Tác phẩm tham gia "Giải Búa liềm vàng 2018"

Đề án 922: Được và mất

.

Sau gần 15 năm triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922), Đà Nẵng đạt được những kết quả nhất định trong công tác đào tạo nhân tài, góp phần trẻ hóa, làm chuyển biến về chất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố.

Nhiều học viên sau quá trình rèn luyện, công tác được bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng. Tuy nhiên, Đề án 922 bộc lộ những bất cập cần điều chỉnh để mang lại hiệu quả cao hơn.

Bài 1: Nhân lực chất lượng cao góp sức xây dựng thành phố

Đề án 922 góp phần quan trọng để đội ngũ cán bộ ngày càng được trẻ hóa, hình thành đội ngũ cán bộ có trình độ, có năng lực, dám nghĩ, dám làm. Đây chính là quả ngọt mà đề án mang lại.

Học viên Đề án 922 có nhiều đóng góp tích cực vào thành tích chung của cơ quan, đơn vị, có nhiều sáng kiến, cải tiến mới, lan tỏa tác phong làm việc năng động, chuyên nghiệp. TRONG ẢNH: Lê Hoàng Phúc (ngoài cùng, bên phải), Phó trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố trong vai trò liên lạc của đoàn đại biểu Papua New Guinea tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Học viên Đề án 922 có nhiều đóng góp tích cực vào thành tích chung của cơ quan, đơn vị, có nhiều sáng kiến, cải tiến mới, lan tỏa tác phong làm việc năng động, chuyên nghiệp. TRONG ẢNH: Lê Hoàng Phúc (ngoài cùng, bên phải), Phó trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố trong vai trò liên lạc của đoàn đại biểu Papua New Guinea tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Người trẻ trong bộ máy công quyền

Lê Hoàng Phúc (sinh năm 1987), Phó trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng thành phố là học viên Đề án 922 theo diện đào tạo bậc đại học. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Hành chính học, Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở thành phố Hồ Chí Minh năm 2009, Lê Hoàng Phúc được bố trí công tác tại Phòng Quản lý văn thư, lưu trữ, Sở Nội vụ thành phố với vai trò chuyên viên.

Nhờ sự cố gắng, nỗ lực và hết mình trong công việc, từ năm 2010 đến 2015, Lê Hoàng Phúc được tin tưởng bổ nhiệm giữ chức Phó phòng Cải cách hành chính (CCHC) rồi Phó Chánh Văn phòng Sở Nội vụ.

Với tố chất ham tìm tòi học hỏi không ngừng nghỉ, tháng 8-2015, Phúc giành học bổng bậc Thạc sĩ Hành chính công tại Trường Hành chính công và Môi trường thuộc Đại học Indiana, Mỹ.

Tốt nghiệp, trở về công tác tại Sở Nội vụ và trải qua một quá trình nỗ lực thể hiện năng lực nổi trội, tháng 5-2018, Lê Hoàng Phúc được bổ nhiệm Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố. Lê Hoàng Phúc chia sẻ, ngay từ những ngày đầu tham gia với tư cách là một học viên Đề án 922, anh luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc học tập cũng như công việc sau này.

“Học viên Đề án 922 được xem là những cán bộ nguồn của thành phố, do đó mình luôn tự nhủ phải cố gắng, nỗ lực, cống hiến hết mình trong công việc, đem tri thức học hỏi được áp dụng vào công việc thực tiễn, phục vụ đắc lực cho công việc chung của đơn vị cũng như là cơ hội để mình chứng minh năng lực bản thân thông qua những việc làm cụ thể”, Lê Hoàng Phúc tâm sự.

Trong chuyên môn, chàng trai vừa bước qua tuổi 30 đã có 14 cải tiến được Hội đồng khoa học Sở Nội vụ công nhận. Nổi bật là các nghiên cứu cải tiến chế độ báo cáo công tác CCHC theo hình thức văn bản sang hình thức báo cáo trực tuyến qua mạng áp dụng thực hiện năm 2011; phần mềm theo dõi, đánh giá kết quả CCHC trực tuyến; bộ tiêu chí đánh giá công chức tiếp nhận và trả kết quả của các đơn vị, bộ tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với dịch vụ hành chính công của các cơ quan đơn vị.

Nhờ những sáng kiến nổi bật trong quá trình công tác, Lê Hoàng Phúc được Chủ tịch UBND thành phố tặng 3 Bằng khen. Đặc biệt, trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Lê Hoàng Phúc là một trong những liên lạc viên tích cực của sự kiện, được Bộ Ngoại giao tặng Bằng khen vì có những đóng góp tích cực vào thành công của Năm APEC 2017.

Còn chị Phan Minh Diệu Hằng, công tác tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), là học viên Đề án 922 được đào tạo sau đại học với chuyên ngành Quản lý các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trường Đại học Lumière Lyon 2 (Pháp). Nhờ năng nổ, hết mình trong công việc mà sau thời gian dài công tác, Phan Minh Diệu Hằng được cấp trên tin tưởng giao giữ chức vụ Phó phòng Đăng ký kinh doanh của Sở KH&ĐT.

