Sáng 31-7, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố về tình hình thực hiện các mặt công tác thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian đến. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung và lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Q.KHẢI |
Báo cáo của Sở NN&PTNT cho biết, sản xuất nông nghiệp của thành phố phát triển theo đúng định hướng. Giai đoạn 2015-2017, tốc độ tăng trưởng
bình quân đạt 3,8l%/năm, giai đoạn 2016-2020 ước tăng bình quân 3,89%/năm (Nghị quyết Đại hội Đảng thành phố lần thứ XXI là tăng bình quân 2 đến 3%/năm). Diện tích gieo trồng cây hằng năm 8.500ha, trong đó diện tích gieo trồng lúa cả năm là 5.200ha, năng suất bình quân năm 2017 đạt 60,5 tạ/ha, sản lượng 31.500 tấn.
Thành phố ban hành chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch 7 vùng diện tích 500ha để kêu gọi, thu hút đầu tư và đang triển khai lập đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) với diện tích l40ha.
Công tác quản lý bảo vệ rừng đuợc chú trọng gắn với củng cố, nâng cao năng lực của lực lượng kiểm lâm. Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 không để xảy ra cháy lớn về rừng, giảm đáng kể các hoạt động xâm hại rừng.
Tỷ lệ che phủ rừng đến cuối năm 2017 đạt 45,5% cao hơn mức bình quân cả nước. Khai thác hải sản phát triển theo hướng vươn khơi, nâng cao năng lực khai thác xa bờ và hoàn thiện hệ thống hạ tầng dịch vụ nghề cá trở thành trung tâm của khu vực. Thành phố thực hiện tốt công tác quản lý hệ thống công trình thủy lợi, đê, kè biển, kè chống sạt lở ven sông thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở NN&PTNT đề nghị thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do thành phố phê duyệt, quyết định đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn xã hội hóa; đề nghị thống nhất chủ trương thực hiện rà soát, thu hồi toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp giao khoán trong khu rừng đặc dụng, phòng hộ nhằm tổ chức, quản lý rừng theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, rà soát chọn một số địa phương để quy hoạch, xây dựng, phát triển theo mô hình khu dân cư nông thôn mới, kiểu mẫu, vườn mẫu tại các thôn: Trường Định (xã Hòa Liên), An Trạch, Bắc An, Cẩm Nê (xã Hòa Tiến), Túy Loan, Bồ Bản (xã Hòa Phong) nhằm tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đặc sản và khai thác tiềm năng, giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa, phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái; đề xuất cơ chế hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm ở vùng sâu, vùng xa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung cho rằng, ngành nông nghiệp là cơ sở tiền đề cho sự phát triển của thành phố. Do vậy, cần quan tâm đúng mức về vấn đề an ninh nguồn nước và tăng cường các mảng cây xanh đô thị.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, Sở NN&PTNT cần sớm tham mưu lãnh đạo thành phố xây dựng chính sách hạn chế tàu cá đánh bắt gần bờ có công suất dưới 20CV; đồng thời tham mưu UBND thành phố tăng cường công tác kiểm tra, rà soát an toàn hồ, đập trước mùa mưa bão.
“Đề nghị Sở NN&PTNT thành phố phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam tăng cường quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh nói.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đánh giá cao kết quả đạt được của Sở NN&PTNT trong phát triển nông nghiệp, quản lý bảo vệ rừng, phòng chống thiên tai, thủy lợi. Về phát triển sản xuất nông nghiệp, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị trong đầu tư thâm canh, xây dựng cánh đồng lúa phải ưu tiên chọn các giống lúa đặc sản của địa phương, gắn với việc duy trì sản lượng và chất lượng nhất định, tránh gieo trồng đại trà dễ dẫn đến lãng phí.
Việc quy hoạch, xây dựng các khu trồng rau và hoa không chỉ phục vụ cho thị trường mà còn gắn chặt với khai thác dịch vụ du lịch, tiến dần đến phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu riêng của Đà Nẵng.
"Nếu nông nghiệp tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ, sản phẩm được chứng minh nguồn gốc rõ ràng thì tôi tin người dân thành phố sẽ hoàn toàn tin tưởng và lựa chọn các mặt hàng nông sản được sản xuất ngay tại địa phương mình”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ đạo gắn chặt việc quy hoạch nông nghiệp, nông thôn với quy hoạch chung của thành phố. Trong đó, cần quan tâm quỹ đất dành cho nông nghiệp và quy hoạch khu vực nông thôn cụ thể.
Trong tiêu thụ sản phẩm, phải phối hợp chặt chẽ giữa Sở NN&PTNT với Sở Công thương để tìm hiểu và đánh giá cái thị trường đang cần. “Không phải có cái gì thì bán cái đấy, mà cần phải bán những cái gì thị trường cần.
Do đó, cần tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến, từng bước đưa các mặt hàng nông sản vào các chợ đầu mối và siêu thị; chú trọng hơn nữa dịch vụ nông nghiệp và hỗ trợ tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ đạo.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh vai trò quan trọng của tài nguyên rừng đối với sự phát triển chung của thành phố, do đó cần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, chọn loại cây phù hợp để trồng rừng, gắn chặt công tác quản lý bảo vệ rừng với bảo đảm an ninh nguồn nước.
“Đối với dự án nâng cấp cảng cá Thọ Quang sẽ triển khai trong thời gian tới, cần ưu tiên các hạng mục cải thiện và thương mại, không tập trung nâng cấp về quy mô. Phải nhấn mạnh đây là dự án nâng cấp chứ không phải là mở rộng”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa lưu ý.
QUỐC KHẢI