160 năm Đà Nẵng kháng Pháp (1858-2018)

Đà Nẵng trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858 -1860) - Kỳ 2: Một bữa Trà Sơn vang tiếng súng

.

Sau khi tập kết quân tại cảng Đà Nẵng chiều ngày 30-8-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha gặp khó khăn trong việc bố trí lực lượng, “vì không thể đậu tàu ở phần phía đông của vịnh Đà Nẵng mặc dù đây là nơi neo đậu tốt”, bởi hệ thống phòng thủ dày đặc của nhà Nguyễn tại đây.

Một tài liệu cho biết: 1) Đồn phía Bắc của Nam quân nằm trên đỉnh cao trên núi, cây cối bao phủ, khống chế cả cửa biển với một đơn vị pháo binh. 2) Đồn tại đảo Quan sát (‘îlot  de l’Observatoire - núi Mỏ Diều) nối liền với bờ bằng một chiếc cầu. 3) Pháo binh ở đồn “Bồn chứa nước ngọt” (aiguade) có bố trí hỏa lực bắn chéo liên kết với các đồn khác. Hơn nữa, đường vào cửa biển thì hai bên có 2 đồn Đông (An Hải) và Tây (Điện Hải)”(1).

Một góc thành Điện Hải. Nguồn: Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp
Một góc thành Điện Hải. Nguồn: Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp

Báo cáo của Rigault de Genouilly gửi về Pháp ngày 20-11-1858 cho biết: “Sáng ngày hôm sau, ngày 1-9, sau khi gửi thư thúc giục người chỉ huy các pháo đài phải quy hàng, tôi ra hạn cho ông ta trong 2 tiếng đồng hồ để thực hiện yêu cầu trên.

Hết thời hạn vẫn không được trả lời, tôi liền ra lệnh đồng loạt tấn công tất cả các công sự của đối phương trong khu vực tàu thả neo, nhất là các pháo đài án ngữ lối vào cửa sông (đồn Điện Hải và An Hải) do các kỹ sư người Pháp xây dựng trước đây”.

Một sĩ quan cuộc hành quân của ông ta nói kỹ hơn: “Vào lúc 7 giờ 45 sáng, một sĩ quan tham mưu của chúng tôi gửi một bức thư đến “Đồn nước ngọt” (Điện Hải - TG), yêu cầu viên tổng chỉ huy Nam quân ở đây phải giao tất cả các đồn trong vòng 2 giờ. Đến 9 giờ 45, không thấy họ trả lời, nên Đô đốc Rigault ra lệnh phát động tấn công”.

Ngay khi phát lệnh tấn công, các tàu chiến của Pháp chia làm 2 cánh, đồng loạt bắn phá các đồn, bảo, thành lũy của Việt Nam. Cờ Pháp, rồi cờ Tây Ban Nha lần lượt được kéo lên trên đỉnh cột buồm lớn nhất của soái hạm Némésis, đó là hiệu lệnh cho tất cả các tàu đồng loạt nổ súng.

Các thành Điện Hải, An Hải nhanh chóng trở thành mục tiêu bắn phá của đại bác địch từ các chiến hạm vào. Mô tả trận mở màn này, một sĩ quan Pháp cho biết: “Đạn cối và đại bác của chúng tôi đã làm cho cỏ cây, đá sỏi bay mù mịt lên không trung, làm lóa mắt những người An Nam khốn khổ và cản không cho họ sử dụng các loại vũ khí của mình”(2).

Một báo cáo của Rigault de Genouilly gửi về Pháp cho biết: “Sau nửa tiếng đồng hồ nã pháo dữ dội và hầu hết đạn pháo đều trúng đích, các pháo đài bảo vệ khu vực thả neo của An Nam đều tắt ngấm. Quân đổ bộ của các tàu Némésis, Phlégéton, Primauguet và một nửa số quân của đội công binh, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Reynaud lập tức nhảy lên bờ chiếm lĩnh các pháo đài trong tiếng hô vang “Hoàng đế vạn tuế!”.

Tôi tiến theo mũi quân này. Một lúc sau, các đơn vị lính Pháp và Tây Ban Nha cũng đổ bộ, tôi lập tức bố trí trận chiến ở phía chính diện và phía phụ cận các pháo đài An Hải và Điện Hải. Trong khi chiến sự đang diễn ra ở khu vực thả neo của các chiến hạm lớn, thì 3 pháo hạm Mitraille, Fusée và Alarme cùng với tiểu hạm Tây Ban Nha El Cano nã đạn vào các pháo đài án ngữ lối vào cửa sông.

Một trong các pháo đài đó - pháo đài phía Đông (An Hải) - sập hẳn sau nửa giờ bị tấn công bằng những loạt đạn bắn từ nòng pháo có khe, một đoạn thành lũy tiếp giáp với kho thuốc súng bị phá hủy hoàn toàn, đổ sập xuống hào”.

Nhân dân Đà Nẵng bắt sống giặc Pháp đưa đi diễu hành.
Nhân dân Đà Nẵng bắt sống giặc Pháp đưa đi diễu hành.

Ghi nhận sự kiện này, một sĩ quan Pháp cho biết: “Người An Nam đánh trả lại; rất nhiều đạn của họ đã bắn trúng vỏ tàu chúng tôi; song chỉ sau nửa giờ bắn phá của chúng tôi, sự phản kháng của quân An Nam ở các đồn đã bị dập tắt. 450 quân đổ bộ đã xung phong lên chiếm lấy đồn và đánh tan những người An Nam tự vệ cuối cùng.

