Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Lạm phát trong tầm kiểm soát Chính phủ

.

Ngày 28-9, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã họp, đánh giá kết quả điều hành giá chín tháng năm 2018 và dự kiến các kịch bản điều hành giá những tháng còn lại của năm 2018.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Điều hành giá bám sát thực tiễn, tăng tính dự báo, chủ động

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy trước diễn biến tình hình quốc tế còn tiềm ẩn nhiều bất lợi như leo thang chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, căng thẳng giữa Mỹ-Iran, khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ hay diễn biến giá xăng dầu tiếp tục lên cao ảnh hưởng không chỉ lạm phát trên thế giới mà còn đến mặt bằng giá trong nước, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động trong công tác phối hợp điều hành, tính toán kịch bản chỉ số giá phù hợp, kịp thời đề xuất các giải pháp ứng phó cho Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá để ổn định mặt bằng giá cả trong nước, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Lạm phát bình quân chín tháng chỉ tăng 3,57% so với bình quân của năm 2017, riêng lạm phát cơ bản của tháng Chín chỉ tăng 0,14% so với tháng trước và lạm phát cơ bản bình quân chín tháng năm 2018 tăng 1,41% so với mục tiêu đặt ra là 1,6-1,8%.

Trong tình hình biến động của thế giới, căng thẳng thương mại liên quan tới một số thị trường lớn của Việt Nam, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu, xảy ra đứt gãy một số chuỗi cung ứng, những kết quả điều hành trên là rất tích cực, vừa bảo vệ sản xuất trong nước, vừa ổn định thị trường.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, công tác quản lý, điều hành giá tháng 9 và 9 tháng năm 2018 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo và được Ban Chỉ đạo điều hành giá quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, bám sát thực tiễn, tăng tính dự báo, tính chủ động. Diễn biến của lạm phát tháng 9 và 9 tháng cơ bản trùng khớp với dự báo từ đầu năm.

Các bộ, cơ quan, địa phương chủ động áp dụng nhiều giải pháp từ bình ổn, kiểm soát giá cả, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm chi phí của nền kinh tế nên tháng 9 và 9 tháng qua đạt kết quả tích cực trong việc kiểm soát lạm phát. Chỉ số CPI của tháng 9 - dù là tháng cao điểm trong mùa tuyển sinh, khai giảng năm học mới, áp lực tăng học phí, giá các đồ dùng, dụng cụ giảng dạy học tập, kết hợp với giá dầu thế giới tăng cao nhưng chỉ tăng 0,59% so với tháng trước, thấp hơn so với dự báo (0,6-0,7%).

Vừa điều hành xăng dầu cơ bản theo thị trường, vừa điều hành giá dịch vụ công theo thị trường, cộng với biến động của giá thế giới và thiên tai mưa lũ diễn biến phức tạp mà kiểm soát CPI ở mức 0,59% là thành công lớn, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Phó Thủ tướng đánh giá cao tổ điều hành xăng dầu của Bộ Công Thương và liên bộ, cho rằng những kết quả trên đã góp phần ổn định và tăng cường thêm cho kinh tế vĩ mô, đảm bảo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh và tăng trưởng, ở mức 6,98% trong 9 tháng năm 2018. “Lạm phát chỉ 3,7% là lý tưởng lắm rồi,” Phó Thủ tướng nói.

Thay mặt Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các bộ, ngành đã điều hành trách nhiệm, sâu sát, khoa học, uyển chuyển, đặc biệt là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, Tổng cục Thống kê; đề nghị các bộ có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời các cá nhân trong Ban Chỉ đạo và Tổ điều hành giá.

“Diễn biến lạm phát tuy còn có thách thức nhưng trong tầm kiểm soát của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội là dưới 4%, một trong hai chỉ tiêu kinh tế xã hội mà Quốc hội giao cho Chính phủ quyết tâm và đã, đang hoàn thành tốt,” theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu

Phó Thủ tướng nhận định việc điều hành chỉ số giá các tháng còn lại có yếu tố thuận lợi là đi đúng hướng kịch bản đã xây dựng. Tuy nhiên, có những nhân tố tiếp tục phải theo dõi, cập nhật, nhất là giá cả thế giới, đặc biệt giá dầu đứng ở mức cao, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực, không để xảy ra lạm phát kỳ vọng. Mục tiêu giữ lạm phát ở khoảng 3,7-3,95%.

