Tác phẩm tham DỰ "Giải Búa liềm vàng 2018"

Đối thoại với công dân: Giải quyết thấu tình đạt lý - Bài 2: Nghe dân nói, nói dân nghe

.

Những nỗ lực của chính quyền Đà Nẵng trong công tác tiếp và xử lý đơn thư của công dân, thực hiện Luật Tiếp công dân và Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã tạo sự đồng thuận với chủ trương, chính sách của thành phố. Chính nhờ sự cởi mở, gần gũi của lãnh đạo để nghe dân nói và sự cầu thị, mong muốn nói dân nghe, nhiều trường hợp khiếu nại kéo dài đã được giải quyết thấu tình, đạt lý.

Từ đầu nhiệm kỳ (năm 2016) đến nay, HĐND thành phố đã tiếp nhận khoảng 1.300 đơn, thư, kiến nghị, phản ánh từ người dân. Qua theo dõi kết quả giải quyết đơn do Thường trực HĐND thành phố chuyển UBND thành phố, từ tháng 1-2017 đến ngày 30-8-2017, còn 55 trường hợp chưa có kết quả giải quyết cuối cùng; trong đó có 47 trường hợp quá hạn và 8 trường hợp chưa đến hạn. Nguồn: HĐND thành phố Đà Nẵng
Đại diện Thanh tra thành phố báo cáo tại buổi đối thoại ngày 20-6-2018, do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì, với ông Lê Xuân Thức, đại diện nhiều hộ dân sống tại khu tập thể 158B Lê Lợi, quận Hải Châu.

Tại rất nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại công dân, chính quyền thành phố luôn yêu cầu các cơ quan chức năng phải bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa cho người dân, cái gì có lợi cho dân thì làm. Tuy nhiên, việc người dân kiến nghị, khiếu nại phải hợp lý, đúng quy định, không thể “không nói thành có, một nói thành hai”.

Quyền lợi của người dân là trên hết

Mới đây, trong buổi tiếp công dân ngày 24-8, có trường hợp hộ ông Đặng Văn Lâm (trú thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đồng ý giải quyết chuyển lô đất đường 5,5m đã bố trí tại khu tái định cư (TĐC) số 7 tuyến đường ĐT 602 về lô đất đường 7,5m tại khu TĐC Hòa Nhơn, đồng thời hỗ trợ thêm cho ông Lâm 30 triệu đồng khấu trừ vào tiền đất. Với quyết định “hỗ trợ thêm” này, vợ chồng ông Lâm vỡ òa hạnh phúc.

“Lần đầu tiên gặp Chủ tịch UBND thành phố, được ông lắng nghe và chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình, chúng tôi thấy quyền lợi và nguyện vọng của những người dân được đáp ứng”, ông Lâm trải lòng.

Tại một buổi đối thoại công dân năm 2016 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì, có trường hợp ông Vũ Văn Nam (ở 213 Hải Phòng, quận Thanh Khê) đăng ký mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước từ năm 1996.

Ông Nam khiếu nại vụ việc suốt 20 năm qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh lại hồ sơ của ông Nam, đồng thời nhắc nhở:

“Có thể quá trình chia tách tỉnh dẫn đến hồ sơ công dân bị thất lạc hoặc mất; nhưng quyền lợi chính đáng của công dân phải luôn được bảo đảm và xuyên suốt, không vì bất cứ lý do nào khiến người dân chịu thiệt do công tác quản lý của cơ quan, chính quyền”.

Được biết, sau 3 lần gặp lãnh đạo thành phố, trường hợp hộ ông Nam đang được các cơ quan chức năng trình đề xuất UBND thành phố xem xét, giải quyết cho mua nhà với giá hợp lý, bảo đảm quyền lợi cao nhất của ông theo quy định.

Việc giải quyết đơn, thư phải bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa cho người dân, nghĩa là không phải đơn thư khiếu nại hay đòi hỏi nào cũng được giải quyết theo nguyện vọng của công dân.

