Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Quy định không hợp lý thì sửa ngay

.

Ngày 31-10, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường với không khí chất vấn thẳng thắn, sôi nổi và phần trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành cơ bản đáp ứng mong mỏi của cử tri.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên thảo luận. Ảnh: VGP
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên thảo luận. Ảnh: VGP

Bỏ quy định “đuổi học sinh, sinh viên bán dâm 4 lần”

Trả lời chất vấn của ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) về việc đánh giá dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, quy định trong các văn bản thông tư của ngành rất nhiều, Bộ GD&ĐT đã tiến hành rà soát thông tư từ nhiều năm gần đây. “Quy định đuổi học sinh, sinh viên bán dâm có từ năm 2007, đầu năm 2016 cũng có thông tư.

Quy định này đã có, khi rà soát chúng tôi yêu cầu nội dung không phù hợp phải bỏ và trong đó có vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, do cán bộ rà soát năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém nên đưa lên gây phản ứng. Khi biết sự cố này, tôi yêu cầu bỏ ngay, không đưa những nội dung này vào thông tư nữa”. Tranh luận lại Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ĐB Phạm Thị Minh Hiền cho rằng: “Tôi hỏi vai trò của người đứng đầu, nhưng không thấy bộ trưởng nhận trách nhiệm mà chuyển cho một cá nhân khác. Chỉ khi nào bộ trưởng nhận thấy trách nhiệm của người đứng đầu, nhận ra năng lực quản trị của bộ máy quản lý Nhà nước về giáo dục có vấn đề, có hạn chế thì mới có giải pháp lấy lại sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục”. Điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu những quy định không hợp lý, gây phản cảm xã hội phải sửa ngay.

Tiến tới “xoá mù” về tri thức công nghệ

Trả lời ĐB Đinh Duy Vượt (tỉnh Gia Lai) về vấn đề quản lý Nhà nước cũng như giải pháp ngăn chặn tội phạm trên không gian mạng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các hoạt động phạm pháp trên mạng như gian lận, lừa đảo, đánh bạc… cơ bản giống như trong cuộc sống thật. Vì vậy, vấn đề đặt ra không chỉ hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý không gian mạng mà tất cả các quy định về quản lý xã hội đều phải lưu ý đến các hình thái phát sinh trên không gian mạng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng mọi người dân phải được phổ biến kiến thức, tuyên truyền, nắm bắt được các xu thế phát triển của khoa học công nghệ: “Tiến tới mọi người dân Việt Nam đều được “xoá mù” về tri thức công nghệ nói chung, đặc biệt là những tri thức cơ bản về công nghệ thông tin”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời chất vấn. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời chất vấn. Ảnh: VGP

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Bình Thuận) về giải pháp xử lý thông tin sai trái trên mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng thông tin sai trên mạng xã hội là câu chuyện toàn cầu và ngày càng tăng. Để xử lý, trước hết cần định nghĩa thế nào là thông tin sai bằng pháp luật trên mạng xã hội và cần sửa đổi một số quy định của pháp luật. Cái khó hiện nay là những mạng xã hội xuyên biên giới cung cấp từ nước ngoài vào Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, mạng xã hội không phải là ảo nữa mà thực, không nên bỏ trống “trận địa” này. Về quản lý sim rác, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng phải có dữ liệu công dân chính xác. Đây là giải pháp căn cơ nhất; cần sớm nhanh chóng xây dựng dữ liệu công dân, không chỉ câu chuyện sim rác mà còn cho cả Chính phủ điện tử.

Cũng trong ngày 31-10, ĐBQH chất vấn các bộ trưởng nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực: Quản lý đất đai khi doanh nghiệp cổ phần hóa; giải pháp khoa học công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu; kết nối du lịch vùng đông bắc; hạn chế tiền mặt trong lưu thông; nâng cao chất lượng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý phế liệu nhập khẩu ách tắc tại các cảng biển; chính sách người có công; xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra; phòng vệ thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, ngăn chặn hàng giả, hàng lậu; quản lý chất thải các nhà máy nhiệt điện...

Hôm nay (1-11), kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn cuối cùng.

Thủ tục liên quan dự án ODA mất nhiều thời gian

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về quy trình thủ tục liên quan đến dự án ODA kéo dài thời gian gây thiệt hại ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết: Quy trình, thủ tục đã được thiết kế hết sức chặt chẽ, gồm 4 bước: Đề xuất dự án, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư, ký kết hiệp định và triển khai dự án. Bốn quy trình này phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Bộ trưởng giải trình thêm rằng, trên thực tế, quy trình này phức tạp hơn. Bởi vì, bên cạnh quy trình trong nước thì chúng ta phải thực hiện các yêu cầu, quy định của các nhà tài trợ ngoài nước. Như vậy, có 2 quy trình trong 1 dự án nên thường kéo dài hơn. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Thời gian chuẩn bị dự án không chỉ có 6 tháng mà trung bình là từ 2-3 năm, có dự án lớn, phức tạp phải đến 5 năm mới xong”. Theo Bộ trưởng, việc chuẩn bị dự án càng kỹ, càng tốt, chất lượng càng cao khi triển khai thực hiện càng nhanh, càng hiệu quả và không phát sinh chi phí.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng thừa nhận việc xử lý chất lượng hồ sơ chưa tốt, chưa đầy đủ, phải giải trình nhiều lần; trong đó bao gồm các bước về thủ tục. Các bộ, ngành, các cơ quan tham gia xử lý chưa nhanh, thiếu nhất quán và còn chưa rõ, chung chung nên mất nhiều thời gian. Về phần này, Bộ KH&ĐT xin nhận trách nhiệm sẽ rà soát, đôn đốc và làm sao giải quyết các thủ tục minh bạch và nhanh hơn để đáp ứng yêu cầu, quản lý chặt chẽ.

Chưa đồng ý với trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ĐB Kim Thúy tiếp tục tranh luận: “Tôi muốn trao đổi thêm và đề nghị bộ trưởng trả lời rõ về việc liên quan đến chi phí cơ hội, chi phí về thời gian. Chỉ vì thủ tục mà tốn kém chi phí xã hội. Trong hoàn cảnh đất nước gặp khó khăn về tài chính, có được nguồn tài trợ, đặc biệt là vốn ODA không hoàn lại thì càng đáng quý. Nhưng khi làm thủ tục tiếp nhận gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại do thủ tục trong nước gây ra như yêu cầu tổ chức nhận vốn ODA phải có cơ quan chủ quản, trong khi luật pháp không quy định, mà chính văn bản dưới luật tạo ra rào cản”. ĐB Kim Thúy đề nghị Bộ KH&ĐT cần tổng kết đánh giá xem quy trình thủ tục phê duyệt như vậy trung bình hết bao nhiêu thời gian ở tất cả các cấp; toàn bộ thời gian đó gây tốn kém, thất thoát cho Nhà nước bao nhiêu tiền; tại sao vốn ODA nhân đạo không hoàn lại phải phê duyệt phức tạp như vậy để làm gì… Kết thúc phần tranh luận của mình, ĐB Kim Thúy nêu quan điểm: “Chúng ta đừng quá kỳ vọng và cũng không nên kỳ thị vốn ODA. Mà vấn đề là chúng ta quản lý, sử dụng và phát triển nó như thế nào, chứ không vì quản lý không được thì tạo ra rào cản”. (VŨ HƯNG)

Đặng Nở
 

;
.
.
.
.
.
.