Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 69/2018/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019. Theo đó, mục tiêu tổng quát là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng phát triển y tế, giáo dục-đào tạo, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Củng cố quốc phòng-an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Các chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 - 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 - 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24 - 24,5%; số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.
Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội cơ bản tán thành nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị trong các báo cáo thẩm tra, báo cáo giám sát chuyên đề. Quốc hội đề nghị các cơ quan thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Kết luận số 37-KL/TW ngày 17-10-2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019; trong đó tăng cường năng lực, chủ động phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp và kịp thời…
Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14 về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan.
Quốc hội quyết nghị phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan (tên tiếng Anh là Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, gọi tắt là Hiệp định CPTPP) được ký ngày 8-3-2018 tại thành phố Santiago, Cộng hòa Chile. Toàn văn Hiệp định CPTPP ghi tại Phụ lục 1 kèm theo nghị quyết này.
Nghị quyết nêu rõ, áp dụng toàn bộ nội dung của Hiệp định CPTPP, trong đó áp dụng trực tiếp các quy định của Hiệp định CPTPP tại Phụ lục 2.
Quốc hội giao Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các dự án luật tại Phụ lục 3 và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại; đồng thời xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP và thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện nghị quyết này.
Theo TTXVN