Kể từ ngày thành lập Đảng bộ huyện (20-11-1945), trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, nhưng Đảng bộ huyện Hòa Vang và các đảng viên vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với Bác Hồ, với nhân dân, lập nên nhiều chiến công vang dội trong hai cuộc kháng chiến, cùng những thành tựu nổi bật đã làm rạng rỡ quê hương trong thời kỳ đổi mới.
Diện mạo của huyện Hòa Vang ngày càng phát triển nhanh chóng. TRONG ẢNH: Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Trong giai đoạn 1936-1939, phong trào cách mạng của huyện Hòa Vang dần hình thành và lớn mạnh; vì vậy việc thành lập một chi bộ Đảng để lãnh đạo phong trào trở thành một yêu cầu tất yếu, khách quan. Trước tình hình đó, 3 đồng chí Nguyễn Hữu Tú, Nguyễn Lương Thúy, Nguyễn Như Gia qua đồng chí Trương An thành lập một nhóm để sinh hoạt gọi là Nhóm thanh niên Ngã Tư. Đến giữa năm 1939, đồng chí Ngô Diễn là phái viên của Tỉnh bộ về kiểm tra phong trào đã công nhận và đổi tên nhóm thành chi bộ Phổ Lỗ Sỹ do đồng chí Nguyễn Hữu Tú làm Bí thư. Đây là chi bộ tiền thân của Đảng bộ huyện. Từ đó, phong trào cách mạng không ngừng phát triển dưới sự lãnh đạo của chi bộ, đến những ngày mùa thu lịch sử tháng 8-1945, cùng với cả nước, phong trào khởi nghĩa giành chính quyền ở Hòa Vang diễn ra sôi nổi, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo trực tiếp thống nhất trong toàn huyện.
Trước yêu cầu đó, Tỉnh ủy Quảng Nam triệu tập hội nghị thành lập Huyện ủy Hòa Vang. Hội nghị thống nhất thành lập Huyện ủy lâm thời có 5 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Hữu Tú làm Bí thư. Ngày 20-11-1945 trở thành ngày thành lập của Đảng bộ huyện Hòa Vang.
Sau khi Đảng bộ được thành lập một thời gian ngắn, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Bác Hồ, Huyện ủy tập trung kiện toàn bộ máy lãnh đạo từ huyện đến xã; xây dựng căn cứ kháng chiến Trung Mang, lập căn cứ địa Đồng Xanh-Đồng Nghệ đặt cơ quan lãnh đạo huyện; chỉ đạo xây dựng, động viên các lực lượng du kích, tự vệ chiến đấu, phục vụ chiến đấu và giành nhiều chiến thắng vang dội như: chiến thắng Hải Vân lần thứ nhất tháng 2-1947; Chiến thắng Trường Định tháng 3-1947; chiến thắng Hải Vân lần thứ hai tháng 5-1948... đã đóng góp vào thắng lợi chung của toàn tỉnh.
Sau thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ, Mỹ trực tiếp nhảy vào xâm lược miền Nam nước ta. Tháng 10-1954, hội nghị Huyện ủy mở rộng họp tại thôn Thạch Bồ đề ra chủ trương chuyển toàn bộ tổ chức vào hoạt động bí mật với gần 30 chi bộ và hơn 420 đảng viên. Sau hội nghị này, ta đẩy mạnh các phong trào đấu tranh đòi Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định Genève, thực hiện hòa bình và tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Trong những ngày đêm sóng gió của cách mạng, nhiều đồng chí như Mai Đăng Chơn, Trần Văn Hoa, Đào Ngọc Chua, Trần Văn Đán đã lặn lội từ vùng này qua vùng khác để động viên, cổ vũ quần chúng giữ vững tinh thần đấu tranh; lãnh đạo phong trào đấu tranh của quân và dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Từ ngày 25-3-1975, sau khi nhận được chỉ thị của Đặc khu ủy Quảng Đà, các đồng chí bí thư các khu đã cấp tốc họp với các xã bàn phương án khởi nghĩa ở cơ sở, chuẩn bị mở đường cho Sư đoàn 2 và các lực lượng bộ đội vào giải phóng Đà Nẵng, “sẵn sàng huy động lực lượng quần chúng phối hợp với bộ đội bao vây, gọi hàng các điểm chốt, tạo điều kiện thuận lợi cho đường tiến quân của ta”, sử dụng lực lượng tại chỗ thực hiện phương châm “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, không được do dự để mất thời cơ ngàn năm có một”. Chấp hành chủ trương trên, lực lượng du kích Hòa Vang đã cùng bộ đội địa phương chủ động tiến công địch trên khắp mặt trận. Đúng 17 giờ ngày 28-3-1975, ngọn cờ cách mạng đã tung bay trên nóc tòa hành chính quận Hòa Vang - ghi dấu ngày toàn thắng của quân và dân ta, khép lại một chặng đường, một giai đoạn lịch sử “Đau thương mà anh dũng” trong 30 năm (1945-1975).
Ngày 5-9-1986, Đảng bộ Hòa Vang tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IX. Đại hội đề ra phương hướng: tập trung phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu; tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp; tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đổi mới cơ chế quản lý, phong cách lãnh đạo; bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Ngày 21-11-2005, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIV được tổ chức trọng thể. Trong nhiệm kỳ, huyện quan tâm xúc tiến thu hút đầu tư các điểm tham quan du lịch trên địa bàn, xây dựng trung tâm hành chính huyện, trung tâm y tế huyện, xây dựng các khu dân cư đô thị theo quy hoạch của thành phố, đề xuất thành phố quan tâm thu hút đầu tư vào địa bàn huyện...
Ngày 10-8-2010, Đảng bộ huyện tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ XV, đề ra phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2015 là: khai thác tiềm năng, lợi thế, mọi nguồn lực để xây dựng Hòa Vang thành huyện nông thôn mới, phát triển toàn diện cả 3 vùng đồng bằng, trung du, miền núi, mở rộng đô thị hóa các vùng trọng điểm, vùng lân cận trung tâm thành phố; tập trung tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp, thương mại - du lịch gắn với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch chung của thành phố; chăm lo phát triển văn hóa, giải quyết tốt an sinh xã hội, chú trọng xây dựng Đảng; phấn đấu đến năm 2015 có 7 đến 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngày 30-8-2015, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVI xác định phương hướng chung của cả nhiệm kỳ là “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, phát huy truyền thống đoàn kết, huy động mọi nguồn lực để xây dựng Hòa Vang giàu đẹp, văn minh, phát triển bền vững”. Đại hội cũng xác định 3 đột phá chiến lược là: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị, gắn với du lịch sinh thái, bảo vệ cảnh quan môi trường; tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư để phát triển theo hướng đô thị; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trải qua 73 năm đấu tranh, xây dựng và trưởng thành, bước vào thời kỳ hòa bình, độc lập, Đảng bộ đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, có nhiều đóng góp nổi bật vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn thành phố, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG
(Viết theo tư liệu của Huyện ủy Hòa Vang)