Sáng 16-10, tại Trụ sở Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông trong việc chậm ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực.
Chế biến hạt điều xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc.
Phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết không phiên họp nào Thủ tướng không nhắc đến vấn đề đưa hoạt động kiểm tra chuyên ngành đi vào hiệu quả, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và coi đây là vấn đề rất quan trọng tạo dư địa cho tăng trưởng.
Xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành
Nhấn mạnh năm 2018 đã đi qua 4/5 chặng đường, song “còn nhiều cái đã hứa nhưng không làm được,” Bộ trưởng nêu yêu cầu của Thủ tướng tại Nghị quyết 19 (về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo) là phải cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa thực hiện được; mới chỉ cắt giảm được 1.517/6.191 điều kiện kinh doanh và 1.700/9.926 thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Dẫn ví dụ cụ thể, Bộ trưởng cho biết Bộ Giao thông Vận tải có các phương án đầu tiên về cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã hơn bốn tháng với cam kết cắt giảm 56% nhưng thực tế chưa làm được, chưa thể chế hóa bằng nghị định của Chính phủ.
“Hôm nay mời nhiều hiệp hội để minh chứng rằng điều kiện kinh doanh cắt có thực chất không, hay gom hai thành một, cắt cái nọ mọc cái kia, để tránh chuyện này phải có sự đối chất với các hiệp hội, phải minh bạch," Bộ trưởng nêu rõ, và cho biết các Bộ Tài chính, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông còn nợ nhiều.
Bộ trưởng chỉ ra sáu mặt được trong công tác này, đó là đã mạnh dạn đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, thay vì tiền kiểm đã chuyển mạnh sang hậu kiểm, điển hình là Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển 279/299 (đạt hơn 93%) danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành sang hậu kiểm, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Thứ hai là các bộ giảm cơ bản danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo. Các bộ đều ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn và phân cấp công bố rất rõ, tránh kiểm tra mò, suy diễn, không minh bạch.
Thứ ba là các bộ đã đẩy mạnh việc công nhận lẫn nhau, thừa nhận các kết quả kiểm tra của các cơ quan khác, xã hội hóa được hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ủy quyền cho 14 đơn vị kiểm tra chất lượng phân bón, Bộ Công Thương đã chỉ định 11 cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối hàng hóa nhập khẩu thuộc phạm vi của Bộ - điều mà trước đây không có. Không chỉ riêng cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra chuyên ngành mà doanh nghiệp tư nhân nếu có đủ điều kiện cũng có thể thực hiện.
Thứ tư, hầu hết danh mục hàng hóa được ban hành gắn với mã HS (mã hàng hóa xuất nhập khẩu), đây là sự quyết liệt của Bộ Tài chính, đảm bảo kiểm tra thông suốt khi thực hiện kiểm tra điện tử. Nhiều trường hợp được miễn kiểm về an toàn thực phẩm.
Thứ năm, các bộ-ngành tích cực thực hiện điện tử hóa kiểm tra chuyên ngành, tham gia cơ chế một cửa, một cửa ASEAN và kết nối các cơ quan kiểm tra chuyên ngành các bộ với hệ thống một cửa.
Thứ sáu, số tờ khai, lô hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu giảm. Năm 2015 còn khoảng 30% thì năm 2017 chỉ còn 19,4%. “Ví dụ, khi Chính phủ ban hành Nghị định 116 về kinh doanh ôtô thì cơ quan hải quan đã rất đổi mới, vận dụng linh hoạt để 200 xe, 400 xe cũng coi là một lô hàng, còn như trước đây nếu số xe quá hai con số là phải khai sang tờ khác," Bộ trưởng cho biết.
