"Dân vận khéo" ở chi hội phụ nữ tiêu biểu

Những năm qua, Chi hội Phụ nữ số 24 thuộc khu dân cư (KDC) số 24 phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) luôn là điểm sáng của địa phương, đồng thời là 1 trong 5 chi hội phụ nữ tiêu biểu của thành phố. Kết quả này do sự khéo léo trong công tác vận động, tập hợp hội viên trong việc xây dựng và phát triển phong trào hội của Chi hội trưởng Trần Thị Sen cùng các thành viên Ban Chấp hành (BCH) chi hội.

Chẳng hạn, mô hình tủ quần áo “Ai thừa ủng hộ, ai thiếu đến nhận” được Chi hội Phụ nữ số 24 triển khai từ tháng 9-2017, đến nay có hơn 500 lượt hội viên và nhân dân trên địa bàn ủng hộ quần áo cũ, hơn 700 lượt người đến nhận. Tuy mô hình không mới nhưng tủ quần áo này đã hỗ trợ phần nào cho người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động xa quê đang bươn chải mưu sinh.

Chị Lê Thị Tuyến, quê tỉnh Quảng Nam, vừa ra Đà Nẵng sinh sống, ở trọ tại KDC số 24. Với sự giúp đỡ của các hội viên Chi hội Phụ nữ, những khó khăn của chị cũng vơi dần. Chị Tuyến cho hay, mô hình tủ quần áo “Ai thừa ủng hộ, ai thiếu đến nhận” rất có ý nghĩa, nhất là đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, lao động xa quê như chị.

Không những thế, Chi hội Phụ nữ số 24 còn tiên phong triển khai nhiều mô hình như: “Thùng rác môi trường”, “Xây dựng tuyến đường văn minh đô thị, xanh, sạch, đẹp”. Đặc biệt, mô hình “Bếp ăn nghĩa tình” của chi hội đến nay đã nấu hơn 1.500 suất để hỗ trợ bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa, hội viên của Chi hội Phụ nữ số 24 tâm sự, bản thân chị cũng như các chị em đều tham gia nhiệt tình các hoạt động do chi hội phát động, bởi đó là những việc làm có ích cho cộng đồng. Dù KDC số 24 là khu vực chỉnh trang, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng với uy tín cùng tài dân vận khéo, Chi hội trưởng Trần Thị Sen đã vận động các hội viên tương trợ, giúp nhau vươn lên, đưa phong trào Hội ngày càng phát triển. Chị Sen cho hay, trước khi phát động bất kỳ phong trào gì, BCH chi hội cũng thực hiện trước, hiệu quả rồi mới triển khai ra toàn chi hội. Chẳng hạn, với mô hình tủ quần áo “Ai thừa ủng hộ, ai thiếu đến nhận”, BCH chi hội ủng hộ quần áo cũ trước, sau đó vận động các hội viên; hay với “Bếp ăn nghĩa tình”, BCH cũng tiên phong đóng góp kinh phí, đứng ra nấu nướng và đến các bệnh viện để trao tận tay những suất ăn nghĩa tình cho người bệnh. Chị Sen nói: “Chị em đoàn kết, thống nhất lắm, nên việc triển khai hoạt động gặp nhiều thuận lợi. Đó là điều rất quý mà không phải nơi nào cũng có”.

Nhờ sự đồng thuận ấy, những hoạt động tưởng chừng như khó có thể triển khai ở cấp chi hội như một ngày nấu 800 suất cơm miễn phí hỗ trợ bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng; quyên góp quần áo cũ tặng người dân nghèo các xã miền núi ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… đều được thực hiện và duy trì.

Các thành viên trong chi hội thường nói với nhau rằng, “Dân vận khéo thì việc gì cũng xong” để nói về sự đồng thuận của chị em nơi đây cũng như sự nỗ lực của Chi hội trưởng Trần Thị Sen. Điều quan trọng là từ sự đồng thuận ấy, chị em luôn cảm nhận sự ấm áp, quan tâm lẫn nhau. Dường như giữa các chị em không còn khoảng cách theo kiểu “nhà nào biết nhà nấy” - điều vẫn thường thấy ở đô thị; thay vào đó, mỗi khi có các hoạt động của Chi hội Phụ nữ số 24, ai đến khu vực này cũng dễ dàng thấy không khí rộn ràng và cả những nụ cười rạng rỡ…

TRUNG TRỰC

;
.
.
.
.
.
.