Tâm nguyện của chủ tịch làng nghề đá

.

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Việt Minh (76 tuổi, ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đã 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, hiện là Chủ tịch Làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước. Hành trình phấn đấu của ông gắn liền với nghị lực, tài năng và lòng nhân ái.

Ông Nguyễn Việt Minh với nhóm tượng do ông chế tác và hướng dẫn thợ thực hiện.
Ông Nguyễn Việt Minh với nhóm tượng do ông chế tác và hướng dẫn thợ thực hiện.

Thời chống Mỹ, ông Minh là chiến sĩ Tiểu đoàn 1 Quảng Đà (mật danh R20) cùng đồng đội lập nhiều chiến công vang dội. Trong trận tấn công vào Đà Nẵng Tết Mậu Thân 1968, ông sa vào tay giặc và bị giam tại nhà tù Phú Quốc. Năm 1973, ông ra tù theo chế độ trao trả tù binh. Trở về quê hương với hai bàn tay trắng, ông Minh đi làm công kiếm sống tại các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Minh làm kế toán Hợp tác xã nghề đá mỹ nghệ Non Nước, kết hợp làm điêu khắc đá tại nhà để có thêm thu nhập. Giỏi nghề và khéo chắt chiu, tích lũy, đến năm 1986, ông mở Cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ điêu khắc Nguyễn Việt Minh trên đường Huyền Trân Công Chúa (phường Hòa Hải) với trên 600m2 nhà xưởng.

Sau đó, theo quy hoạch của thành phố, ông Minh chuyển cơ sở về Làng Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước (cũng nằm trên địa bàn phường Hòa Hải). Cơ sở ông có gần 50 lao động thường xuyên với mức lương 6–12 triệu đồng/tháng/người và hàng chục thợ học nghề miễn phí.

Người lao động được ông chăm lo đời sống, tặng quà khi kết hôn và thưởng tiền vào các dịp lễ, Tết. Những trường hợp khó khăn, đau ốm được ông thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, ông Minh đã đào tạo thành tài trên 300 lao động.

Nhiều học trò của ông trở thành chủ doanh nghiệp lớn về sản xuất - kinh doanh đá mỹ nghệ như: Nguyễn Hùng, Tôn Bảo, Nguyên Mạnh, Nguyễn Vỹ...

Trong quá trình sản xuất, ông Minh luôn tìm tòi, sáng tạo, nâng cao chất lượng mẫu mã, mỹ thuật, tạo nhiều sản phẩm mới, đặc sắc. Những sản phẩm để đời của ông như: 10 bức phù điêu tượng Phật Thích Ca tại chùa Linh Ứng Non Nước, tượng Đức Bổn Sư lộ thiên cao 27 mét tại chùa Linh Ứng Bà Nà, bộ Thập bát La Hán tại tu viện Nguyên Thiều (tỉnh Bình Định), tượng 18 vị La Hán trong sân chùa Linh Ứng Bãi Bụt...

Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm của ông Minh đã xuất khẩu sang Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Canada, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan... Với tài nghệ chế tác tinh xảo và uy tín cao, ông đã được một công ty lớn ở Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) hợp đồng làm bức tượng Thần Bảo Vệ cao 7 mét, nặng gần 20 tấn.

Những bức tượng lớn của ông Minh nặng từ 15-20 tấn, giá bán trên 1 tỷ đồng/tác phẩm. Đối với khách hàng trong nước, ông vận chuyển đến nơi và thi công hoàn chỉnh. Còn với khách nước ngoài, ông hợp đồng tàu thủy vận chuyển đến cảng biển. Nếu khách hàng nước ngoài dựng tượng bị sự cố, ông cử thợ đến xử lý chu đáo.

Bên cạnh việc sản xuất, ông Minh còn tích cực tham gia công tác địa phương với nhiều lĩnh vực như: Hội Người cao tuổi, Mặt trận, Hội Nông dân, Hội Từ thiện, đại biểu HĐND quận Ngũ Hành Sơn. Hằng năm, ông nhiệt tình ủng hộ các hoạt động nhân đạo, tình nghĩa, khuyến học khuyến tài trên địa bàn quận.

Mới đây, ông đã tài trợ xây dựng 1 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo và tặng 1 sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu đồng cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Theo Văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn, mỗi năm ông Minh ủng hộ gần 100 triệu đồng cho các hoạt động từ thiện, giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn và năm nào cũng hoàn thành nghĩa vụ thuế Nhà nước.

Tuổi cao chí càng cao, ông Minh luôn say mê tìm tòi, sáng tạo, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và tận tụy truyền nghề cho lớp trẻ. Ông đã giành huy chương vàng tại Hội chợ Expo - Đồng Nai; giải nhì về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2008.

Đặc biệt, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Trong niềm vui được chọn đi dự hội nghị Biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc, ông Minh chia sẻ: “Với cương vị Chủ tịch Làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, tôi xác định đào tạo, dạy nghề, truyền nghề cho lớp trẻ là mục tiêu quan trọng hàng đầu và đó cũng là tâm nguyện suốt bao nhiêu năm gắn bó với nghề đá mỹ nghệ”. 

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.
.