Thời bình, những cựu thanh niên xung phong (TNXP) vẫn giữ trọn nghĩa tình đồng đội, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn...
Các cựu thanh niên xung phong luôn sát cánh, sẻ chia khó khăn, giúp đỡ đồng đội với nhiều hoạt động thiết thực. |
Trong căn nhà mới khang trang, kiên cố, bà Ngô Thị Hộp (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) vui mừng xen lẫn bùi ngùi khi nhắc về đồng đội là những cựu TNXP. Bà tâm sự: “Căn nhà này là tất cả tình cảm đồng đội dành cho tôi. Đồng đội đã quan tâm vận động, đóng góp 60 triệu đồng để xây nên ngôi nhà mà cả đời tôi mơ cũng không có được. Đến tuổi này, được ở trong ngôi nhà kiên cố, mỗi khi trời mưa bão, tôi cũng đỡ lo sợ hơn”.
Cùng chung niềm vui trong căn nhà mới, bà Bùi Thị Thê (79 tuổi, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) vừa được hỗ trợ 20 triệu đồng sửa chữa nhà cho hay: “Nhà tôi xây đã hơn 20 năm nên giờ xuống cấp, dột nát, thường xuyên bị ngập nước. Nhờ sự kêu gọi, quyên góp của Hội Cựu TNXP các cấp, chứ tôi tuổi cao sức yếu, chồng mất sớm, biết bao giờ mới sửa được nhà”.
Nhắc đến đồng đội, bà Thê nhớ lại những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi cùng sát cánh bên nhau ở Ngã ba Đồng Lộc. Giữa đạn bom ác liệt, cả tiểu đoàn hết lòng yêu thương nhau, san sẻ từng tấm chăn, cọng rau, viên thuốc. Bà Thê nghẹn ngào: “Giờ sống trong thời bình, nhưng những người TNXP như chúng tôi luôn khắc sâu trong tâm khảm sự hy sinh của đồng đội. Hình ảnh những người mẹ của đồng đội đau khổ khi không thấy con trở về luôn hiện hữu trong tâm trí chúng tôi. Chính vì thế, chúng tôi, những người may mắn còn sống luôn cố gắng yêu thương, đoàn kết một lòng, thường xuyên giúp đỡ, thăm hỏi gia đình những đồng đội đã hy sinh”.
Chủ tịch Hội Cựu TNXP quận Liên Chiểu Phùng Thế Tài cho hay, xuất phát từ tấm lòng, sự sẻ chia khó khăn cùng đồng đội, những cựu TNXP luôn coi nỗi đau, thiệt thòi của đồng đội là nỗi đau của bản thân mình. Chính vì thế, những cựu TNXP luôn tích cực san sớt từ lon sữa, ký gạo, chai dầu ăn..., tặng quà hội viên dịp lễ, Tết; thăm hỏi trường hợp ốm đau; phúng viếng hội viên, người thân hội viên qua đời; xây dựng quỹ nghĩa tình đồng đội, cho hội viên vay không lãi để phát triển kinh tế gia đình; kêu gọi hỗ trợ sửa chữa nhà...
Bà Phạm Thị Thao, Chủ tịch Hội Cựu TNXP thành phố cho biết, được thành lập năm 2005, qua 13 năm hoạt động, Hội đã tập hợp 1.230 hội viên là cựu TNXP các thời kỳ. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Hội đã xác định thực hiện vai trò “Nhân chứng lịch sử” là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, do đó, Hội tích cực khảo sát, nắm tình hình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cựu TNXP và đề xuất với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giải quyết chế độ, chính sách đối với TNXP.
Trong năm 2018, Hội hỗ trợ 1.843 suất quà Tết Mậu Tuất cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Để có kinh phí hỗ trợ xây, sửa chữa nhà, Hội Cựu TNXP các cấp đã vận động hội viên và các mạnh thường quân đóng góp, hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà cho 3 hội viên với tổng kinh phí 60 triệu đồng; phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng hỗ trợ sửa chữa 3 ngôi nhà cho các hội viên. Hội còn triển khai xây dựng quỹ nghĩa tình đồng đội với trên 850 triệu đồng vốn vay không lãi giúp hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn vốn này, nhiều hội viên được tăng thu nhập trên nhiều ngành nghề như: buôn bán, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, phát triển làng nghề...
Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng với tinh thần “Trẻ xông pha, già gương mẫu”, gần 200 hội viên cựu TNXP thành phố đã tham gia làm nhiệm vụ ở các khu dân cư và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
“Trong những năm kháng chiến, TNXP luôn sát cánh cùng đồng đội, tham gia bảo vệ Tổ quốc. Nay trở về cuộc sống đời thường, những cựu TNXP giữ trọn nghĩa tình đồng đội, quan tâm, giúp đỡ nhau trên mọi mặt đời sống. Các hội viên, đặc biệt là 350 hội viên là thương binh đã và đang vượt qua những khó khăn về tuổi tác, bệnh tật để xây dựng cuộc sống mới, trở thành những tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ noi theo. Nhiều hội viên tích cực giúp đỡ nhau sản xuất, kinh doanh giỏi, vượt khó làm giàu, tham gia làm nhiệm vụ ở các khu dân cư, góp phần xây dựng quê hương, bà Phạm Thị Thao chia sẻ.
Bài và ảnh: THU THẢO