Góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, đại biểu Vũ Thị Nguyệt cho biết, nhiều cán bộ trong ngành Y tế cảm thấy như bị gạt ra khỏi hệ thống đào tạo.
Đại biểu Vũ Thị Nguyệt. Ảnh: quochoi.vn |
Sáng 6-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (ĐH).
Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (đoàn Hưng Yên) nêu ý kiến về trình độ và văn bằng giáo dục ĐH Y tế. Đào tạo y tế là loại hình đào tạo đặc biệt về thời gian cũng như về văn bằng, chứng chỉ.
Để trở thành bác sỹ chuyên môn thì ngoài 6 năm được đào tạo ở trong trường ĐH thì phải cần ít nhất 2 đến 3 năm đào tạo chuyên sâu theo 2 hướng. Đó là đào tạo hàn lâm nghiên cứu gồm: thạc sỹ, tiến sỹ và đào tạo hành nghề chuyên môn gồm: chuyên khoa, chuyên khoa sâu, bác sỹ nội trú, chuyên khoa I và chuyên khoa II.
Bên cạnh đó, cán bộ y tế còn phải thường xuyên được đào tạo, cập nhật kiến thức. Việc học đối với họ gần như là suốt đời và không bao giờ là đủ.
Có thể nói, đối với bác sỹ đào tạo nội trú là nguồn nhân lực tinh túy, chất lượng cao của ngành Y tế. Đối với loại hình đào tạo chuyên khoa I và chuyên khoa II là nguồn đào tạo chủ lực trong việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở các bệnh viện.
Các loại hình này đã tồn tại hàng chục năm nay, được hệ thống giáo dục trong nước và thế giới công nhận.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Thị Nguyệt băn khoăn, trong dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi lần này lại bỏ mất trình độ và văn bằng chuyên sâu ngành Y khoa. Trong khi thực tế đây không phải là vấn đề mới.
Tại Điều 39, Luật Giáo dục năm 1998 đã quy định và có những hướng dẫn cụ thể tại các văn bản dưới luật nhưng không hiểu sao trong những luật sau lại không quy định loại hình đào tạo cũng như loại văn bằng này nữa.
“Tôi và rất nhiều cán bộ trong ngành Y tế cảm thấy như mình bị gạt ra khỏi hệ thống đào tạo chung và rất tâm tư khi không biết mình đang đứng ở đâu và được ai công nhận.
Nếu như trong Dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi lần này không quy định thì có thể phải mất 10 năm nữa, những người như chúng tôi lại tiếp tục hành trình tìm lại chính mình do đã bị pháp luật bỏ quên”, biểu Vũ Thị Nguyệt trăn trở.
Do đó, đại biểu Vũ Thị Nguyệt đề nghị trong Dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, tại Điều 6, Khoản I cần quy định rõ trình độ tương đương thạc sỹ, tiến sỹ hoặc trình độ chuyên gia. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn ở trong nước và trên thế giới.
Chính phủ nên đưa ra những quy định cụ thể về bằng cấp ngành Y khoa
Góp ý vào vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), cho rằng, tại Điều 73 về đào tạo y khoa giao cho Chính phủ quy định. Với quy định này còn mang tính chung chung, mơ hồ, chưa đi được vào thực tế trong cuộc sống. Vì không biết bao giờ Chính phủ mới tập trung họp để triển khai đánh giá vấn đề còn tồn đọng ở các trường đào tạo y khoa.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí. |
Hiện nay, việc đào tạo bác sỹ chuyên khoa gần như chưa chính thức, chưa chính danh. Điều này có thể giảm chất lượng đào tạo y khoa, khó có thể hội nhập với quốc tế.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, chúng ta cần thống nhất mô hình đào tạo y khoa ở Việt Nam theo đúng với tiêu chuẩn đào tạo quốc tế. Một người học y khoa trong 4 năm thì được gọi là cử nhân y khoa.
Sau đó, nếu họ muốn làm bác sỹ điều trị thì họ học theo hệ lâm sàng và sẽ học tiếp 1 năm nội trú và học thêm khoảng 3 năm chuyên tu. Như vậy, họ sẽ học từ 8 đến 9 năm, sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành bác sỹ chuyên khoa giỏi về tay nghề, làm việc ở trong các bệnh viện.
Loại thứ 2 là những người học hết 4 năm rồi lại học thêm 2 năm nữa thì sẽ được lấy bằng Thạc sỹ y khoa. Nếu học tiếp tục học tiếp 3 năm nữa để lấy bằng Tiến sỹ y khoa. Những thạc sỹ, tiến sỹ y khoa này có giảng dạy ở các trường ĐH và họ không làm lâm sàng.
Những điều này nên được đưa vào Luật Giáo dục ĐH sửa đổi. Chính phủ cũng nên đưa ra những quy định rất cụ thể về thời gian học, tuyển sinh, bằng cấp ngành Y khoa thì mới có thể thực thi được.
Theo VOV