Nhiều trường hợp sau khi xem xét sự việc, kiến nghị trực tiếp của người dân, lắng nghe báo cáo của các đơn vị liên quan, lãnh đạo thành phố không đồng ý với kiến nghị đó vì không bảo đảm tính pháp lý; đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng phải kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng, nếu có sai sót thì phải truy trách nhiệm cụ thể.

Chẳng hạn, trong buổi đối thoại với các hộ dân ngày 5-10-2018, khi xét thấy cơ quan chức năng có sai sót trong việc công chứng hợp đồng mua bán 2 lô đất thuộc diện thu hồi tại dự án Cụm công nghiệp Thanh Vinh (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng yêu cầu kiểm tra, xử lý.

Với các trường hợp các hộ dân thuộc diện giải tỏa dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng (thôn Quan Nam 1, xã Hòa Liên) khiếu nại, đòi bồi thường đất, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng bác bỏ khiếu nại này, nhưng vẫn yêu cầu Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang, các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát lại hồ sơ nhằm bảo đảm giải quyết tốt nhất quyền lợi của công dân theo quy định.

Công khai xin lỗi dân

Tại buổi tiếp hộ bà Dương Thị Nga (nhà ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thuộc diện giải tỏa để chỉnh trang đô thị) vào ngày 23-2-2017, xét thấy những sai sót của các cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ việc, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã công khai xin lỗi công dân.

Cụ thể, năm 2010, lãnh đạo thành phố tạo điều kiện để bà Nga mua lại 220m2 đất ở vị trí cũ theo giá đất TĐC. Thế nhưng, các cấp chính quyền sau đó cho rằng, việc bố trí 220m2 đất cho bà Nga là không đúng nên họ không làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Suốt 7 năm bà Nga vừa đi thuê chỗ ở, vừa gõ cửa các cơ quan chức năng. Sau khi nghe bà Nga trình bày, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nghiêm túc phê bình, nhắc nhở các cán bộ phụ trách vụ việc, chỉ đạo các cơ quan chức năng ngay lập tức hoàn tất thủ tục hồ sơ, đồng thời công khai xin lỗi bà Nga.

“Sự chậm trễ này do lỗi của chính quyền. Hôm nay, với tư cách là Chủ tịch thành phố, tôi công khai xin lỗi chị”, ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Cũng chính vì lãnh đạo thành phố đặc biệt coi trọng công tác tiếp công dân, xem đây là yếu tố quan trọng góp phần để hoàn thành tốt các nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố, nên tháng 11-2014, Ban Tiếp công dân đã được thành lập, theo Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13 ngày 25-11-2013, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân. Sau đó, lần lượt các cấp từ thành phố đến địa phương đều có Ban Tiếp công dân. Hằng tháng, từ thành phố đến chính quyền cơ sở đều có lịch tiếp dân định kỳ và đột xuất.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng của thành phố cũng đã biên soạn sách hỏi - đáp về khiếu nại, tố cáo; in hàng nghìn tờ gấp “Một số điều cần biết về khiếu nại và giải quyết khiếu nại”, tờ gấp “Một số điều cần biết về tố cáo và giải quyết tố cáo” để phát hành đến người dân; tổ chức các hội nghị triển khai Luật Tiếp công dân, nghiệp vụ tiếp công dân, nghiệp vụ xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh...

Ông Nguyễn Thế Tuân, Trưởng phòng Dân nguyện- HĐND thành phố cho biết: “Việc tiếp nhận, kiểm tra, xác minh kỹ lưỡng nội dung đơn thư được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo quy định. Từ đó, HĐND thành phố lên kế hoạch giám sát và trả lời công dân. HĐND thành phố cũng có lịch tiếp công dân định kỳ và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Song, ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Trưởng ban tiếp dân thành phố cho hay: “Có trường hợp đơn cùng nội dung nhưng người dân gửi một lúc nhiều cơ quan khác nhau khiến việc xử lý đơn bị chậm. Ban Tiếp công dân phải tiếp nhận đơn do từng cơ quan chuyển đến để xem xét cơ quan chức năng nào sẽ xử lý, rồi chuyển đơn. Cũng có trường hợp các cơ quan có thẩm quyền xử lý đơn, thư, nhưng lại e dè và có ý chờ cấp trên chỉ đạo khiến việc giải quyết đơn chậm lại đáng kể”.

