Với phương châm “Chính quyền vì dân phục vụ”, nhiều năm qua, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thường xuyên tổ chức những buổi tiếp và đối thoại với công dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Luật Tiếp công dân.
Qua đó, cái được lớn nhất là tạo sự đồng thuận, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và thành phố, góp phần xây dựng một Đà Nẵng văn minh, hiện đại.
Bài 1: 1 giờ tiếp dân tháo gỡ vướng mắc hơn 10 năm
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (trái) xem xét hồ sơ trong buổi đối thoại với người dân khu vực Trung Lương (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) ngày 11-4-2018. Ảnh: Quốc Khải |
Trong quá trình chỉnh trang đô thị, thành phố Đà Nẵng đã đạt được những kết quả to lớn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư (TĐC), góp phần thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, giúp người dân an cư lập nghiệp.
Tuy nhiên, với hơn 110.000 hộ dân bị ảnh hưởng từ việc chỉnh trang đô thị, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và TĐC để lại nhiều hệ lụy, sai sót, khiến không ít trường hợp người dân bức xúc, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện. Chính công tác tiếp và đối thoại với công dân của lãnh đạo thành phố và chính quyền các cấp đã tạo ra kênh quan trọng để người dân và chính quyền tìm tiếng nói chung, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
“Món quà” ngày giáp Tết
Tại buổi tiếp dân ngày 13-1-2017 của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, những giọt nước mắt của các hộ dân đã chảy, từ nỗi tủi hờn, ấm ức và lo âu đến vỡ òa hạnh phúc khi quyền lợi chính đáng của họ được ghi nhận, tháo gỡ, giải quyết rốt ráo.
Hộ bà Nguyễn Thị Thủy (hiện ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) trước đây thuộc diện giải tỏa đi hẳn để thực hiện dự án cầu Thuận Phước và khu dân cư (KDC) Đa Phước. Bà Thủy bàn giao mặt bằng từ tháng 7-2004.
Trước đó, tháng 7-2003, bà có đơn xin mua đất TĐC hộ chính có bút phê của Bí thư Thành ủy lúc bấy giờ là ông Nguyễn Bá Thanh chuyển cơ quan chức năng kiểm tra và đề xuất. Tháng 7-2004, bà Thủy xin bố trí đất TĐC hộ chính và được ông Nguyễn Bá Thanh bút phê với nội dung chuyển Ban quản lý (BQL) Liên Chiểu - Thuận Phước kiểm tra, giải quyết. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ với BQL dự án quốc lộ 1A và Liên Chiểu - Thuận Phước, đơn bà Thủy vẫn không được xem xét, giải quyết.
Ngày 13-1-2017 (nhằm ngày 16 tháng Chạp âm lịch), Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tiếp hộ bà Thủy, đồng ý đề xuất của cơ quan chức năng về việc bố trí một lô hộ chính đường 10,5m (theo quy định, bà Thủy được bố trí 1 lô hộ chính đường 7,5m) khu TĐC Thanh Lộc Đán - Hòa Minh mở rộng, giá đất áp dụng theo Quyết định số 36/2009/QĐ-UBND ngày 24-12-2009; cho hộ bà Thủy nợ đất TĐC 100%, thời hạn 5 năm; hỗ trợ 50 triệu đồng tạo điều kiện cho bà trả tiền thuê nhà trong thời gian chưa có đất, nhà để ở.
Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt bà Nguyễn Thị Thủy (hiện ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) khi được lãnh đạo thành phố giải quyết bố trí đất tái định cư tại buổi tiếp dân ngày 13-1-2017. |
Nhớ lại hành trình hơn 10 năm gõ cửa các cơ quan chức năng trong những năm tháng thuê trọ cùng con gái, bà Thủy rơm rớm nước mắt. “Nếu không gặp một cán bộ Ban tiếp dân tại Ban đền bù giải phóng mặt bằng số 1, hay những cán bộ khác ở các cơ quan chức năng thành phố; nếu gia đình ông Thơ (Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ - PV) không tiếp đón niềm nở tôi tại nhà riêng khi tôi đến trình bày nguyện vọng; nếu thư điện tử (email) con gái tôi gửi ông Thơ không có hồi âm và những hướng dẫn tỉ mỉ; và nếu không có buổi tiếp dân ngày giáp Tết năm đó, thì gia đình tôi chẳng biết tiếp tục sống lay lắt như thế nào”, bà Thủy xúc động nói.
Đối với bà Thủy, kết luận của lãnh đạo thành phố lúc đó như món quà ngày giáp Tết. Sau khi nhận đất TĐC, bà Thủy bán miếng đất này và nhanh chóng thanh toán dứt điểm tiền nợ đất. Số tiền dư còn lại, bà dùng để mua lại một mảnh đất trên đường Nguyễn Công Hoan, xây nhà mới và trang trải cuộc sống.
Bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân
Tại buổi tiếp các hộ dân khu vực Cồn Dầu (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), thuộc diện giải tỏa thu hồi đất dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) vào ngày 29-1-2018, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định: nguyện vọng chính đáng của người dân luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm giải quyết.
