Chức vụ càng cao, càng phải nêu gương

Dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân Đà Nẵng rất quan tâm đến một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) là việc thảo luận, ban hành quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Báo Đà Nẵng ghi nhận các ý kiến đều ủng hộ cần phải ban hành quy định này với ý nghĩa cán bộ, đảng viên có chức vụ càng cao, càng phải nêu gương.

Nguyên Phó Trưởng ban tổ chức Quận ủy Sơn Trà Lê Thọ Truyền:

Nêu gương phải gắn với chế tài hành vi không gương mẫu

Nêu gương không phải là yêu cầu mới đối với cán bộ, đảng viên vì đã hình thành ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Có thể nói nêu gương là thuộc tính bẩm sinh của Đảng ta, thể hiện ở mỗi đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; nhưng kết quả vẫn còn hạn chế như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 là nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Cho nên lúc này chính là lúc cần đặt lại vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, dù đây là vấn đề không mới.

Tôi cho rằng dự thảo quy định mới về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã xác định việc nêu gương phải từ trên xuống.

Chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu đi đầu thực hiện. Tuy nhiên đây là quy định của Đảng, chủ yếu là mang tính giáo dục đảng viên. Việc giám sát đảng viên thực hiện trách nhiệm nêu gương không chỉ giáo dục mà phải gắn với ràng buộc bởi các quy định khác của Đảng, đồng thời gắn với thực hiện các chế tài luật pháp xử lý thật nghiêm minh các hành vi thiếu gương mẫu, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật.

Đại tá Nguyễn Trí Tổng, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu Quân khu 5, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố:

Nêu gương người đứng đầu để chống sự tha hóa, biến chất

Tôi cho rằng đây là quy định mới vô cùng quan trọng, thể hiện quyết tâm lớn của Đảng ta trong việc thực hiện các nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là bước đi đúng đắn và cần thiết để Đảng ta củng cố vững chắc hơn niềm tin của người dân, nhất là trước nhiều sự việc đáng tiếc về công tác cán bộ xảy ra trong thời gian gần đây.

Trong công tác xây dựng Đảng, vai trò của người đứng đầu hết sức quan trọng. Do đó, ngoài thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người đứng đầu phải giữ được vai trò trung tâm, bản thân phải trong sáng, công tác cán bộ công tâm, khách quan; thực hiện đúng nguyên tắc, quy định và có thái độ gần gũi, quan tâm với đồng chí, đồng bào.

Ngoài ra, để nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu thì việc công khai, minh bạch các vi phạm về tham nhũng, các hành vi tiêu cực (nếu có) cũng cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc để người dân biết và nắm rõ, đồng thời để cho các cấp lãnh đạo khác lấy đó làm gương.

Theo tôi, việc tổ chức thực hiện quy định này có lúc, có nơi còn thiếu quyết liệt; do đó cần xây dựng một chế tài cụ thể, bắt buộc để triển khai rộng rãi việc thực hiện quy định này đến tất cả cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh việc giám sát chặt chẽ về chức trách, quyền hạn trong thực thi công vụ của cán bộ lãnh đạo chủ chốt sẽ góp phần phòng tránh sai phạm, bài trừ triệt để sự tha hóa, biến chất.

Ông Nguyễn Văn Trình, Bí thư Chi bộ thôn Bắc An, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang:

Lãnh đạo cấp cao nêu gương để mỗi cán bộ, đảng viên đều là gương sáng

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống” và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Việc nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là cán bộ cấp cao, theo tôi sẽ có tác động trong phạm vi rộng, lan tỏa niềm tin mạnh mẽ hơn vì đó là những người có tầm ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội.

Những tấm gương sáng trong hàng ngũ cán bộ cấp chiến lược còn mang ý nghĩa thuyết phục, dẫn dắt số đông. Tuy nhiên, cán bộ cao cấp, cấp chiến lược cũng đi lên từ những cán bộ, đảng viên bình thường. Vì vậy, trách nhiệm nêu gương cũng nên được chú trọng, phát huy đồng đều để mỗi cán bộ, đảng viên đều là tấm gương sáng...

Chủ tịch Hội Tù yêu nước phường Thạc Gián Nguyễn Thị Tám:

Đội ngũ tinh hoa có ảnh hưởng mang tính quyết định

Tôi rất ủng hộ Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) sẽ thảo luận, ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Những cán bộ ở vị trí này số lượng không nhiều so với đảng viên toàn Đảng nhưng là đội ngũ tinh hoa của Đảng, có ảnh hưởng mang tính quyết định đến mức độ niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Những cán bộ ở vị trí này nêu gương tốt, sức lan tỏa, sự thuyết phục rất cao; ngược lại, nếu trong số họ có người thiếu gương mẫu, có dư luận về tiêu cực thì ảnh hưởng xấu cũng rất lớn đến niềm tin của nhân dân vào chế độ.

Theo tôi, thực hiện quy định nêu gương cần gắn với quy định nếu cán bộ bị phát hiện thiếu gương mẫu dù chưa đến mức bị kỷ luật về Đảng cũng nên từ chức, đừng để vi phạm quá nặng, phải bị xử lý pháp luật mới chịu rời chức như những trường hợp chúng ta thấy gần đây.

Nhóm phóng viên Thời sự thực hiện

;
.
.
.
.
.
.