Làng Đông Phù trước ngày đón nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về đất Mẹ

.

Từ lúc nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần, một không khí trầm buồn bao phủ thôn 3, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Chúng tôi đến ngôi nhà thờ gia đình của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khi chỉ còn một ngày nữa là ông trở về với đất Mẹ.

Trời Hà Nội những ngày đầu thu se lạnh. Trong ngôi nhà ba gian còn nguyên nếp nhà cũ ở thôn 3, xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội mấy hôm nay lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Bà con trong xã đến ngôi nhà mà nguyên Tổng Bí thư đã sinh ra và lớn lên để ôn lại những kỷ niệm về người con ưu tú của quê hương.

Ngôi nhà cấp bốn nằm ở xã Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) hiện còn lưu lại nhiều kỷ niệm về cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Ngôi nhà cấp bốn nằm ở xã Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) hiện còn lưu lại nhiều kỷ niệm về cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Làng Đông Phù- nơi nguyên Tổng Bí thư sinh ra, vốn là vùng quê nổi tiếng về truyền thống cách mạng. Đây là nơi chi bộ Cộng sản đầu tiên của vùng ngoại thành Hà Nội được thành lập vào tháng 5/1930, tức là chỉ 3 tháng sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Người ông sống mẫu mực, giản dị của dòng họ

Trò chuyện với chúng tôi, bà Trần Thị Lan (em dâu của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười) cho biết, ngôi nhà cấp 4 này là nơi bác Đỗ Mười đã sinh ra và lớn lên. Trải qua gần 1 thế kỷ nhưng ngôi nhà vẫn giữ nguyên được hiện trạng như ban đầu. Ngay ở giữa gian chính là nơi đặt ban thờ gia tiên. Trên tường treo mấy tấm ảnh bác chụp cùng con cháu trong gia đình. Những đồ vật trong nhà như chiếc giường, bộ bàn ghế cũ được con cháu giữ gìn cẩn thận.

“Tôi còn nhớ lúc bác Đỗ Mười làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, căn nhà ở quê bị tốc mái. Anh em trong dòng họ lên xin ý kiến bác để sửa chữa, bác không đồng ý. Mỗi lần muốn sửa bất cứ thứ gì, chúng tôi lên xin phép. Bác thường bảo để khi nào bác được “hai 50 tuổi”, con cháu muốn làm gì thì làm. Kể từ đó đến nay, ngôi nhà vẫn giữ nguyên nếp cũ, chỉ có mái là lợp lại bằng tấm broximăng. Những chỗ nào xuống cấp thì bác Mười nói con cháu sửa chữa lại”- bà Lan nhớ lại.

Bà Trần Thị Lan (em dâu của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười)
Bà Trần Thị Lan (em dâu của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười)

Bà Lan rơm rớm nước mắt: "Điều ấn tượng nhất về bác Mười là sự giản dị. Mỗi lần chúng tôi lên thăm, hay mỗi lần bác về thăm quê, bác đều hỏi han chuyện học hành, chuyện vào Đảng, rồi hỏi han học được mấy thứ tiếng rồi?, bà con hàng xóm có đủ ăn không?... Bác mất đi là tổn thất lớn cho gia đình, con cháu và dòng họ. Bác là người ông, người cha mẫu mực để con cháu học tập và noi theo”.

Đi dọc ngả đường trong xã, một không khí trầm buồn hiện rõ trên nét mặt người dân thôn quê Đông Mỹ. Ai cũng tiếc thương vì sự mất mát lớn lao này.

Kể lại kỷ niệm về bác Đỗ Mười, ông Nguyễn Đức Trường (80 tuổi, thôn 2, xã Đông Mỹ) không nén nổi xúc động. Ông vinh dự được gặp Bác vào ngày thành lập Chi bộ Đông Phù (15/5/2015). Lúc đó bác rất chân thành, giản dị và gần gũi. Bác còn có bài phát biểu dài 22 phút, động viên cán bộ địa phương phải đoàn kết, thống nhất, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

“Tuy đi chậm chạp nhưng Bác cũng không cần người dìu lên bục phát biểu. Lúc đó bác rất chân thành, chân thật coi như mình về gia đình quê hương”- ông Trường nhớ lại.

Người con ưu tú của quê hương Đông Mỹ

Ông Lê Tuấn Minh, Bí thư Đảng uỷ xã Đông Mỹ nhớ như in những lần nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về thăm quê. Ông Minh cho biết, hơn 80 năm hoạt động cách mạng dù trên các cương vị công tác khác nhau nhưng nguyên Tổng Bí thư vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt đối với quê hương Đông Mỹ. Những ngày lễ Tết cổ truyền của dân tộc, nguyên Tổng Bí thư thường về hỏi thăm các cụ lão thành cách mạng, động viên, nhắc nhở các thế hệ cán bộ địa phương phải đoàn kết, chăm lo cho nhân dân.

“Bác thường căn dặn chúng tôi, là một xã anh hùng, phải làm thế nào đó để xây dựng xã phát triển toàn diện. Phải đảm bảo lo cho đời sống của dân, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Xã phải đặc biệt quan tâm đến hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn”- ông Minh nhớ lại.

Ông Lê Tuấn Minh, Bí thư Đảng uỷ xã Đông Mỹ
Ông Lê Tuấn Minh, Bí thư Đảng uỷ xã Đông Mỹ

Chia sẻ về cây đa ngoài trụ sở Ủy ban nhân dân xã Đông Mỹ, ông Minh cho biết, cây đa đó được bác Mười trồng nhân dịp Bác về thăm, chúc Tết Đảng bộ và nhân dân Đông Mỹ vào tháng 2/1996. Với cán bộ ở đây, mỗi khi nhìn cây đa là nhớ đến những tình cảm của bác dành cho cán bộ và nhân dân địa phương. Qua đó, nhắc nhở và răn mình noi theo bác lo cho dân, cho xã như sinh thời bác mong muốn.

Về công tác chuẩn bị cho tang lễ, ông Minh cho biết thêm, đến nay các phần việc xã cơ bản hoàn thành. Khu an táng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cơ bản đã chuẩn bị xong. Ủy ban nhân dân xã đang phối hợp các Sở, ban, ngành đang tiếp tục hoàn tất một số hệ thống đường giao thông, vệ sinh môi trường, đảm bảo văn minh đô thị trên những trục đường đón bác về.

“Chúng tôi cũng tuyên truyền cho những hộ dân ngoài mặt đường chiều 7/10 sẽ nghỉ bán hành và tiễn đưa bác về nơi an nghỉ cuối cùng”- ông Minh chia sẻ.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.
.