Lo ngập úng, sạt lở đất từ các công trình

.

Mùa mưa bão đang đến gần, người dân ở vùng ven của thành phố lại đối mặt với những nỗi lo bị ngập úng, ngập lũ và sạt lở đất do bất cập hạ tầng, thi công các công trình...

Người dân đề nghị sớm xây dựng cầu hoặc đường trên cống kiên cố thay các tuyến đường tạm nối từ các khu tái định cư tại xã Hòa Liên với đường Nguyễn Tất Thành nối dài.
Người dân đề nghị sớm xây dựng cầu hoặc đường trên cống kiên cố thay các tuyến đường tạm nối từ các khu tái định cư tại xã Hòa Liên với đường Nguyễn Tất Thành nối dài.

Cứ gần đến mùa mưa lũ, người dân ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) lại lo lắng với tình trạng đất, đá từ công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo nước mưa chảy xuống đường ĐT 601 và tràn vào nhà dân, nhất là người dân ở hạ lưu cầu Km64 thuộc tổ 4, thôn Quan Nam 3. Đáng ngại hơn, ngay phía cầu Km64, do khoét sâu vào đồi núi để làm đường nên có nguy cơ sạt lở đất nghiêm trọng. Bà Ngô Thị Định (người dân ở tổ 4, thôn Quan Nam 3) nói: “Cứ có trận mưa lớn là nhiều đất, đá và nước mưa chảy xuống, bồi lấp đường và trôi vào nhà dân. Tình trạng này đã xảy ra mấy năm nay, kể từ khi thi công cầu, nhưng lo nhất là quả núi có nguy cơ bị sạt lở nặng”.

Nhiều người dân ở các khu tái định cư (TĐC) 2, 3 và 4 của xã Hòa Liên cũng lo lắng về tình trạng ngập nước và đường sá lầy lội vào mùa mưa. Hiện nay, nhiều tuyến đường ở các khu TĐC vẫn chưa được thảm bê-tông nhựa, còn các đường tạm nối các khu TĐC với đường Nguyễn Tất Thành nối dài vẫn là đường đất và là nơi thoát lũ về cánh đồng chậm giải tỏa. “Tại các khu TĐC, có nhiều nhà dân xây dựng và nhiều người đi làm, chở con đi học ra hướng đường Nguyễn Tất Thành. Đề nghị thành phố sớm xây dựng cầu hoặc đường trên cống qua các đường tạm đó vì mùa mưa đường lầy lội, nhiều xe máy bị mắc lầy và nước lũ chảy qua, rất nguy hiểm”, bà Nguyễn Thị Hòa (người dân Khu TĐC Hòa Liên 3) đề nghị.

Trong khi đó, người dân ở các thôn La Bông, Lệ Sơn Bắc (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) lại lo lắng vì trước đây lũ dâng lên quá nhanh do tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chắn ngang hành lang thoát lũ tự nhiên và quy nạp các hướng thoát lũ vào một số cầu, cống. Lũ dâng lên nhanh làm người dân không kịp kê cao đồ đạc, thóc gạo và di chuyển vật nuôi, cũng như chuẩn bị sẵn thức ăn, nước uống. “Trước đây, khi lũ về ngập các cánh đồng thì mất nửa ngày mới dâng lên đến trước sân nhà. Nhưng trong 2 mùa lũ năm 2016 và 2017, mới thấy lũ về cánh đồng thì khoảng 3 giờ sau là tràn vào nhà. Nhiều gia đình di dời đàn vật nuôi lên cao xong là nước ngập sâu, không kịp chạy đi mua thức ăn, nước uống dự trữ”, ông Phan Công Lãng (thôn La Bông, xã Hòa Tiến) cho biết.

Trước tình hình này, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án các công trình xây dựng, hạ tầng kỹ thuật có phương án chủ động phòng chống bão, lũ.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Hòa Vang, những năm gần đây, công tác theo dõi, giám sát và triển khai các biện pháp ứng phó với các hiện tượng thiên tai gặp những khó khăn nhất định, trong đó có nguyên nhân là sự thay đổi lớn về địa hình do xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường ADB 5 (đường Hòa Tiến - Hòa Phong), đường vành đai phía nam thành phố (đường Hòa Phước - Hòa Khương)...

Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang thông tin, đến nay huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị Công ty CP Trung Nam, Ban quản lý Khu Công nghệ cao, Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên và các ban quản lý dự án đang triển khai các dự án đầu tư xây dựng, hạ tầng - kỹ thuật trên địa bàn huyện lập phương án phòng chống bão, lũ chi tiết đối với các công trình để phục vụ chỉ đạo ứng phó với tình huống; đồng thời, có biện pháp bảo đảm thoát nước trong mùa mưa bão.

Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố cho hay: “Đối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, sở đã kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chỉ đạo các cơ quan liên quan yêu cầu Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các cơ quan chuyên môn xem xét, đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước, khả năng thoát lũ tại tuyến đường cao tốc này để có giải pháp khắc phục hiệu quả, hạn chế tối đa tình trạng ngập lụt do việc thu hẹp, chắn ngang các tuyến hành lang thoát lũ tự nhiên tại địa phận Đà Nẵng”.

Bài và ảnh: NAM TRÂN

;
.
.
.
.
.
.