Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước: Mô hình rất thuận lợi, hợp lòng dân

.

Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận hiện  nay là việc tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Cùng với dư luận chung của cả nước, nhiều ý kiến cán bộ, đảng viên ở Đà Nẵng bày tỏ đồng tình, ủng hộ phương án Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước. Báo Đà Nẵng ghi nhận một số ý kiến.

Nguyên Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Quang Nga:
Việc gì có lợi cho dân, cho nước thì phải làm

Theo dõi diễn biến Hội nghị Trung ương 8 qua báo chí, tôi cho rằng việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước là chủ trương rất đúng đắn.

Việc nhất thể hóa hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước không phải chúng ta học theo nước khác, mà Đảng và Nhà nước đã trên quan điểm việc gì có lợi cho dân, cho đất nước thì phải làm. Điều đáng mừng là Trung ương Đảng rất sáng suốt khi đã giới thiệu người đủ điều kiện, đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước. Đây là lựa chọn hợp lòng dân, vì hiện nay nhìn vào thực tế Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đủ các tiêu chuẩn để nắm giữ trọng trách này. Việc nhất thể hóa 2 chức danh này đồng nghĩa với tinh gọn bộ máy, mở đầu cho tiến trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW (khóa XII). Đó là việc có lợi cho dân cho nước.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Liên Chiểu Nguyễn Văn Bình:
Bước đột phá cho việc tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị

Tôi rất hoan nghênh việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 8 đã thống nhất rất cao giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Với tình hình hiện nay, việc áp dụng mô hình này ở cấp cao nhất là cần thiết. Người đứng đầu Đảng đồng thời đứng đầu Nhà nước ta sẽ rất thuận lợi cho công tác của Đảng và Nhà nước cũng như các hoạt động đối nội và đối ngoại.

Thực tế, mô hình đảm nhiệm “hai vai” không phải là vấn đề mới, đã được triển khai thí điểm ở cấp địa phương trong nhiều năm với mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp quận, huyện, phường, xã ở một số địa phương - trong đó có Đà Nẵng, trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả nhất định. Cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ tạo đột phá tích cực đến việc thực hiện đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Ông Lê Văn Toàn, nguyên Bí thư Huyện ủy Hòa Vang:
Chủ trương hợp lòng dân

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất rất cao giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Bởi theo tôi, giai đoạn lịch sử của đất nước hiện nay đặt ra yêu cầu cần phải thực hiện mô hình này nhằm tăng cường vai trò quản lý đất nước; nâng cao vị thế, vai trò của nguyên thủ quốc gia trong công tác đối ngoại; quản lý tốt hơn tình hình đất nước, tăng cường thống nhất giữa Đảng với Nhà nước. Đây là mô hình rất thuận, không chỉ đối nội trong nước mà trong cả các quan hệ quốc tế.

Cho nên Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là phương án tốt nhất, hợp lòng dân nhất. Sau nửa nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đặt nhiều kỳ vọng vào việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nắm giữ trọng trách Chủ tịch nước sẽ góp phần đưa đất nước phát triển ngày càng mạnh mẽ, công tác xây dựng Đảng tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn.

Nhóm phóng viên Thời sự  thực hiện

;
.
.
.
.
.
.