“Phải cải cách thực sự. Để làm được việc này, quyết tâm trong nội bộ phải rất lớn, vì liên quan đến lợi ích của một nhóm trong một bộ, một cơ quan nào đó. Nếu không có sự quyết tâm của lãnh đạo bộ không làm được. Cải cách thế này là cắt bỏ quyền lợi, động chạm nhất là lợi ích kinh tế," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Tổ công tác ghi nhận bảy bộ đã vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao trong đơn giản hóa, cắt giảm các dòng hàng phải kiểm tra. Trong đó, Bộ Công Thương đã cắt giảm 402/702 dòng hàng, Bộ Thông tin và Truyền thông cắt giảm 89/146 dòng hàng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cắt giảm 33/33 dòng hàng, Bộ Khoa học và Công nghệ cắt giảm 22/24 dòng hàng, Bộ Giao thông Vận tải đã cắt giảm 80/134 dòng hàng và đơn giản bảy thủ tục, Bộ Xây dựng cắt giảm 33/64 dòng hàng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cắt giảm 38/74 dòng hàng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, có những bộ tỷ lệ cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn rất thấp, còn rất nhiều điều kiện, thủ tục, hàng hóa phải quản lý, đặc biệt là Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Nhiều bộ đã lên phương án nhưng chưa cắt giảm điều kiện kinh doanh
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng chỉ rõ bảy tồn tại trong cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Đó là, nhiều cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành chưa áp dụng phương pháp quản lý rủi ro.
“Cần chuyển mạnh sang hậu kiểm, quản lý rủi ro, công nhận lẫn nhau, tạo ra các luồng xanh-vàng-đỏ và đánh giá sự tuân thủ của các doanh nghiệp. Kiểm tra ba lô hàng, chứng minh doanh nghiệp tuân thủ tốt thì không phải kiểm tra nữa," Bộ trưởng đề nghị.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, việc kiểm tra chuyên ngành đang áp dụng với rất nhiều mặt hàng nhưng chưa kết nối thông tin kết quả kiểm tra giữa các cơ quan kiểm tra. Tần suất kiểm tra còn cao trong khi tỷ lệ kiểm tra phát hiện ra vi phạm rất thấp (0,06%). Chỉ số này không khác gì 2017, chưa tiến bộ. Còn dư địa để cải cách tốt hơn.
“Các doanh nghiệp cũng rất tuân thủ, rất ý thức, vì nếu không tuân thủ thì tự mình trói mình. Chúng ta cần xem xét nghiêm túc để giảm chi phí thời gian, các chi phí chính thức và không chính thức của doanh nghiệp hơn nữa. Chúng ta đã giao ước với nhau mặt hàng đã ba lần liên tiếp trong 12 tháng đạt yêu cầu, đơn vị tuân thủ tất cả các điều kiện thì lần thứ tư miễn kiểm tra. Chúng ta nói như thế nhưng khi hàng hóa xuất nhập khẩu về chúng ta vẫn kiểm tra," Bộ trưởng nói.
Ông cho rằng nên xem kỹ không thông quan được, chậm thời gian thông quan là do đâu. “Do thủ tục kiểm tra chuyên ngành chứ không phải do hải quan vì nếu không có kết quả kiểm tra chuyên ngành thì không thông quan được, vẫn phải chờ. Việc kiểm tra hiện nay chủ yếu vẫn căn cứ vào lô hàng chứ không áp dụng những cái chúng ta đã nói," Tổ trưởng Tổ công tác khẳng định.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ lệ lớn. Việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Hiện mới có 53/283 thủ tục đã kết nối cơ chế một cửa ASEAN, tỷ lệ này là rất thấp, chưa nói với việc khi làm thủ tục lại tắc, nghẽn...
Về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, có bảy bộ vượt chỉ tiêu gồm Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn hóa-Thể thao và Du lịch.
Riêng Bộ Thông tin và Truyền thông mới cắt được 26/385 điều kiện kinh doanh, mới đạt 13%. Đặt câu hỏi “tại sao Bộ lại làm chậm thế?”, Tổ trưởng Tổ công tác gay gắt “như các bộ làm là thực hiện một nghị định sửa nhiều nghị định, nhưng ở đây, mỗi nghị định sửa một tí, một vài cái cũng dở dang ra thì làm sao làm được.
Trong khi Tổ công tác làm việc với Bộ đã nói việc này nhưng Bộ không rút kinh nghiệm. Cơ quan tham mưu giúp lãnh đạo Bộ không chuẩn. Tất cả những gì liên quan đến điều kiện kinh doanh là một nghị định sửa nhiều nghị định, thực hiện báo cáo Thủ tướng để cho phương án rút gọn. Người ta làm xong lâu rồi nhưng không làm, nay giăng một tí, mai giăng một tí, muốn giữ lại chứ không muốn bỏ."
