Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2015-2020, đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng đã đạt được những thành quả bước đầu trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Trong đó, một số lĩnh vực như: an sinh xã hội, văn hóa nghệ thuật có sự khởi sắc, mang tính đột phá.
Hội chợ việc làm được tổ chức thường xuyên đã tạo cơ hội cho nhiều lao động thành phố có được việc làm. Ảnh: THANH SƠN |
Trong nhiều thành tựu của nửa nhiệm kỳ vừa qua, tính đến hết quý 3-2018, thành phố chỉ còn 2.319 hộ nghèo không còn sức lao động, chiếm 0,9%. Điều này cũng có nghĩa Đề án giảm nghèo của thành phố đã về đích trước 2 năm.
Đặc biệt, đối với hộ gia đình chính sách, thành phố đã sớm hoàn thành mục tiêu: “Tất cả hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống”. Riêng những hộ trong diện nghèo, thành phố cũng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, nhiều kênh hỗ trợ để thoát nghèo bền vững.
Trong 3 năm qua, ước tính thành phố đã huy động từ nhiều nguồn gần 4.000 tỷ đồng để giúp hàng chục ngàn hộ nghèo xây dựng nhà cửa kiên cố, tặng hàng trăm ngàn thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ trên 15.000 người chuyển đổi ngành nghề phù hợp với nhu cầu mới...
Lĩnh vực lao động, việc làm cũng có những tín hiệu vui khi tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 51% (chỉ tiêu nghị quyết đến năm 2020 là 55%), tỷ lệ tạo việc làm thêm ước đạt trên 4% (chỉ tiêu nghị quyết là 4-5%). Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch đến cuối năm 2018 đã đạt 100%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn ở khu vực đô thị đạt 98%.
Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao, đến nay thành phố có 150 trường học đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được đầu tư, nâng cao hiệu quả dự phòng bệnh và điều trị bệnh tật. Hệ thống y tế từ tuyến phường, xã, quận, huyện và các bệnh viện chuyên khoa ngày càng hoàn thiện, đáp ứng cơ bản nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Về lĩnh vực văn hóa, giai đoạn 2015-2018, thành phố đã hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng nhiều công trình lớn, quan trọng, như: Thư viện Khoa học tổng hợp, Cung Văn hóa Thiếu nhi; Bảo tàng Mỹ Thuật; nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thành Điện Hải được công nhận di tích quốc gia đặc biệt; khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa; phục dựng một số lễ hội dân gian...
Hệ thống các thiết chế văn hóa được củng cố và tăng cường. Thành phố chú trọng thực hiện quyết liệt về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” từng bước đi vào chiều sâu.
Hoạt động văn học-nghệ thuật có nhiều chuyển biến tích cực, như: phát động phong trào văn hóa đọc, khai trương tủ sách Đà Nẵng, tổ chức các phiên chợ sách, hội sách tại các quận, huyện, các hoạt động văn hóa, lễ hội hai bên bờ sông Hàn.
Thành phố đã phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế khởi công khai quật khảo cổ di tích Hải Vân quan; chỉ đạo trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị của quần thể di tích văn hóa, lịch sử tại Nam Ô (Liên Chiểu). Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn, mang tầm quốc gia, quốc tế được tổ chức thường niên tại Đà Nẵng.
Đời sống văn hóa của người dân Đà Nẵng ngày càng được nâng cao. Trong ảnh: Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tham gia biểu diễn tại phía bắc bờ đông cầu Sông Hàn. Ảnh: T. Lê |
Đầu tư văn hóa có chiều sâu cũng được đặc biệt quan tâm. Từ năm 2015 đến nay, thành phố thực hiện quyết liệt về văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử chuẩn mực cho cán bộ và nhân dân Đà Nẵng, ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch.
Cùng với đó, mục tiêu xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, hiện đại và nhân văn được lồng ghép trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2017-2022, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…
Hoạt động văn hóa Đà Nẵng hướng đến phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, thành phố vẫn đối mặt với nhiều thách thức, rất cần sự nỗ lực hơn nữa từ các cấp chính quyền và sự chung tay đồng thuận của người dân. Đó là chương trình “Thành phố 4 an” còn khá nhiều hạn chế và xuất hiện nhiều tồn tại.
An toàn vệ sinh thực phẩm còn là nỗi lo thường trực của người dân; an toàn giao thông vẫn là nỗi ám ảnh của người đi đường; an ninh trật tự thêm nỗi bất an khi gần đây nhiều băng nhóm tội phạm từ địa phương khác đến Đà Nẵng để hoạt động; an sinh xã hội vẫn còn khoảng cách lớn giữa nhu cầu và sự đáp ứng của chính quyền thành phố.
Đặc biệt, lĩnh vực đào tạo và việc làm dù đã có chuyển biến nhưng sinh viên vẫn chưa thể “ra trường là làm được ngay” mà phải đào tạo, bồi dưỡng thêm. Trên lĩnh vực việc làm, người lao động thành phố có nguy cơ “thua trên sân nhà” do tâm lý muốn có thu nhập ngay thay vì bỏ công sức học một nghề ổn định...
Để thực hiện đạt và vượt tất cả chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 trong đó có an sinh xã hội, văn hóa văn nghệ, an ninh trật tự…; rất cần sự nỗ lực hơn nữa từ chính quyền và sự đồng thuận của người dân thành phố.
NGỌC HÀ -THANH VÂN