Tác phẩm tham gia "Giải Búa liềm vàng 2018"

Chính sách dành cho công nhân khu công nghiệp - Bài 2: Trăn trở nhà trẻ cho con công nhân

.

Các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) trên địa bàn thành phố ngày càng mở rộng quy mô, thu hút nhiều lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc. Điều này gia tăng áp lực về nhà trẻ cho con công nhân lao động (CNLĐ), bài toán nan giải đã tồn tại nhiều năm nay. Mặc dù thành phố có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm thay đổi thực trạng này nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Công tác đầu tư xây dựng trường mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất được thành phố quan tâm và đẩy mạnh. Trong ảnh: Trung tâm Chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non OneSky (quận Liên Chiểu) là ngôi trường mầm non đầu tiên ở Việt Nam theo chuẩn quốc tế dành riêng cho con em công nhân.  Ảnh: NAM BÌNH
Công tác đầu tư xây dựng trường mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất được thành phố quan tâm và đẩy mạnh. Trong ảnh: Trung tâm Chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non OneSky (quận Liên Chiểu) là ngôi trường mầm non đầu tiên ở Việt Nam theo chuẩn quốc tế dành riêng cho con em công nhân. Ảnh: NAM BÌNH

Loay hoay tìm nơi gửi con

Theo kết quả khảo sát nhu cầu CNLĐ tại các KCN và Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ trên địa bàn thành phố của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố năm 2016, trong 7 vấn đề bức xúc của CNLĐ, nhà trẻ, nơi gửi con đứng ở vị trí thứ 3 theo thứ tự ưu tiên, sau thu nhập và nhà ở.

Hầu hết công nhân (CN) nữ làm việc tại các KCN đang trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ nên nhu cầu gửi trẻ rất cao. Qua 2.045 phiếu khảo sát, 58,1% CNLĐ đã có con và 45,3% con của CNLĐ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, chỉ 10,9% con CNLĐ được gửi trẻ ở trường công lập.

Đa số CNLĐ còn lại lựa chọn gửi con tại các nhà trẻ tư thục hoặc nhóm trẻ gia đình, tương ứng với 22,9% và 18,3%. Số còn lại lựa chọn gửi con cho người thân. Có thể thấy, nhu cầu gửi con đi học lớn hơn so với khả năng đáp ứng của cơ sở vật chất nên việc tìm trường công cho con của CNLĐ gặp rất nhiều khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1992, quê Thừa Thiên Huế, ngụ phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), CN KCN Hòa Khánh, kể: “Tôi làm CN, chồng làm nghề tự do, giờ giấc làm việc của hai vợ chồng không thể đáp ứng được giờ giấc đưa đón con của trường công lập. Hơn nữa, số lượng con CN rất đông mà số lượng tuyển sinh của trường mầm non công lập lại ít nên vợ chồng tôi phải gửi con ở nhà trẻ tư thục”.

Đồng cảnh ngộ, chị Phạm Thị Lan (SN 1990, quê Quảng Bình, ngụ phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ), CN KCN Hòa Cầm, lựa chọn gửi con cho người dân ở gần khu trọ trông nom vì chi phí vừa sức mình.  

Trong khi đó, chị Trịnh Thị Hồng (SN 1989, quê Quảng Trị, ngụ phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, CN KCN Đà Nẵng) phải gửi cả hai con về quê nhờ cha mẹ chăm sóc. “Tôi vừa sinh bé thứ hai được 8 tháng. Các trường mầm non công lập không nhận trẻ ở độ tuổi này, mà gửi con ở các cơ sở trông trẻ tự phát thì vợ chồng tôi không yên tâm. Mặc dù nhớ con còn nhỏ đã phải xa cha mẹ, nhưng chúng tôi quyết định gửi con về quê nhờ ông bà lớn tuổi nuôi giùm. Con trai đầu của chúng tôi hiện 5 tuổi cũng đang sống cùng ông bà”, chị Hồng rớm nước mắt nói.

Chủ tịch LĐLĐ quận Liên Chiểu Lê Trọng Nguyên trăn trở: “Hiện nay, các trường mầm non công lập không đủ điều kiện nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi và triển khai giữ trẻ ngoài giờ (thêm giờ và thứ bảy, chủ nhật) cho con em CNLĐ. Trên thực tế, nhu cầu gửi trẻ từ nhỏ với thời gian linh hoạt của CNLĐ là rất bức xúc”.

Đầu tư xây dựng nhiều trường mầm non

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đình Vĩnh, năm học 2017-2018, trên địa bàn thành phố có 209 trường mầm non và mẫu giáo, trong đó 71 trường công lập, 1 trường dân lập, 137 trường tư thục. Như vậy, trường mầm non ngoài công lập chiếm tỷ lệ 63%. So với cùng kỳ năm học 2016-2017, tăng 24 trường mầm non (2 trường công lập và 22 trường tư thục).

