Ngày 30-10, tại buổi tiếp và làm việc với bà Cecile Leroy, quản lý chương trình năng lượng của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng khẳng định trong quá trình phát triển đô thị, Đà Nẵng luôn quan tâm đến môi trường và đang phấn đấu trở thành thành phố môi trường.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng tiếp bà Cecile Leroy. Ảnh: NAM BÌNH |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho biết, một trong những giải pháp để phát triển bền vững mà thành phố đặc biệt quan tâm là sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời. Thông qua Dự án phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng (DSED) do EU tài trợ, Phó Chủ tịch
Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng hy vọng sẽ nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhằm giảm thiểu quá trình biến đổi khí hậu; từ đó, có thêm nhiều người dân, đơn vị lựa chọn sử dụng năng lượng mặt trời.
Bà Cecile Leroy bày tỏ niềm vui khi EU được đồng hành với Đà Nẵng trong việc xây dựng thành phố môi trường. Đồng thời, tin tưởng việc phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian đến sẽ đạt hiệu quả tích cực, không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở các địa phương khác.
Được biết, tổng số vốn đầu tư của DSED là 444.169 EUR, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại là 393.000 EUR. Dự án kéo dài 40 tháng, từ tháng 7-2017 đến tháng 10-2020, gồm 3 hợp phần: hỗ trợ xây dựng thể chế nhằm phát triển các khung chính sách và quy định về năng lượng mặt trời, thúc đẩy các dịch vụ năng lượng mặt trời tới người sử dụng cuối cùng; hỗ trợ đầu tư lắp đặt thí điểm hệ thống năng lượng mặt trời tại một số điểm được lựa chọn (cơ sở công và hộ gia đình); nâng cao năng lực và trao đổi kiến thức về phát triển năng lượng mặt trời. (NAM BÌNH)
Chiều 30-10, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng (DECC) và Ban quản lý Dự án phát triển năng lượng mặt trời (thuộc Phái đoàn Liên minh châu Âu - EU) phối hợp tổ chức hội thảo về xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm bản đồ tiềm năng ứng dụng năng lượng mặt trời trên địa bàn thành phố.
Đây là một hoạt động thuộc hợp phần hỗ trợ chính sách của dự án nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn năng lượng sạch tại thành phố do EU tài trợ. Theo đó, từ nay đến tháng 2-2019, các kỹ sư và nhà khoa học sẽ tiếp cận các nguồn cơ sở dữ liệu và trực tiếp đo đạc tại nhiều mái nhà, khu vực mặt đất, mặt nước để xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lượng mặt trời.
Sau đó, tích hợp cơ sở dữ liệu lên bản đồ và hình thành sản phẩm phần mềm trên nền tảng website để đăng tải công khai. Người dân và các tổ chức sẽ truy cập tại các vị trí trên bản đồ để trực tiếp nắm bắt các thông số về tiềm năng năng lượng mặt trời tại khu vực dự định lắp đặt hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời và đưa ra quyết định lựa chọn công nghệ, quy mô và sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng. (HOÀNG HIỆP)