơi đây vẫn là ngôi nhà với đầy đủ các thành viên trong gia đình và tài sản, anh Lò Văn Dung, trong tâm trạng đau xót tột cùng, cho biết anh đi làm thợ hồ dưới Hà Nam, ở nhà chỉ có mẹ anh sống cùng vợ và hai con nhỏ.

Buổi sáng hôm đó, khi lũ tràn về, anh không có ở nhà mà đang đi phụ công trình. Khi biết tin, anh vội vã bắt xe về ngay, đến chiều tối mới về tới nhà. Ngôi nhà của anh cùng cùng mọi vật dụng trong nhà đều đã bị lũ cuốn trôi và đất đá vùi lấp.

Ông Lường Quang Đạt, ở bản Tủ, với khuôn mặt thất thần như chưa hiểu chuyện gì xảy ra, đứng bên cạnh ngôi nhà bị lũ quét tan hoang với hàng đống đất đá, cây cối ngổn ngang.

Ông kể lại vào sáng sớm 20-7 xảy ra lũ, tại bản Tủ có mưa rất to, vợ chồng ông dậy từ rất sớm ra ngoài đồng thăm ruộng, kiểm tra ao cá. Khi trở về gần đến nhà, nhìn lên đỉnh núi khe Ma, ông thấy mưa xối xả. Đất đá bắt đầu lở, kéo theo hàng trăm cây cối đổ ầm ầm từ trên đỉnh núi xuống dưới bản. Trong chốc lát, bùn đất đã bao trùm lên ngôi nhà của của ông.

Nhìn lên ngôi nhà ông Hà Sơn Hòa ở phía trên, thấy bà Đinh Thị Quý vợ ông Hòa đang chới với giữa đám bùn đất, ông Đạt vội chạy tới kéo bà vượt qua bức tường dọc ngăn giữa nhà ông với khe suối và đưa bà Quý vào nhà an toàn.

Sau khi cứu được bà Quý, ông quay lại thì thấy ngôi nhà của ông Hòa đã sập hoàn toàn, không thấy ông Hòa đâu. Hiện tại, bà Quý vẫn lúc tỉnh, lúc mê, còn người dân vẫn chưa tìm thấy ông Hòa.

Các chiến sỹ bộ đội của Trung đoàn 98 thuộc Sư đoàn 316 (Quân khu II) cùng lực lượng cứu hộ của địa phương và bà con trong bản đang bới đống đống đất đá và cây cối ven bờ suối để tìm xác ông Hòa.

Trận lũ sáng 20-7 cũng cuốn phăng mọi thứ của người dân bản Đồng Hẻo (xã Sơn Lương). Hầu hết nhà cửa, tài sản và hoa màu của người dân trong bản bị dòng lũ dữ cuốn trôi.

Trước đó, theo dự kiến, trưa 20-7, gia đình sẽ tổ chức đám cưới cho anh Hà Văn Thoái (sinh năm 1988), trú tại xã Sơn Lương. Mọi công việc như dựng rạp, nấu cỗ và mời khách dự đám cưới đã hoàn tất.

Rủi thay, cơn lũ dữ lúc gần 5 giờ sáng cùng ngày quét qua đã cuốn trôi toàn bộ ngôi nhà, phông bạt bàn ghế và các mâm cỗ cưới. Nhà cô dâu ở bản bên cũng đã chuẩn bị sẵn cỗ bàn cho lễ cưới của con gái, khi nghe tin nhà anh Thoái bị lũ cuốn trôi đành hoãn cưới, sang nhà trai để giúp đỡ.

Tại thôn Bản Mười, xã Sơn Lương, trận lũ lúc gần 5 giờ sáng 20-7 cũng khiến nơi đây bị tàn phá nặng nề. Tuy không có thương vong về người, nhưng hầu hết nhà cửa, tài sản của thôn bị lũ cuốn trôi hoặc đánh sập.

Ông Hoàng Văn Sẩng, 58 tuổi, ở Bản Mười bàng hoàng kể lại, lúc đó khoảng 4 giờ 30 sáng 20-7, nghe thấy những tiếng ầm ầm, ông nhìn ra thì thấy nước lũ kéo theo đất đá, cây cối cuồn cuộn đổ về.

Lực lượng cứu hộ và người dân bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn đang di chuyển cây cối bị lũ cuốn để tìm người mất tích. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Lực lượng cứu hộ và người dân bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn đang di chuyển cây cối bị lũ cuốn để tìm người mất tích. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Trong phút chốc, nước đã ngập gần đến mép ngôi nhà sàn của ông. Trong nhà khi đó có bố mẹ già và vợ chồng ông. Cụ ông Hoàng Văn Nhờ, 91 tuổi, bị mù lòa không nhìn thấy gì, cụ bà Hà Thị Lê, 93 tuổi, bị liệt, nằm tại chỗ đã gần 5 năm, còn ông thì một bên chân mới mổ đóng đinh nên đi lại rất khó khăn.

Khi thấy nước lên đến mép sàn nhà, ông đã buộc 2 thùng phi đựng lương thực vào 2 thanh gỗ rồi bế hai cụ ngồi vào đó và gọi người chú bơi sang kéo hai cụ đến nơi an toàn.

Vợ chồng ông ngay sau đó cũng chạy lên khu vực trên cao để tránh lũ. Hầu hết tài sản trong nhà, hoa màu và đàn lợn, gà bị nước lũ cuốn trôi hết cả.

Ông Hà Văn Kiểm, Bí thư chi bộ thôn Bản Mười, cho biết tại thôn có 69 hộ dân sinh sống, trong đó có 11 ngôi nhà bị ngập, 4 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Rất may trong bản không có thiệt hại về người. Tuy vậy, hầu hết tài sản, vật nuôi của người dân trong bản bị lũ cuốn sạch, hơn 3ha lúa hai vụ trong thôn mất trắng.

Đợt mưa lũ từ đêm 19-7 đến ngày 21-7 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản.

Tính đến 16 giờ ngày 22-7, toàn tỉnh Yên Bái có 28 người chết, mất tích và bị thương, trong đó có 11 người chết, 6 người mất tích, 11 người bị thương.

Có 4.170 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 119 nhà bị sập, trôi hoàn toàn; 161 nhà bị thiệt hại nặng; 3.356 nhà bị ngập nước, tốc mái, hư hỏng; đã di dời khẩn cấp 691 hộ đến nơi an toàn.

Ngoài ra, trên 2.100 ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng, 1.258 con gia súc, gia cầm, trên 198ha thủy sản bị thiệt hại và 422 tuyến đường, cầu, cống bị hư hỏng, sập, trôi. Ước tính thiệt hại trên 200 tỷ đồng. 

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.
.