Một lúc sau, một trong những đồn lớn nhất ở vịnh đã nổ tung (đồn An Hải) bởi loạt đạn bắn ra từ các pháo thuyền của chúng ta”(3). Đồn An Hải nhanh chóng rơi vào tay giặc. Pháo đài Phòng Hải và Trấn dương tứ bảo trên núi Sơn Trà cũng lần lượt bị đánh chiếm. Quân Pháp chớp lấy thời cơ, nhanh chóng đổ bộ chiếm giữ bán đảo Sơn Trà và thành An Hải.

“Sau khi tôi (tức Rigault de Genouilly) đích thân đi thị sát cùng đội hộ tống Tây Ban Nha, ngay chiều hôm đó, tôi đã xác định vị trí đóng quân cho tất cả các đơn vị Pháp dưới quyền chỉ huy của Đại tá Raybaud và đại đội Tây Ban Nha do Đại tá Oscaritz chỉ huy. Đây là khu đất bằng phẳng trên bán đảo gần kề pháo đài phía đông (tức thành An Hải)”(4).

Sáng hôm sau (tức ngày 2-9-1858), 5 pháo hạm Alarme, Avalanche, Fusée, Daragonne, Mitraille cùng chiến hạm El Cano của Tây Ban Nha dưới quyền chỉ huy của Reybaud đã triển khai đồng bộ tấn công thành Điện Hải, làm sập một góc thành này và nổ tung kho thuốc súng ở đây.

Ngay lập tức, Thiếu tá Jaure Guiberry xua quân tiến sâu vào cửa sông Hàn, đồng thời đưa chiến thuyền đậu sát thành Điện Hải. Toàn bộ hệ thống phòng ngự của nhà Nguyễn tại tả ngạn sông Hàn cũng chịu chung số phận với thành An Hải trước đó: “Ngày hôm sau, các tàu chiến tiến vào trong đêm đã phá hủy đồn còn lại ở trong vịnh.

Các thuyền nhỏ của ta đã nhanh chóng tiến vào sông. Bán đảo Sơn Trà hoàn toàn nằm trong tay chúng ta. Nam quân đã bỏ lại trong các đồn lũy một số khẩu đại bác rất đẹp bằng đồng và các vật dụng đáng kể”(5).

“Chúng tôi đã thả neo rất gần các thành An Hải, Điện Hải của Nam quân (cách khoảng 150m) nơi mà đạn pháo của kẻ thù chỉ bắn được vào thành tàu của chúng tôi và bay trượt lên các cột buồm. Tàu Saône đã bị trúng một viên đạn ở phía cột buồm mũi và tàu Phlégéton bị trúng đạn ở sống đuôi tàu.

Vũ khí được tìm thấy trong thành, nói chung toàn là súng đá lửa St Etienne; đại bác (tức súng thần công) phần lớn làm bằng đồng rất đáng nể, có đường kính 18-19cm, tôi nghĩ có khoảng 48 khẩu đại bác hoặc hơn, tôi cũng không chắc lắm.

Có 20 người An Nam bị giết, 12 người bị thương và 55 người bị bắt làm tù binh, số còn lại đã lẩn trốn lên núi. Về phần mình, chúng tôi chỉ có một kẻ thù rất đáng gờm ở đây, đó là, cái nóng, chỉ có nó từ từ lấy hết sức lực của chúng tôi(6)”...

Qua 2 ngày tấn công, liên quân Pháp - Tây Ban Nha vô hiệu hóa các pháo đài, đồn, bảo kiên cố nhất trong hệ thống phòng thủ Đà Nẵng của nhà Nguyễn, thu giữ 450 khẩu đại bác các loại: “Đại bác bằng đồng nhiều hơn và nói chung là rất đẹp.

Các đại bác của đối phương vừa mới đặt lên giá cao. Trang bị pháo binh của họ rất hoàn chỉnh và tốt hơn nhiều so với những gì tôi thấy ở Trung Hoa. Pháo đài phía tây (Điện Hải) gồm một xưởng pháo binh lục chiến, những đại bác bằng đồng cỡ bằng 6 và 9, giá súng đặt trên những bánh xe cao, rất phù hợp với đường sá gồ ghề của xứ này”(7). Rigault cũng chọn 2 khẩu đại bác bằng đồng rất đẹp, để dâng tặng nữ hoàng Tây Ban Nha và vua Pháp.

(1) Hồi ký Đại tá Henri De Ponchalon, Đông Dương - Những chuyến đi và các trận chiến (1858-1860). Nhà xuất bản Alfred Mame và Fils. Năm 1896 (M DCCC XCVI).

(2) Báo cáo của viên sĩ quan chỉ huy tàu Némésis, tại vịnh Đà Nẵng, ngày 3-9-1858. Tài liệu mang ký hiệu AB XIX 3970. Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp.

(3) Tư liệu lịch sử do A. Benoist d’Azy nghiên cứu, về Cuộc chinh phục Nam kỳ của Pháp. Hs số: AB XIX 3970, Lưu trữ Quốc gia Pháp – Pierrefitte sur Seine.

(4) Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ XIX (1802-1884), Nxb TP. Hồ Chí Minh 1999. Tr.367.

(5) Tư liệu lịch sử do A. Benoist d’Azy nghiên cứu, về Cuộc chinh phục Nam kỳ của Pháp. Hs số: AB XIX 3970, Lưu trữ Quốc gia Pháp – Pierrefitte sur Seine.

(6) Báo cáo của viên sĩ quan chỉ huy tàu Némésis, tại vịnh Đà Nẵng, ngày 3-9-1858. Tài liệu mang ký hiệu AB XIX 3970. Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp.

(7) Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ XIX (1802-1884), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh 1999, tr.367-368

LƯU ANH RÔ

;
.
.
.
.
.
.