“Diễn đàn” để người dân được nói

HĐND thành phố hằng ngày cử người đại diện tiếp nhận đơn, thư của công dân tại Ban Tiếp công dân thành phố. Ông Nguyễn Thế Tuân cho biết, sau khi tiếp nhận đơn, thư của công dân, sẽ nhập vào hệ thống ứng dụng phần mềm quản lý để kiểm tra, theo dõi “hành trình” đơn, thư.

Phần mềm này được thực hiện từ năm 2016, theo đó cập nhật nội dung đơn, thư; kiểm tra tình trạng đơn mới hay cũ để có hướng giải quyết, chuyển UBND thành phố xử lý; đồng thời theo dõi, giám sát và đôn đốc các cơ quan chức năng quá trình xử lý đơn, thư theo đúng thời hạn quy định.

Theo ông Tuân, hiện vẫn còn tình trạng các cơ quan chức năng chậm hoặc không giải quyết đơn, thư của công dân khiến tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài. Phần nữa, người dân không chấp thuận các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan chức năng.

Trong các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đều ghi rõ: Nếu người dân không đồng ý thì có thể gửi đơn lên cấp cao hơn hoặc ra tòa án để giải quyết. Song, đa số người dân đều không thực hiện mà cứ gửi đơn nhiều lần.

Xung quanh việc tiếp và đối thoại với công dân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng trong buổi tiếp dân ngày 5-10-2018 khẳng định, việc tổ chức đối thoại thực hiện theo quy định của pháp luật và được lãnh đạo thành phố thực hiện nghiêm túc. Đây là “diễn đàn” để người dân được nói, được thổ lộ những khó khăn, vướng mắc.

Qua “diễn đàn” này, người dân có thể bổ sung hồ sơ hay những kiến nghị mà trước đây chưa có để lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng xem xét, kiểm tra, có giải pháp xử lý nhằm bảo vệ quyền, lợi ích cao nhất theo quy định cho công dân.

“Công dân cần hiểu rằng, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức đều có thẩm quyền, nhiệm vụ riêng và phải tuân thủ quy định của pháp luật. Chúng tôi ở đây để lắng nghe người dân nói để tìm giải pháp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho công dân.

Người dân cũng cần biết lắng nghe, qua đó chia sẻ những khó khăn nhất định với chính quyền, quan trọng nhất là cần nắm bắt, hiểu quy định của pháp luật để có thể bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho mình”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng nói.

Nhiều lần đại diện lãnh đạo thành phố tiếp công dân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh từng khẳng định, nếu người dân còn gặp khó khăn gì thì hãy đề xuất với địa phương và thành phố để được giải quyết.

“Quan điểm của lãnh đạo thành phố là xem xét thấu tình, đạt lý đối với từng trường hợp cụ thể; đồng thời luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để bà con sớm nhận được đất TĐC cũng như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhanh chóng triển khai xây dựng nhà, sớm ổn định cuộc sống”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nói.

Từ đầu nhiệm kỳ (năm 2016) đến nay, HĐND thành phố đã tiếp nhận khoảng 1.300 đơn, thư, kiến nghị, phản ánh từ người dân. Qua theo dõi kết quả giải quyết đơn do Thường trực HĐND thành phố chuyển UBND thành phố, từ tháng 1-2017 đến ngày 30-8-2017, còn 55 trường hợp chưa có kết quả giải quyết cuối cùng; trong đó có 47 trường hợp quá hạn và 8 trường hợp chưa đến hạn.

Nguồn: HĐND thành phố Đà Nẵng

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.
.
.