Nhiều hoạt động thiết thực giúp gia đình chính sách

.

Bằng tấm lòng tri ân và biết ơn sâu sắc với những thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh cho cách mạng, những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của lực lượng vũ trang (LLVT) thành phố luôn được cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng sôi nổi, nhiệt tình... Tất cả đều hướng tới mục tiêu giúp các gia đình chính sách có thêm niềm vui, vơi phần khó khăn trong cuộc sống.

Các nữ Quân y Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố khám bệnh cho Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Bé (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang).
Các nữ Quân y Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố khám bệnh cho Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Bé (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang).

Huyện Hòa Vang là một trong các địa phương có số đối tượng chính sách lớn của thành phố, trong đó hầu hết các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống đều tuổi đã cao, sức yếu, hoàn cảnh neo đơn. Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) thành phố vừa phối hợp với Hội Phụ nữ Công an và Hội Phụ nữ huyện Hòa Vang thăm hỏi, tặng quà, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 27 Mẹ VNAH trên địa bàn 7 xã của huyện. Chuyến đi trong 3 ngày mang theo cảm xúc dạt dào và những giọt nước mắt cảm phục của chị em trong đoàn khi chứng kiến các mẹ tuổi đã cao, lưng còng, mái tóc bạc phơ ẩn chứa nỗi mất mát, đau thương vô tận. Xã Hòa Châu là nơi đoàn đến khám, phát thuốc cho 10 Mẹ VNAH.

Mẹ Nguyễn Thị Thí (ở thôn Cẩm Nam) năm nay đã 98 tuổi, mẹ Trần Thị Bé (thôn Đông Hòa) 102 tuổi, mẹ Hồ Thị Cừ (thôn Phong Nam) 99 tuổi, tất cả đều tiễn 1 đến 2 người con lên đường đi kháng chiến và vĩnh viễn không trở về. Năm tháng mòn mỏi qua đi với khoảng trống không gì bù đắp được, nhưng các mẹ đã kiên cường vượt qua đau thương của chiến tranh, cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng. Giờ đây, khi tuổi xế chiều, cuộc sống neo đơn với đau ốm bệnh tật đeo đẳng, đón những đứa con - người lính về tận nhà thăm hỏi, khám chữa bệnh cho mình, các mẹ có thêm niềm vui tràn đầy giữa chuỗi ngày tĩnh lặng. Tay run, chân không còn bước đi được, các mẹ chỉ biết lau những dòng nước mắt chảy dài khi các con rộn ràng về bên động viên, thăm hỏi.

Mẹ VNAH Ngô Thị Bé (ở thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc) năm nay đã 84 tuổi, có hai con liệt sĩ. Ngôi nhà đơn sơ vắng lặng giữa bốn bề núi non, sông nước như chợt bừng lên sức sống khi có các nữ quân nhân về sum vầy bên mẹ. Nắm tay các con, mẹ Bé vừa lau những giọt nước mắt mừng tủi vừa nói: “Mẹ thấy như các con của mình đang trở về quây quần bên mẹ. Mẹ vui lắm, thấy hạnh phúc và khỏe lên nhiều”. Cùng với việc khám và phát thuốc, đoàn đã tổ chức đám giỗ tại nhà liệt sĩ Lê Văn Nghiêu tại thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc). Gần 20 nữ quân nhân, công an, phụ nữ Hòa Vang đã quây quần tổ chức một lễ tưởng nhớ thật đầm ấm, thiêng liêng cho người anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thiếu tá Trần Thị Tuyết, Bộ CHQS thành phố cho biết: “Tưởng nhớ các liệt sĩ trong những đám giỗ như thế này cũng là dịp để chúng tôi bồi đắp thêm tinh thần, động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiếp bước cha anh xây dựng, bảo vệ vững chắc đất nước quê hương”.

Trong đợt dân vận hè 2018 vừa qua, các đơn vị quân đội, công an và LLVT thành phố đã tổ chức đi thăm hàng trăm gia đình chính sách, Mẹ VNAH, mẹ liệt sĩ tại các xã của huyện Hòa Vang. Đến thăm và tặng quà mẹ liệt sĩ Ngô Thị Hoa (77 tuổi) tại thôn Quan Nam 1 (xã Hòa Liên), cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Tăng - thiết giáp 699 càng thấm thía hơn những mất mát, hy sinh to lớn của những người mẹ Việt Nam trong suốt những năm dài kháng chiến. Mất chồng, mất con, cuộc sống cô đơn, nghèo khó không hề làm phai đi niềm tin và sự lạc quan trong lòng các mẹ. Không chỉ là những món quà về vật chất, mà ý nghĩa và tình cảm hơn hết là sự có mặt của những người con mặc áo lính hôm nay đã góp phần khơi dậy động lực to lớn về tinh thần để các mẹ sống lâu, sống khỏe, hưởng thêm hạnh phúc và niềm vui nhỏ nhoi của tuổi già.

Bằng nhiều nguồn đóng góp từ tiết kiệm tiền lương, nuôi heo đất, hũ gạo tình thương, quyên góp các nguồn hỗ trợ, LLVT thành phố đã và đang tích cực hưởng ứng phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” với các gia đình có công cách mạng, để hành trình tri ân luôn được tiếp nối qua nhiều thế hệ, góp phần đền đáp một phần máu xương của những người đã hy sinh vì nước.

Bài và ảnh: H.H

;
.
.
.
.
.
.