Hay Bộ Giao thông Vận tải mới cắt giảm được 109/570 điều kiện kinh doanh (hơn 19%), Bộ Tư pháp cắt giảm 17/94 điều kiện kinh doanh (trên 17%). Vẫn còn đến 2.277 điều kiện kinh doanh đã lên phương án chưa cắt giảm được, thuộc trách nhiệm của các Bộ Tài chính, Thông tin-Truyền thông, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Tư pháp.
Phải chứng minh làm thực chất
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, bày tỏ cả xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào những cải cách của Chính phủ.
“Họ vừa kỳ vọng nhưng cũng rất nghi ngờ, nghi ngờ không biết có làm thật hay không? Cũng có dư luận nói Chính phủ, các Bộ bị bệnh thành tích, tuyên bố thế nhưng chưa thay đổi được. Đó là lo lắng theo tôi cũng hợp lý. Chúng ta phải chứng minh được chúng ta làm thực chất."
Ông phân tích những điểm mà doanh nghiệp nghi ngờ: “Lúc đầu, ta đặt mục tiêu cắt bỏ ít nhất 50% số điều kiện kinh doanh. Nếu cắt bỏ tức là tác động ngay, không phải làm gì cả, coi như bỏ cái đó. Sau đó Nghị quyết 01 đầu năm lời văn nhẹ đi, cắt bỏ, cắt giảm, đơn giản hóa. Cái nào là cắt, cái nào là đơn giản hóa? Trong 50% thì có thể chỉ 10% cắt bỏ, 40% đơn giản hóa thì tác động ngay chỉ là 10%. Đơn giản hóa lại phụ thuộc vào quá trình thực hiện ở bên dưới. Có thể không thay đổi gì về cách thức triển khai thực hiện cả, cái này chúng ta có thể quan sát thấy được ngay, như thế thì doanh nghiệp không được hưởng lợi cải cách từ đơn giản hóa."
Cũng theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, số cắt giảm hiện nay, có một bộ phận lâu nay là hình thức, do vậy không có nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp. Thủ tục kiểm tra chuyên ngành khá phổ biến, cần rà soát lại; đốc thúc mạnh hơn việc kết nối thủ tục vào cơ chế một cửa quốc gia; chuẩn hóa, số hóa hồ sơ, thủ tục…
“Nếu kết nối được phi giấy tờ như ở Văn phòng Chính phủ, coi các Bộ như các Vụ và kết nối lại theo cơ chế một cửa quốc gia này thì sẽ giải quyết được các vấn đề khác liên quan đến kiểm tra chuyên ngành," ông nói.
Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, thời gian qua, các bộ trưởng đã thực sự quan tâm đến cải cách điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành cũng như những cải cách khác. Tuy nhiên, chưa đạt được mục tiêu vì phần sửa đổi tương đối nhiều, phần bãi bỏ ít hơn nên tác động chưa đạt được như chúng ta kỳ vọng. Chính phủ rất quyết liệt, nhưng quá trình cải cách là quá trình liên tục và thường xuyên.
Ông đề nghị Bộ trưởng, Tổ trưởng Tổ công tác, sau khi các nghị định ban hành, có đánh giá thật đầy đủ về mức độ cải cách, cái gì là thực chất, cái gì là hình thức, so sánh để có câu trả lời cụ thể cho công luận về mức độ thay đổi thực tế thế nào, đặt nền tảng cho những cải cách tiếp theo. Thông điệp cải cách không chỉ dừng lại ở các bộ ở Trung ương mà phải truyền tải xuống được các tỉnh, địa phương.
Còn Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Bùi Công Tuấn nhìn nhận chế tài đang nghẽn nên tính hiệu lực của chính sách đang hạn chế. Cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chỉ là giải pháp trước mắt. Về dài hạn, quan trọng hơn là thực hiện Chính phủ điện tử.
Đặt vấn đề nên chăng các bộ, ngành có bộ phận rà soát, đôn đốc các kết quả triển khai, Chánh văn phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Đình Vũ cho rằng nếu không kiểm tra giám sát thì “nghị quyết, nghị định đầy túi áo, thông tư, thông cáo đầy túi quần nhưng việc vẫn không trôi”.
Theo Vietnam+