“Là học viên Đề án 922 nên trách nhiệm có phần lớn lao hơn vì được cử đi đào tạo theo nguồn ngân sách. Do đó, bản thân tôi phải có ý thức nỗ lực, cống hiến nhiều hơn”, Diệu Hằng tâm sự.

Lê Hoàng Phúc hay Phan Minh Diệu Hằng là 2 trường hợp điển hình trong số 60 học viên thuộc Đề án 922 sau thời gian phấn đấu, nỗ lực đã được bổ nhiệm cán bộ quản lý ở cấp phòng trở lên. Trong hệ thống công quyền của thành phố hiện nay, có thể kể đến nhiều cán bộ quản lý là học viên Đề án 922 như: anh Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch; chị Lê Thị Ái Diệp, Trưởng phòng Quản lý cơ sở du lịch của Sở Du lịch; chị Nguyễn Thị Liễu Hạnh, Phó phòng Quản lý tài nguyên và môi trường thuộc Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng...

Có thể khẳng định, đội ngũ cán bộ trẻ, nhất là những học viên Đề án 922 đã và đang từng bước trở thành lực lượng nòng cốt, đóng góp tích cực vào thành tích chung của cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố trong những năm qua.

Đồ họa: MAI ANH
Đồ họa: MAI ANH

Quả ngọt từ chính sách thu hút nhân tài

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX (nhiệm kỳ 2010-2015) nêu rõ, công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 5 hướng đột phá chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đã có những bước đi hết sức cụ thể để từng bước tạo ra đội ngũ nhân lực có chất lượng và có khả năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công việc ở đa dạng lĩnh vực của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Xác định tầm quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ, từ năm 2004, thành phố sớm triển khai các chương trình: “Dự án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước dành cho học sinh các trường THPT trên địa bàn TP. Đà Nẵng” (Đề án 47) và “Đề án đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài” (Đề án 393).

Sau quá trình triển khai, thành phố tiếp tục rà soát, điều chỉnh một số nội dung và tích hợp cả hai Đề án 47 và 393 thành Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922).

Theo bà Dương Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (TTPTNNLCLC), qua đánh giá và khảo sát của Trung tâm tại các cơ quan, đơn vị, Đề án 922 tác động tích cực đối với môi trường làm việc tại cơ quan dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

“Đề án tạo môi trường làm việc năng động do đã bổ sung nguồn cán bộ trẻ có năng lực, có phong cách làm việc hiện đại và có ý chí tiến thủ, tạo không khí phấn đấu làm việc chung trong cơ quan nhờ các học viên Đề án phấn đấu làm việc để chứng minh năng lực.

Bên cạnh đó, sự thành thạo ngoại ngữ và công nghệ thông tin của học viên Đề án đã tạo ra những tác động tích cực đến môi trường làm việc, giúp cơ quan trong việc mở rộng các mối quan hệ quốc tế, khai thác thông tin”, bà Hằng cho biết.

Chỉ riêng tại Sở KH&ĐT, hiện có 10 học viên Đề án 922 đang công tác và có những đóng góp rất thiết thực trong công việc chuyên môn.

Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Văn Sơn khẳng định: “Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong thực thi công vụ và ý thức kỷ luật của các học viên Đề án 922 là rất tốt. Đặc biệt, khả năng thích nghi và trình độ ngoại ngữ rất vượt trội, nhiều học viên đã có các đề xuất, giải pháp, sáng kiến trong quá trình tham mưu, góp phần nâng cao hiệu quả công việc ở cơ quan”. Ở các đơn vị khác như:

Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản-Nhi..., các học viên Đề án 922 đóng góp tích cực để phát triển đơn vị.  

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng, đến tháng 6-2018, thành phố đã cử 616 người đi học theo Đề án 922 với kinh phí khoản 680 tỷ đồng. Trong đó, 128 học viên đào tạo bác sĩ và bác sĩ nội trú, 368 học viên bậc đại học, 89 học viên bậc sau đại học, 29 học viên đào tạo 2 bậc theo Đề án 922 và có 2 học viên đào tạo 3 bậc theo đề án này.

“Đến nay, số lượng học viên Đề án 922 đang công tác tại các cơ quan, đơn vị là 380 người. Qua thực tiễn công tác đã có 207 học viên được tuyển dụng vào công chức viên chức, 88 học viên được kết nạp Đảng, 60 học viên được bổ nhiệm cán bộ quản lý. 44 học viên được bổ nhiệm quản lý cấp phòng hoặc tương đương, 16 học viên hiện giữ chức vụ phó giám đốc sở hoặc tương đương trở lên”, ông Võ Ngọc Đồng cho biết.

Bài và ảnh: QUỐC KHẢI

;
.
.
.
.
.
.