Ngoài ra, Đà Nẵng có 1.088 nhóm lớp độc lập tư thục (ĐLTT) mầm non, trong đó nhóm lớp ĐLTT từ 8-50 trẻ là 665, nhóm lớp ĐLTT dưới 7 trẻ là 423  nhóm. So với cùng kỳ năm học 2016-2017, giảm 19 nhóm.

“Công tác xã hội hóa giáo dục mầm non được đẩy mạnh, tạo sự đa dạng các loại hình trên địa bàn thành phố với tỷ lệ cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập 63%, cao nhất cả nước. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, các cơ sở giáo dục mầm non đã góp phần giải quyết và đáp ứng phần lớn nhu cầu gửi con đến trường, lớp mầm non của người dân lao động trên địa bàn”, ông Vĩnh nhận định.

Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, công tác đầu tư xây dựng trường mầm non ở KCN và KCX được thành phố quan tâm đẩy mạnh. Tại quận Liên Chiểu, tháng 5-2016, UBND thành phố tiếp nhận dự án Trung tâm chăm sóc giáo dục mầm non OneSky - Đà Nẵng do tổ chức Half the Sky Foundation (Mỹ) tài trợ với tổng kinh phí gần 70 tỷ đồng.

Năm học 2017-2018, Trung tâm hoạt động và thu nhận 238 trẻ chủ yếu là con CNLĐ các KCN tại Liên Chiểu có độ tuổi từ 6 tháng đến 72 tháng. Tổng chi phí sinh hoạt, ăn uống của mỗi trẻ tại trường là 4,7 triệu đồng/tháng, nhưng phụ huynh chỉ phải đóng 800.000 đồng/trẻ/tháng, số tiền còn lại do tổ chức Half the Sky Foundation tài trợ.

 Song song đó, Công ty TNHH Bạch Hải đầu tư 20 tỷ đồng xây dựng Trường mầm non Nốt Nhạc Xanh ở đường Lạc Long Quân (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) với cơ sở hạ tầng hiện đại. Tại quận Sơn Trà, UBND thành phố đầu tư xây dựng cơ sở đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc (thuộc Trường mầm non Rạng Đông, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nhằm tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp dành cho con CNLĐ.

Bên cạnh công tác xã hội hóa về giáo dục mầm non, UBND thành phố phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN, KCX đến năm 2020” nhằm phát triển nhóm lớp ĐLTT, góp phần hỗ trợ nữ CNLĐ làm việc tại các KCN, KCX có con dưới 36 tháng tuổi.

UBND thành phố giao Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố chủ trì triển khai kế hoạch này. Chủ tịch Hội LHPN thành phố Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, theo kết quả khảo sát 183 nhóm lớp trong KCN, KCX trên địa bàn quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang, có 60 nhóm lớp ĐLTT có trên 50% trẻ có mẹ là công nhân KCN, KCX có nhu cầu sửa chữa, trang bị cơ sở vật chất.

Trong 2 năm 2015 và 2017, Hội LHPN đã hỗ trợ 60/60 nhóm lớp ĐLTT với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng để cải tạo khu vực rửa tay cho trẻ, sửa chữa nhà vệ sinh, bếp ăn, trang bị đồ chơi, đồ dùng, học liệu.

Trước nhu cầu nhà trẻ cho con CNLĐ, UBND thành phố xây dựng trường mầm non công lập tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) và cấp giấy phép xây dựng cho 5 tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng 4 trường mầm non tư thục với trị giá gần 40 tỷ đồng, phục vụ trông dạy trẻ cho CNLĐ các KCN. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã hướng dẫn 2 nhóm lớp ĐLTT tại phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) nâng cấp xây dựng thành 2 trường mầm non tư thục.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Hội LHPN thành phố xây dựng kế hoạch giám sát hoạt động của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ĐLTT trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2021 để theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá, kiến nghị nhằm tác động đối với cơ quan, tổ chức về việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; phòng ngừa xâm hại trẻ em tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ĐLTT trên địa bàn.

Có thể thấy, thành phố đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng nơi giữ trẻ cho con CNLĐ. Tuy nhiên, áp lực về nhà trẻ cho con CNLĐ vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Theo bà Hà, 6/6 KCN hiện chưa có hệ thống nhà trẻ dành riêng cho CNLĐ đang làm việc tại KCN nên 100% CNLĐ phải gửi con ở nhà trẻ nằm ven các KCN.

Điều này làm ảnh hưởng đến thời gian, tâm lý, sức khỏe, hiệu quả lao động của CNLĐ, nhất là nữ CNLĐ. Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Vĩnh cũng nhìn nhận, vấn đề nhà trẻ cho con CNLĐ còn nhiều trăn trở do cơ sở hạ tầng của một số trường mầm non công lập tại địa bàn có KCN, KCX xuống cấp, phòng học không đủ đáp ứng nhu cầu gửi trẻ từ 6 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi.

Ông Vĩnh cho biết sẽ tiếp tục tham mưu các cấp và kêu gọi các tổ chức phi chính phủ đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới trường lớp mầm non công lập để đáp ứng yêu cầu về tuyển sinh trẻ nhà trẻ ra lớp trong các trường mầm non công lập.

KHA MIÊN - LAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.