Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngũ Hành Sơn là quận được đầu tư về phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại của thành phố. Quận đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể hóa các chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; từ đó tạo sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ du lịch, thương mại trong cơ cấu kinh tế của quận.
Đá mỹ nghệ Non Nước đã khẳng định được vị trí sản phẩm chủ lực mang tính đặc thù của địa phương. |
Qua các kỳ Đại hội, Đảng bộ quận Ngũ Hành Sơn đặt ra mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, công nghiệp và tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ, du lịch, thương mại; trong đó phấn đấu ngành du lịch tăng bình quân 30%/năm. Tiếp đó, thực hiện Kết luận số 02-KL/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng và phát triển quận Ngũ Hành Sơn, quận đưa ra mục tiêu hằng năm ngành dịch vụ du lịch tăng bình quân từ 32 - 34%. Để đạt được mục tiêu đó, quận Ngũ Hành Sơn triển khai nhiều giải pháp khuyến khích đầu tư cho du lịch biển, khai thác triệt để lợi thế Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn; kiến nghị thành phố có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển du lịch.
Đến nay, nhiều dự án đầu tư du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao được đưa vào hoạt động. Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn được trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục đáp ứng nhu cầu của khách tham quan; nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm là một trong những lễ hội cấp quốc gia, tạo nên sản phẩm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách. Năm 1997, chỉ có 150.000 lượt du khách tham quan Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn với doanh thu gần 2 tỷ đồng; trong 2 năm 2016 và 2017 đã có gần 3,8 triệu lượt khách đến tham quan điểm du lịch này (trong đó có hơn 2 triệu lượt khách nước ngoài), mang lại nguồn doanh thu 141,79 tỷ đồng. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2018, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đón trên 1,2 triệu lượt khách (trong đó có gần 800.000 lượt khách nước ngoài), thu ngân sách trên 42,803 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch, lượng khách tăng 35% so cùng kỳ năm 2017. Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho hay, mục tiêu đến cuối năm 2018, khu danh thắng này thu hút hơn 1,5 triệu lượt du khách; đóng góp nguồn thu 65 tỷ đồng cho quận, tăng khoảng 13 tỷ đồng so với năm 2017.
Đến nay, nhiều dự án lớn đồng loạt triển khai trên địa bàn, nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp được hình thành ven biển. Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước hiện có hơn 20 doanh nghiệp và gần 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn, nhỏ đang hoạt động, cho ra những sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương. Giá trị sản xuất hằng năm đạt khoảng 200 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 4.500 lao động/năm.
Số lượng doanh nghiệp, hộ cá thể, quy mô sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thương mại tăng lên đáng kể, đưa tổng giá trị sản xuất giai đoạn 2006-2015 đạt gần 4.200 tỷ đồng và đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quận. Trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị ngành dịch vụ du lịch, thương mại đạt 992,17 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 71,4% cơ cấu kinh tế của quận.
Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, ngành Du lịch của quận đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ là chưa có sức hút níu giữ chân du khách dài ngày ở ba nhu cầu chính là “xem-nghỉ-chơi”. Thời gian đến, quận sẽ tập trung mọi nguồn lực thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án, làm tốt công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch tiến tới hoàn thành chương trình phát triển đô thị Ngũ Hành Sơn. Đồng thời, quận tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm du lịch, bảo đảm môi trường trong sạch; tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo đà cho kinh tế-xã hội phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu xây dựng quận Ngũ Hành Sơn sớm trở một trung tâm dịch vụ, du lịch của Đà Nẵng.
Bài và ảnh: THANH LÀI