Theo số liệu của cơ quan chức năng, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, Đà Nẵng đã tăng thêm 81.000 phương tiện giao thông các loại, đạt hơn 1 triệu phương tiện.
Dự báo đến năm 2030, dân số thành phố đạt khoảng 2,5 triệu người (tăng gấp đôi hiện nay), kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ các phương tiện giao thông, đồng nghĩa với thách thức nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường và tiếng ồn.
Khí thải của các phương tiện giao thông gồm có các thành phần độc hại (CO2, NOX, SOX, benxen, hơi xăng dầu, bụi chì và các hạt bụi lơ lửng PM10...) ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, gây ra các bệnh lý về phổi (viêm phổi, ung thư phổi...); đồng thời tác động đến các chỉ số phát thải khí nhà kính vào môi trường.
Mặt khác, các kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH) cho thấy, người dân sống trong khu vực có tiếng ồn quá lớn thường dễ mất ngủ, tăng mức độ căng thẳng, lo lắng, mất tập trung và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe (như tăng tốc độ nhịp tim dẫn đến bệnh cao huyết áp...).
Để giải quyết bài toán giảm thiểu ô nhiễm khí thải và tiếng ồn do phương tiện giao thông đô thị, theo GS, TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, thành phố Đà Nẵng cần tập trung các giải pháp trước mắt và lâu dài cho vấn đề này. Trước mắt, thành phố cần có chính sách khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông dùng nhiên liệu sạch.
Giải pháp này là hoàn toàn khả thi về mặt công nghệ. Ở các nước phát triển, phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, taxi) đều phải sử dụng nhiên liệu sạch như khí dầu mỏ hóa lỏng, khí thiên nhiên... Chính quyền cũng khuyến khích phương tiện cá nhân dùng nhiên liệu sạch với các chính sách trợ giá nhiên liệu hay giảm thuế.
Trong điều kiện thực tế của Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, xe máy vẫn là phương tiện giao thông phổ biến, thành phố nên nghiên cứu quy hoạch và bố trí các trạm cung cấp nhiên liệu sạch cho phương tiện giao thông cá nhân tại các địa điểm phù hợp.
Mặt khác, chính quyền thành phố cần tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân tiến đến cấm lưu thông các phương tiện giao thông gây ô nhiễm (sử dụng nhiên liệu diesel hoặc không đạt tiêu chuẩn EURO4). Song song đó, thành phố cần nghiên cứu lắp đặt các trạm quan trắc đo mức độ phát thải của mỗi loại phương tiện tại các cửa ngõ ra vào thành phố, các nút giao thông chính để có giải pháp phù hợp giảm thiểu mức độ ô nhiễm khí thải và tiếng ồn.
Việc công khai các chỉ số đo được và chất lượng môi trường có tác dụng tâm lý rất tốt để người dân tham gia giao thông có ý thức trách nhiệm hơn, góp phần làm cho môi trường sống ngày càng trong lành.
Về lâu dài, thành phố nên ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng để có lộ trình giảm dần phương tiện giao thông cá nhân.
Việc thực thi chính sách đầu tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển công nghệ phục vụ phương tiện giao thông sạch, thân thiện với môi trường; nghiên cứu ứng dụng năng lượng tái tạo và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cung cấp nhiên liệu sạch cũng cần được triển khai.
Không có thành phố văn minh nào trên thế giới mà không có hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh. Với Đà Nẵng, trong giai đoạn quy hoạch, chỉnh trang đô thị, vấn đề giao thông công cộng cần được xem là mục tiêu, giải pháp quan trọng.
Xu hướng tương lai, các phương tiện giao thông chủ yếu sử dụng năng lượng điện nên khi quy hoạch giao thông đô thị cần tính đến yếu tố này. GS,TSKH Bùi Văn Ga nhấn mạnh, nếu không tính toán căn cơ, sau này thành phố sẽ phải đầu tư các tuyến tàu điện ngầm tốn kém, phức tạp hơn rất nhiều lần so với phương án xây dựng các trục tàu điện chính.
Bên cạnh các giải pháp khoa học và thực tiễn của chuyên gia, thành phố cũng cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, nhất là giáo dục học sinh ngay từ bậc phổ thông nhằm góp phần kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm khí thải và tiếng ồn để Đà Nẵng thực sự trở thành thành phố môi trường, văn minh và đáng sống, là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.
PHƯƠNG TRÀ