Thực tế, mặc dù được chính quyền, Mặt trận, đoàn thể của quận, phường vận động nhưng một bộ phận nhỏ người dân khu vực Cồn Dầu không thực hiện chủ trương của thành phố và khiếu nại đến Trung ương. UBND thành phố đã tổ chức nhiều lần tiếp dân, cùng những lần đối thoại chung và đối thoại với từng công dân, nhưng một số hộ dân vẫn không hợp tác.
Đại diện các cơ quan chức năng giải thích, trình bày hồ sơ của công dân với Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tại buổi tiếp dân ngày 24-8-2018. |
Trước thực tế đó, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, nguyện vọng được bố trí TĐC của người dân khu vực Cồn Dầu là chính đáng và thành phố đã đáp ứng nguyện vọng đó; đồng thời kêu gọi người dân nơi đây ủng hộ chủ trương của thành phố.
“Người dân khu vực Cồn Dầu nên suy nghĩ về con số 97,6% người dân phường Hòa Xuân đã di dời giải tỏa vì sự phát triển của Hòa Xuân hôm nay và đều có cuộc sống ổn định, tốt hơn trước rất nhiều”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nói.
Tại buổi tiếp các hộ dân khu vực Trung Lương (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) khiếu nại về việc giải tỏa thu hồi đất triển khai dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân vào ngày 11-4-2018, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị chính quyền thành phố rà soát, xem xét thấu đáo tất cả ý kiến, chọn phương án tốt nhất để giải quyết cho bà con.
Tuy nhiên, việc đáp ứng tất cả nguyện vọng của người dân là không thể, mà phải theo đúng quy định của pháp luật.
Những trường hợp nêu trên chỉ là số ít điển hình trong hàng ngàn lượt đơn, thư khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của người dân được lãnh đạo thành phố, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý và thực hiện Luật Tiếp công dân một cách nghiêm túc, hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, việc lãnh đạo thành phố trực tiếp tiếp dân (định kỳ và đột xuất), giải quyết bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân mang lại niềm tin lớn lao, sự đồng thuận cao trong nhân dân; qua đó ngày càng nâng cao uy tín lãnh đạo thành phố cũng như giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cấp quận, huyện, phường, xã.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Trưởng ban Tiếp dân thành phố cho biết: “Suốt thời gian qua, công tác tiếp, đối thoại với công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo với nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt.
Sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố, các cơ quan chức năng, đã tạo chuyển biến tích cực. Công tác tiếp, đối thoại với công dân được duy trì thực hiện nghiêm túc từ thành phố đến cấp phường, xã. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh được xem xét, giải quyết kịp thời, các vụ việc tồn đọng từ năm trước được tập trung giải quyết dứt điểm, rốt ráo”.
Hơn 19.000 lượt tiếp công dân Trên địa bàn Đà Nẵng từ năm 2016 đến tháng 9-2018: - Tổng số lượt tiếp công dân thường xuyên tại các cơ quan, đơn vị: 19.829 lượt. - Tổng số lượt tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo các cấp: 5.264 lượt (trong đó Chủ tịch UBND thành phố tiếp 381 lượt người). - Tổng số đơn thư được tiếp nhận: 17.210 đơn (870 khiếu nại, 344 tố cáo, 15.996 kiến nghị phản ánh). - Tổng số đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đã thụ lý để giải quyết: 309 đơn (238 đơn khiếu nại, 71 đơn tố cáo). Còn lại 905 đơn (632 đơn khiếu nại, 273 đơn tố cáo) đã được hướng dẫn, chuyển trả, lưu đơn theo quy định. - Tổng số đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đã giải quyết: 283 đơn (218 đơn khiếu nại, 65 đơn tố cáo). - Kết quả giải quyết khiếu nại: ban hành 149 quyết định giải quyết khiếu nại; 69 trường hợp thuyết phục, hòa giải. - Kết quả giải quyết tố cáo: ban hành 65 kết luận nội dung tố cáo. - Số đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đang giải quyết: 26 đơn (20 đơn khiếu nại, 6 đơn tố cáo). |
Tại buổi tiếp dân ngày 13-1-2017 của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, hộ ông Nguyễn Văn Nghĩa kiến nghị đăng ký 1 lô kinh doanh trong các chợ quận Sơn Trà để buôn rau, củ, quả. Ông Nghĩa là bộ đội phục viên, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia cảnh khó khăn. Ông bán rau, củ, quả trước hiên nhà số 128 Lý Tự Trọng (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) từ năm 1990. Quy định không được buôn bán thực phẩm tươi sống trong các khu dân cư của UBND quận Hải Châu buộc hộ ông Nghĩa phải di dời. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đồng ý giao UBND quận Sơn Trà xem xét, bố trí một vị trí trong các chợ trên địa bàn quận Sơn Trà, đồng thời hỗ trợ 15 triệu đồng để tạo điều kiện thuận lợi cho ông Nghĩa di dời điểm buôn bán. |
Bài và ảnh: TRỌNG HUY