VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI

Còn nhiều rào cản

.

Trở về từ Cơ sở Xã hội Bầu Bàng với chứng chỉ hoàn thành lớp may giày, L.V.N (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) đến một cơ sở giới thiệu việc làm trên đường Lê Độ nộp đơn xin việc. Với việc đề xuất lương khởi điểm 3 triệu đồng/tháng, anh N. hy vọng sẽ sớm có việc làm. Sau 2 tuần chờ đợi không thấy phản hồi, đến trung tâm giới thiệu việc làm hỏi kết quả, anh N. được nhân viên nơi này cho biết: “Chúng tôi rất tích cực tìm việc cho anh, tuy nhiên khi biết anh vừa cai nghiện xong thì họ (nhà tuyển dụng - P.V) đều nói chờ... để tìm công việc phù hợp”. 

Hội viên câu lạc bộ Can thiệp sớm dự phòng nghiện ma túy phường Hòa An trong một lần đến thăm học viên Cơ sở Xã hội Bầu Bàng học nghề may giày thể thao.
Hội viên câu lạc bộ Can thiệp sớm dự phòng nghiện ma túy phường Hòa An trong một lần đến thăm học viên Cơ sở Xã hội Bầu Bàng học nghề may giày thể thao.

Tâm sự với chúng tôi về những ngày đầu xin việc, N. chua chát nói: “Những người từng nghiện ma túy như chúng em rất khó xin vào làm ở một doanh nghiệp nào đó, cách duy nhất là tự làm chủ! Hiện em đã có việc sửa giày, dép ở một chợ trung tâm thành phố nhưng “lý lịch” thì em nhất định giữ kín, vì nếu nói ra, rất có thể nhiều người không đưa giày, dép cho mình sửa nữa”.

Còn anh H. (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) là một trong số ít người không giấu quá khứ nghiện ngập của mình và đã phải “trả giá” khá đắt qua công việc. Dù 10 năm nay, anh H. đã ổn định với nghề sơn vôi, và thợ của anh cũng là những người bạn từng cai nghiện ở Cơ sở Xã hội Bầu Bàng, nhưng vẫn có một số trường hợp chủ nhà khi biết thợ “toàn dân nghiện” thì đã cắt hợp đồng!

Tại Đà Nẵng, chính quyền các cấp đã cố gắng tháo gỡ khó khăn nhằm ổn định công việc cho người sau cai, nhưng kết quả vẫn không như mong đợi. Một ví dụ điển hình là mô hình “Can thiệp sớm dự phòng nghiện ma túy” dù được đánh giá tương đối hiệu quả; thế nhưng việc tạo việc làm cho các thành viên câu lạc bộ (CLB) này vẫn là điều quá khó khăn. Hiện thành phố có 6 CLB với 259 hội viên, hoạt động khá bài bản từ 2 năm nay, nhất là trên lĩnh vực tạo việc làm cho hội viên. Tính đến nay, ban chủ nhiệm 6 CLB cũng đã giới thiệu việc làm cho 164 người, hỗ trợ học nghề cho 22 người khác, nhưng số hội viên có việc làm ổn định vẫn còn thấp. Đơn cử như CLB “Can thiệp sớm dự phòng nghiện ma túy” của phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) mới có 24/50 hội viên có việc làm ổn định. Con số này của phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) là 30/50 và phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) là 21/33. Ngay như quận Hải Châu, một địa phương lâu nay thực hiện khá tốt công tác tạo việc làm cho người sau cai, nhưng tính đến tháng 9-2018, trong số 85 người sau cai do địa phương quản lý vẫn còn 20 người chưa có việc làm. Thậm chí trong số 65 người được xác định đã có việc làm vẫn có không ít người công việc không ổn định. Ở huyện Hòa Vang, trong số 54 người được quản lý sau cai có đến 40 người chưa có việc làm ổn định, 14 người chưa có việc làm.

Khảo sát mới đây của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố cho biết, các địa phương đang quản lý 659 người sau cai, trong đó 514 người đã có việc làm. Đây là con số khá ấn tượng so với những năm trước, nhưng điều đáng nói là việc bảo đảm người sau cai có việc làm ổn định lâu dài vẫn là điều khó trả lời. Bởi trong số 659 người quản lý sau cai này có 55 người bị các địa phương đưa vào danh sách “nguy cơ tái nghiện cao”. Bên cạnh đó, cũng có 79 người đã bỏ đi địa phương khác và chính quyền không quản lý được. Đó chính là những khoảng trống khiến việc quản lý người sau cai ở địa phương nói chung và công tác tạo việc làm nói riêng vẫn khá khó khăn và thiếu tính ổn định. Theo ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố, qua thực tế làm việc với các địa phương đang nổi lên một số vấn đề: người sau cai đa số có tâm lý tự ti, tránh tiếp xúc với chính quyền địa phương; nhiều gia đình có con em nghiện ma túy ít quan tâm phối hợp với các cơ quan chức năng tìm cách giúp đỡ và nhiều người sau cai trở về địa phương một thời gian ngắn lại bỏ đi nơi khác làm ăn sinh sống mà không thông báo với gia đình và địa phương. Đặc biệt, đáng lo ngại là tình trạng “trẻ hóa” người nghiện khiến việc tổ chức học nghề, tìm việc làm cho những đối tượng này gặp nhiều khó khăn hơn vì chưa đủ tuổi lao động!

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.