50 năm trôi qua, 7 Dũng sĩ Thanh Khê ngày ấy giờ chỉ 2 người còn sống, tuổi cũng đã xấp xỉ 70, nhưng trong tâm trí họ, sự chở che, đùm bọc, thương yêu và đức hy sinh cao cả của Mẹ Nhu vẫn luôn ấm áp.
Với nữ Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Tám (một trong 7 Dũng sĩ Thanh Khê), trận đánh 50 năm trước là dấu ấn không phai trong cuộc đời làm cách mạng. |
Câu chuyện về Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê được Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Tám (một trong 7 Dũng sĩ Thanh Khê) kể lại rất nhiều lần, nhưng lần nào cũng nguyên vẹn cảm xúc tự hào và đầy lòng kính trọng, biết ơn. Bà Nguyễn Thị Tám nhớ lại, ngày ấy, khi mới 16 tuổi, từ Quảng Nam ra Đà Nẵng hoạt động cách mạng, bà được bố trí giúp việc nhà cho một chủ thầu xây dựng và có nhiệm vụ nghe ngóng tình hình quân địch, đi rải truyền đơn. Sau chiến dịch Xuân Mậu Thân, thực hiện chỉ thị của Đặc khu ủy Quảng Đà mở chiến dịch Xuân - X1- tháng 5-1968, đồng chí Năm Dừa (Nguyễn Thành Năm, Bí thư Quận ủy quận Nhì, nay là quận Thanh Khê) nhận nhiệm vụ vào thành phố.
Năm Dừa được một học sinh tên là Phạm Phú Long (con trai thứ của Mẹ Nhu) đưa về ở lại trong nhà và bảo với Mẹ đây là người bạn học đang trốn lính. Cả gia đình Mẹ xem Năm Dừa như con ruột. Sau này, khi biết Nam Dừa là quân giải phóng, Mẹ càng yêu quý hơn. Để an toàn, Mẹ cho làm hầm bí mật ngay trong nhà, dưới những chum đựng nước mắm mà Mