DỰ ÁN LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI)

Phải thông qua trình tự 3 kỳ họp

Ngày 19-11, Quốc hội (QH) tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). ĐB Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố tham gia phát biểu thảo luận tại phiên họp này.

Theo chương trình, kỳ họp này QH sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 7 sắp đến đối với dự án Luật Thi hành án hình sự (THAHS) sửa đổi. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Bá Sơn, thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri và tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với dự án luật này tại địa phương, nhất là cử tri công tác tại các cơ quan tư pháp, Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng nhận được nhiều ý kiến đề nghị QH nên xem xét, quyết định thông qua dự án luật này theo trình tự 3 kỳ họp; vì hiện nay dự án luật này còn có nhiều vấn đề bất cập, chồng chéo, một số vấn đề còn mới, chưa được kiểm nghiệm trên thực tiễn, cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ. Đoàn ĐBQH thành phố có văn bản báo cáo vấn đề này và đề nghị Ủy ban Thường vụ QH cân nhắc, quyết định.

Điều 25 và Điều 37 của dự thảo luật quy định thi hành quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Bá Sơn, tại 2 điều luật này chưa quy định về trường hợp người được hoãn, tạm đình chỉ chuyển nơi cư trú sẽ được giải quyết như thế nào. Đây là “khoảng trống” của pháp luật dẫn đến quá trình theo dõi, quản lý đối tượng này gặp khó khăn trong việc tiếp tục xem xét việc hoãn, tạm đình chỉ. ĐB Nguyễn Bá Sơn đề nghị cần bổ sung 1 khoản mới tại Điều 25 quy định “về trường hợp người được hoãn chấp hành án phạt tù thay đổi nơi cư trú với lý do chính đáng”. Quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan tòa án thực hiện việc bổ sung, thay đổi quyết định hoãn chấp hành án phạt tù (nếu có); đồng thời, ràng buộc trách nhiệm của cơ quan THAHS và UBND cấp xã nơi người được hoãn chấp hành án phạt tù chuyển đến cư trú.    

Liên quan đến việc thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại (PNTM), ĐB Nguyễn Bá Sơn đề nghị cần cân nhắc, đối chiếu với khoản 1, Điều 3 giải thích về người chấp hành án để sửa đổi, bổ sung và viết lại theo hướng “PNTM chấp hành án là PNTM bị kết án, phải chịu hình phạt theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành án” để bảo đảm thống nhất.

Tại một số điều của Chương XI có quy định về nơi nhận quyết định thi hành án vừa là PNTM chấp hành án, vừa là người đại diện theo pháp luật của PNTM, chỉ cần quy định gửi cho người đại diện theo pháp luật của PNTM chấp hành án là đủ; bởi vì, chỉ có người đại diện theo pháp luật của PNTM mới có đủ điều kiện, khả năng và tư cách để tổ chức thực hiện nghĩa vụ của PNTM phải chấp hành. Quy định này cũng nhằm loại trừ việc né tránh trách nhiệm, kéo dài thời gian triển khai thực hiện việc thi hành án trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của PNTM cho rằng không nhận được quyết định thi hành án; mặt khác, cũng nhằm giảm bớt thủ tục không cần thiết cho cơ quan tòa án nơi ra quyết định.  

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 35, 77 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với PNTM phạm tội; do đó, ĐB Nguyễn Bá Sơn đề nghị bổ sung các quy định liên quan đến việc thi hành hình phạt tiền đối với PNTM phạm tội để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Bộ luật Hình sự và các luật có liên quan.

VŨ HƯNG

;
.
.
.
.
.
.