Quần đảo Hoàng Sa qua nguồn tài liệu lưu trữ tại Pháp

.

Trên trang Thư viện Quốc gia hay Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Pháp, hiện còn lưu giữ khá nhiều tài liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Các nguồn tài liệu này rất đa dạng, từ việc phản ánh các điều kiện tự nhiên, sinh thái, thổ nhưỡng đến quá trình khai thác các nguồn lợi trên quần đảo Hoàng Sa của thực dân Pháp cũng như quá trình khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam trước sự tranh chấp của Trung Quốc và Nhật Bản đương thời...

Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi xin được cập nhật và giới thiệu thêm một số nguồn tài liệu lưu trữ tại Pháp phản ánh các nội dung liên quan đến quần đảo Hoàng Sa thời kỳ cận đại; qua đó góp phần bổ sung nguồn tư liệu nhằm làm sáng tỏ hơn quá trình nghiên cứu về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Hình ảnh đăng trên tờ Le Monde Illustré, số 270, ngày 14-6-1862.
Hình ảnh đăng trên tờ Le Monde Illustré, số 270, ngày 14-6-1862.

Kỳ 1: Hoàng Sa qua tờ Thế giới Họa báo (Le Monde Illustré)

Sự kiện 1.100 lính Tây Ban Nha gốc Phi Luật Tân (Philippines), trên đường trở về Manila bằng tàu Europe và đã bị đắm ở rạn san hô đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa cùng các thủy thủ và sĩ quan quân Pháp là một câu chuyện khá thú vị.

Họ đã bị dạt vào đảo Tri Tôn, phải trải qua những ngày tháng gian nan, khổ ải và sóng gió trước khi được đoàn cứu trợ đưa về Sài Gòn. Sự kiện này đã được báo Le Monde Illustré phản ánh qua nhiều số khác nhau.

Cụ thể, ở bài viết đầu tiên đăng tải trên Le Monde Illustré, số 172, năm 1960, Maxime Vauvert đã có những tường thuật bước đầu về nguyên nhân đắm tàu là do đi ngược hướng gió, lại va phải những bãi đá ngầm san hô ở bên phải mạn tàu, nên tàu Europe ngay lập tức bị đắm cùng tất cả tài sản trên tàu.

Các thủy thủ đoàn dạt lên hòn đảo nằm ở phía tây nam (đảo Hải Nam) có tên là Tri Tôn. Để có thể sống sót, ngoài việc tìm kiếm các nguồn thức ăn sẵn có trên đảo, thuyền trưởng Brunet và các thủy thủ đoàn đã buộc phải tận dụng những gì còn sót lại của con tàu để dựng trại, đồng thời, khẩu phần thức ăn và nước uống đều buộc phải giảm xuống chỉ còn 1/4 cho mỗi người.

Việc canh phòng nguồn thực phẩm và nước uống (đề phòng các thủy thủ vì đói mà tranh giành nhau) cũng được tiến hành một cách nghiêm ngặt (1).

Báo Le Monde Illustré, số 270 phần I, II, ngày 14-6-1862; số 271, phần III, ngày 21-6-1862; số 272, phần 4, 5, ngày 28-6-1862 và số 273, phần 5, 6, ngày 5-7-1862, tiếp tục đăng tin về vụ đắm tàu này.

Theo đó, ngay sau khi tàu bị đắm, Trung úy Hải quân Tây Ban Nha là Ariquistan với sự táo bạo, gan dạ của mình đã đăng ký xung phong chỉ đạo 12 thuyền viên khác dùng tàu Soledad (hay còn gọi là tàu fallouah, đây là loại pháo hạm Tây Ban Nha nhỏ, chở 12 người chèo thuyền và một đại bác, đã tham gia trong tất cả cuộc chiến ở Đà Nẵng), vượt bãi đá ngầm trên đảo Tri Tôn để tìm đường đến Sài Gòn kêu gọi sự giúp đỡ.

Cập được bến Sài Gòn, Ariquistan ngay lập tức tìm kiếm sự giúp đỡ của viên chỉ huy Aries. Lúc này, dù đang bận phải đối phó với những đợt tấn công của binh lính An Nam, nhưng Aries với tinh thần nhân đạo và nhất là những thỏa thuận hợp tác giữa hai nước Pháp - Tây Ban Nha trước đó, đã đồng thuận việc cứu trợ các thủy thủ đoàn bị đắm tàu đang ở trên đảo Tri Tôn.

Ngay khi nhận được sự giúp đỡ, Ariquistan lập tức lên tàu Norzagaray khởi hành ra đảo Tri Tôn, dưới lệnh chỉ huy của thuyền trưởng, Trung úy Hải quân Lespès. Cùng thời gian này, ba chiếc tàu khác cũng đã được cử đi hỗ trợ là tàu Marne, Saôn và Tien Shang.

Sau 14 ngày, đoàn cứu trợ đã đón được các nạn nhân của vụ đắm tàu. Trước khi đoàn rời đi, “Người ta để lại trên đảo Tri Tôn (thực ra là do tàu cứu vớt quá nhỏ không đủ chỗ) 20.000 lít rượu vang, 5.000 lít rượu mạnh, bếp chưng nước của tàu Europe, áo quần, lều. Những đồ vật để lại này có thể giúp ích cho những người khác nếu bị đắm tàu, giúp họ thoát khỏi sự chết chóc...

Đây không phải là lần đầu tiên, từ khi có sự chiếm đóng của chúng ta ở các bờ biển An Nam, mà những người đắm tàu ở vùng biển Hoa Nam này, vùng đáng sợ nhất trên thế giới, và xảy ra rất hung dữ độc địa thường xuyên đã cầu cứu người Pháp ở Đà Nẵng hay Sài Gòn. Rất nhiều tàu Anh và Mỹ đã đắm, mất người và của ở các bãi san hô của bãi Thám hiểm (Investigator) hay quần đảo Hoàng Sa” (2).

TS. DƯƠNG THANH MỪNG (Bảo tàng Đà Nẵng)

(1) Le Monde Illustré, No.172, 28 juillet1860, pp.59-60.

(2) Le Monde Illustré, No.270, 14 juin 1862, pp.373-375; No.271, 21 juin 1862, pp.394-395; No.272, 28 juin 1862, pp.410; No.273, 5 juillet 1862, pp.6-7; Vụ việc này cũng đã được đề cập đến trong công trình của Colonel Henri de Ponchalon (1896), Indo-chine souvenirs de voyage et de campagne 1858 - 1860, Maison A. Mame et Fils à Tours, Paris. Một vài số báo trên đã được dịch sang tiếng Việt qua công trình của Nguyễn Đức Hiệp (2017), Sài Gòn - Chợ Lớn nửa cuối thế kỷ XIX, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, tr.16-39.

;
.
.
.
.
.
.
.