Đà Nẵng - điểm sáng cải cách hành chính

.

LTS: Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều cách làm mới, nổi bật trong công tác cải cách thủ tục hành chính, đổi mới  phương thức cung ứng dịch vụ hành chính công, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố và cải thiện mức độ hài lòng, niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước.

Đà Nẵng nỗ lực nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử, một cửa tập trung. TRONG ẢNH: Bộ phận một cửa tập trung cấp thành phố góp phần đáng kể nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công. 						    Ảnh: TRÂM ANH
Đà Nẵng nỗ lực nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử, một cửa tập trung. TRONG ẢNH: Bộ phận một cửa tập trung cấp thành phố góp phần đáng kể nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công. Ảnh: TRÂM ANH

Bài 1: Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công

Một trong những đổi mới về cải cách hành chính (CCHC) nổi bật và có hiệu quả là cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử được triển khai có hiệu quả, đồng bộ; qua đó, góp phần thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính, hiện đại hóa nền công vụ, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch.

Từ “một cửa” đến “một cửa liên thông”

Nỗ lực nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, năm 2001, Đà Nẵng là địa phương sớm triển khai cơ chế một cửa trước khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg quy định việc triển khai cơ chế này trên toàn quốc.

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ nhận định, cơ chế một cửa tạo ra sự minh bạch, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ giải quyết hồ sơ hành chính. Cơ chế này đã tạo sự chuyển biến tích cực về tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức (CBCC) trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đối với tổ chức, công dân; từ đó, tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và xã hội, thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện các giao dịch hành chính.

Điều quan trọng hơn là củng cố được niềm tin của công dân, tổ chức vào chính quyền thành phố năng động và đổi mới vì nhân dân phục vụ.

Mặc dầu vậy, cơ chế một cửa vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Có những thủ tục liên quan đến nhiều cơ quan hành chính khiến người dân, doanh nghiệp tốn nhiều thời gian để thực hiện các giao dịch hành chính.

Nhận ra hạn chế này, năm 2006, Đà Nẵng một lần nữa tiên phong thí điểm cơ chế một cửa liên thông trên các lĩnh vực đất đai, lao động-thương binh và xã hội tại UBND phường, xã (năm 2007, cơ chế một cửa liên thông chính thức triển khai trên toàn quốc với Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg).

Cơ chế một cửa liên thông tiếp tục duy trì hiệu quả tại 100% phường, xã; 100% quận, huyện và được mở rộng đến các sở, ban, ngành theo chiều ngang lẫn chiều dọc. Những nỗ lực triển khai mô hình một cửa liên thông trên các lĩnh vực đất đai, lao động-thương binh và xã hội, đăng ký kinh doanh giúp cho người dân, doanh nghiệp giảm thời gian, giảm số lần đi lại, nhất là người dân vùng nông thôn ở xa khu vực trung tâm thành phố.

Có thể nhìn nhận, qua việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhiều thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết đã được rà soát, sửa đổi, bãi bỏ.

Quy trình, thủ tục hồ sơ hành chính đã được quy định lại theo hướng đơn giản hơn. Thời gian và các bước tiến hành giải quyết công việc được rút ngắn từ 1/3 - 1/2 so với trước đây, mang lại lợi ích tiết kiệm cho cơ quan Nhà nước, người dân và doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng và rút ngắn thời gian cho xã hội hàng triệu ngày làm việc; đồng thời đóng góp tích cực vào những nỗ lực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố.

Điểm sáng “Một cửa điện tử”

Nền hành chính tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội nhanh và mạnh mẽ của thành phố, chưa đáp ứng mục tiêu xây dựng một nền hành chính hiện đại như mong đợi của lãnh đạo và nhân dân thành phố.

Năm 2010, Đà Nẵng bắt đầu thí điểm mô hình một cửa điện tử tại quận Thanh Khê rồi nhân rộng mô hình này ra tất cả các quận, huyện, trở thành một trong 3 địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình một cửa điện tử.

Đây là mô hình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa với hệ thống trang thiết bị điện tử hiện đại, hệ thống phần mềm một cửa điện tử tập trung. Khi kết nối liên thông cả 3 cấp chính quyền trong việc giải quyết hồ sơ cho công dân, tổ chức, hình thành một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung quy mô, bài bản nhất từ trước đến nay.