Về giải pháp chung, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, các tỉnh thành phố cần theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas, đặc biệt là ở thời điểm lễ Giáng sinh, Tết dương lịch, thiên tai, bão lũ để có giải pháp điều hành phù hợp và chuẩn bị các nguồn cung kịp thời để hạn chế tăng giá, điều hòa cung cầu. Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá, điều hành lạm phát cơ bản trong khoảng 1,5-1,6%.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương, Tài chính tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, nhất là vào mùa rét, sử dụng Quỹ bình ổn giá một cách phù hợp trên cơ sở Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI nói chung. Sớm nghiên cứu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng sinh học E5, phấn đấu tăng tỷ trọng sử dụng nhiên liệu sinh học so với tổng lượng cung xăng dầu ra thị trường, đáp ứng hai mục tiêu: làm môi trường trong lành hơn và mặt bằng giá xăng dầu giảm đi. Trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến và tỷ giá tăng cao, có thể sử dụng Quỹ bình ổn giá và ngừng trích lập quỹ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh điều hòa cung cầu đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là thịt lợn hơi; phối hợp Bộ Công Thương có giải pháp bình ổn giá thực phẩm thành phẩm, khắc phục tình trạng mất cân đối cục bộ, tâm lý kỳ vọng, găm hàng không bán như hiện nay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần theo dõi sát dịch tả lợn châu Phi đang lây lan rộng ở Trung Quốc, không để ảnh hưởng đến đàn lợn trong nước; cùng với các cơ quan hữu quan xúc tiến các thủ tục kiểm dịch động, thực vật, nhất là lương thực, thực phẩm sang các tỉnh của Trung Quốc.

Đối với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần tổ chức tốt đấu thầu thuốc tập trung trong kế hoạch 2018, sớm chuẩn bị khung khổ chính sách đấu thầu trong năm 2019, kiên quyết thí điểm đấu thầu vật tư y tế tại Bộ Y tế. Bộ khẩn trương ban hành thông tư để kết cấu chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế ngay trong năm 2018.

Với mặt hàng vật liệu xây dựng, các Bộ Công Thương, Xây dựng theo dõi sát chính sách của quốc tế và diễn biến giá cả đầu vào để điều hành sản xuất trong nước, tránh tình trạng khan hiếm hàng, đẩy giá tăng cao, ảnh hưởng đến CPI.

Với giá dịch vụ giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải kiểm soát giá của các doanh nghiệp vận tải dịp sát Tết, tránh tâm lý kỳ vọng ảnh hưởng đến giá các mặt hàng khác, cần tính đến lộ trình thu phí tự động tại các trạm BOT.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ, tiếp tục điều hòa tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước, làm cho lượng tiền được lưu thông, giảm áp lực lạm phát. Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước và hệ thống tài chính địa phương tăng cường hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời thanh toán khối lượng hoàn thành, không để dồn vào cuối năm.

Bộ Thông tin và Truyền thông bên cạnh kiểm soát giá cả của các dịch vụ do Bộ quản lý, cần tăng cường tuyên truyền, nhất là kiểm soát thông tin trên mạng, hạn chế thông tin không đúng, ảnh hưởng tâm lý người sản xuất và người tiêu dùng.

Về đánh giá và xây dựng kịch bản điều hành giá năm 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thống kê và các cơ quan đánh giá sát thực tình hình, bám sát diễn biến, trình Chính phủ kịch bản điều hành của năm 2019 với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4%, chú ý đến ba loại tác động: giá cả thị trường thế giới, điều hành của nhà nước và yếu tố thiên tai. Phó Thủ tướng lưu ý rà soát chi phí giá thành của giá điện, minh bạch, công khai cho người dân về giá đầu vào của điện.

Theo Vietnam+

 

;
.
.
.
.
.
.