Khó khăn di dời mồ mả ra khỏi khu dân cư

.

Những năm qua, thành phố đã nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện chủ trương di dời mồ mả ra khỏi các khu dân cư (KDC), nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, công tác này đang vấp phải không ít khó khăn do thiếu quỹ đất bố trí mồ mả sau khi giải tỏa.

Phường Hòa Quý là một trong những địa phương còn nhiều mồ mả nằm xen kẽ khu dân cư của quận Ngũ Hành Sơn. Trong ảnh: Một góc khu nghĩa trang với hàng ngàn ngôi mộ nằm sát bên ven đường Võ Chí Công (phường Hòa Quý).
Phường Hòa Quý là một trong những địa phương còn nhiều mồ mả nằm xen kẽ khu dân cư của quận Ngũ Hành Sơn. Trong ảnh: Một góc khu nghĩa trang với hàng ngàn ngôi mộ nằm sát bên ven đường Võ Chí Công (phường Hòa Quý).

Hàng ngàn ngôi mộ trong khu dân cư

Với tốc độ đô thị hóa rất nhanh, các quận như Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu… đang trở thành những khu đô thị đông dân cư, cơ sở hạ tầng được đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ. Tuy nhiên, do địa bàn các quận này trước đây là vùng ngoại thành nên vẫn còn tồn tại hàng chục nghĩa trang, nghĩa địa với hàng ngàn ngôi mộ nằm xen kẽ trong các KDC.

Theo thống kê của quận Ngũ Hành Sơn, hiện vẫn còn hàng ngàn ngôi mộ nằm xen kẽ trong các KDC trên địa bàn quận; trong đó chưa kể đến vài ngàn ngôi mộ nằm ở khu nghĩa trang Hòa Quý và những khu nghĩa trang dòng tộc (phường Hòa Quý).

Bà Nguyễn Thị Cúc, Tổ trưởng tổ 20, phường Hòa Quý cho biết: Những ngôi mộ nằm xen kẽ KDC đã có từ lâu, dần dà nhà cửa mọc lên nhiều, chen chúc quanh các ngôi mộ. Người dân đã kiến nghị chính quyền các cấp sớm di dời mồ mả ra khỏi KDC, nhưng chưa được giải quyết.

Tương tự, hai bên đường Võ Chí Công thuộc địa bàn phường Hòa Quý có khu nghĩa trang với vài ngàn ngôi mộ. Việc an táng người mới qua đời ở các nghĩa trang cũ trên địa bàn phường đã bị cấm nhằm thực hiện chủ trương của thành phố di dời mồ mả ra khỏi KDC nhưng không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Tại quận Liên Chiểu đang tồn tại hàng ngàn ngôi mộ nằm xen kẽ KDC. Ông Võ Khoa Nguyên, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cho biết, hiện trên địa bàn phường có hơn 1.000 ngôi mộ nằm lẫn trong các KDC, tập trung nhiều nhất ở các khu vực Đà Sơn, Chơn Tâm, Khánh Sơn… thuộc dự án ga đường sắt Đà Nẵng.

Từ năm 2016, UBND phường Hòa Khánh Nam đã tiến hành kiểm đếm, xác nhận nhân thân của các ngôi mộ trên địa bàn, chủ quyền sử dụng đất nơi có mộ là của dân hay đất nghĩa trang, đồng thời tăng cường giám sát, quản lý không để phát sinh mộ mới, nâng cấp mộ hoặc công trình kiến trúc xây thêm.

Theo quy định, những khu vực thuộc dự án đã có quy hoạch thì được giao dự án triển khai di dời mộ, khu vực  chỉnh trang do thành phố trực tiếp  xử  lý. Nhưng đến nay việc di dời mồ mả ra khỏi KDC vẫn chưa được thực hiện như lộ trình đề ra.

Không những việc di dời mồ mả ra khỏi các KDC gặp khó khăn, mà ngay cả việc giải tỏa các nghĩa trang, nghĩa địa cũ nằm xen lẫn trong KDC đã được quy hoạch làm dự án cũng vấp phải khó khăn, trở ngại.

Đơn cử như, dự án giải tỏa nghĩa trang chùa Bát Nhã, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) đã được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch từ năm 2013 đến nay vẫn chưa thực hiện xong, khiến người dân bức xúc.

Theo Chánh Văn phòng UBND quận Liên Chiểu Đặng Công Chúng, để thực hiện dự án KDC Xuân Thiều thì phải thu hồi tổng diện tích đất lên đến gần 16.000m2; trong đó có 4 ngôi nhà, 6 móng nhà, 1 miếu xóm, gần 1.000 ngôi mộ xây và 200 ngôi mộ đất của nghĩa trang chùa Bát Nhã.

“Hiện nay, việc thưc hiện di dời mồ mả tại khu nghĩa trang này đang được thực hiện, nhưng do vướng mắc ở nhiều khâu nên tiến độ thực hiện di dời rất chậm”, ông Chúng cho hay.

Cần tầm nhìn dài hạn

Trong gần 3 năm trở lại đây, quận Ngũ Hành Sơn đã vận động nhân dân thực hiện di dời được 937 ngôi mộ ra khỏi KDC. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn nhất trong việc di dời mồ mả ra khỏi KDC là thiếu quỹ đất bố trí cho các ngôi mộ sau khi được di dời.

Ông Nguyễn Kim, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, việc vận động người dân di dời mộ ra khỏi KDC để chuyển đến khu vực mới đã được thành phố quy hoạch là điều không khó. Cái khó ở đây là cần có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân có mộ ở KDC cũng như bố trí khu đất để di dời các ngôi mộ này đến.

Cùng quan điểm, ông Đặng Công Chúng cho rằng: Việc di dời mồ mả đâu phải nói là làm được ngay. Muốn di dời phải kiểm định, áp giá đền bù cũng như hỗ trợ cho người dân trong công tác di dời. Ngoài ra, còn phải làm việc với Ban quản lý nghĩa trang xem còn đất hay không để bố trí di dời mồ mả đến.

Theo ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố, hiện toàn thành phố có hơn 700ha đất nghĩa trang, nghĩa địa; trong đó có hơn một nửa diện tích đất do Ban quản lý nghĩa trang quản lý, diện tích đất còn lại hơn 130 nghĩa trang, nghĩa địa tự phát (chiếm khoảng 350ha đất).

Để đáp ứng nhu cầu chôn cất của người dân trong thời gian đến, thành phố đã quy hoạch 150ha đất; tiếp đó đến năm 2030, thành phố sẽ phải quy hoạch khoảng 230ha đất nữa. Như vậy, nếu tính đến năm 2030, tổng diện tích nghĩa trang được quy hoạch của thành phố là gần 1.200ha.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay, Hà Nội có đến 30% áp dụng hình thức hỏa táng người qua đời. Tại Nhật Bản, tỷ lệ này là 99%, Hàn Quốc là 80%. Trong khi đó, tỷ lệ hỏa táng tại Đà Nẵng chỉ đạt khoảng 5%. Cứ đà này trong những năm tới thành phố Đà Nẵng sẽ không còn đủ đất để chôn cất người mất.

Để giải bài toán này, ông Vũ Quang Hùng đề nghị thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng hình thức hỏa táng người thân qua đời.

Bên cạnh đó, thành phố cần sớm quy hoạch, xây dựng các nghĩa trang hoạt động theo mô hình xã hội hóa đáp ứng nhu cầu di dời mồ mả ra khỏi KDC và đáp ứng nhu cầu chôn cất người qua đời.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.
.