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử được triển khai có hiệu quả, đồng bộ đã góp phần thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính, hiện đại hóa nền công vụ. TRONG ẢNH: Bộ phận một cửa UBND phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn).
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử được triển khai có hiệu quả, đồng bộ đã góp phần thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính, hiện đại hóa nền công vụ. TRONG ẢNH: Bộ phận một cửa UBND phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn).

Trưởng phòng CCHC (Sở Nội vụ) Võ Thị Tuyền cho biết, sở đã chủ trì phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông triển khai hệ thống phần mềm một cửa điện tử tập trung trên cơ sở hệ thống, kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố đến tất cả các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã và các đơn vị trực thuộc sở có tiếp nhận thủ tục hành chính (các chi cục, đơn vị được ủy quyền).

Đến nay, 100% hồ sơ một cửa tại thành phố Đà Nẵng được tiếp nhận, in giấy biên nhận và chuyển xử lý, giải quyết trên một hệ thống tập trung duy nhất. Hệ thống một cửa điện tử tập trung còn cho phép liên thông điện tử (ví dụ gửi hồ sơ điện tử từ UBND các phường, xã đến UBND các quận, huyện) trên toàn thành phố.

Ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý Nhà nước cũng là điểm nhấn trong công tác CCHC tại thành phố Đà Nẵng, được triển khai ngày càng đồng bộ từ chính quyền cơ sở đến chính quyền thành phố, từng bước hình thành một chính quyền điện tử hiện đại, thông minh. Mạng lưới kết nối thông tin giữa các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố ngày càng mở rộng về phạm vi giữa cả 3 cấp phường, xã, quận, huyện và thành phố.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố, 100% cơ quan (trừ UBND huyện Hoàng Sa) đã có mạng số liệu chuyên dùng riêng của chính quyền thành phố (MAN) và kết nối Internet tốc độ cao; cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý văn bản, điều hành tại các cơ quan, đơn vị, đảm bảo số lượng máy tính bình quân trên một công chức.

Hạ tầng tương đối đầy đủ, hiện đại, sẵn sàng cho Chính quyền điện tử. Về ứng dụng, đã có hơn 300 phần mềm chuyên ngành được đơn vị ứng dụng hiệu quả. 100% hộp thư điện tử đơn vị được sử dụng hằng ngày, 90% lãnh đạo đơn vị, 100% CBCC sử dụng thường xuyên.

Đến nay, toàn thành phố đã triển khai 520 dịch vụ công trực tuyến (mức 3, 4) trong tổng số 1.135 thủ tục hành chính theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

Song song với việc triển khai phần mềm một cửa tập trung, UBND thành phố đã ban hành quy định về việc xác thực và sử dụng hồ sơ điện tử của công dân, CBCC trong việc thực hiện các giao dịch hành chính với cơ quan Nhà nước.

Theo đó, công dân chỉ nộp các loại giấy tờ về nhân thân để thực hiện thủ tục hành chính một lần duy nhất trong lần giao dịch đầu tiên. Các lần giao dịch sau đó, các cơ quan Nhà nước sẽ truy cập và sử dụng các thông tin, dữ liệu đã được lưu trữ trước đó trong cơ sở dữ liệu của toàn thành phố.

Việc xây dựng hệ thống hồ sơ điện tử khách hàng là một bước tiến trong việc CCHC, giảm bớt các giấy tờ cho công dân, CBCC, giảm thời gian xử lý của công chức tại Bộ phận tiếp nhận trả kết quả cũng như các phòng chuyên môn. Bên cạnh đó, việc đưa vào ứng dụng hồ sơ điện tử khách hàng cũng là tiền đề cho việc đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 khi người đăng ký dịch vụ công đã được xác thực và cấp tài khoản trên hệ thống.

Đến nay, tại Đà Nẵng, cơ chế một cửa đã được đồng bộ ở cả 3 cấp- từ thành phố, quận, huyện đến phường, xã (100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, 100% quận, huyện; 100% phường, xã).

Bài và ảnh: TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.
.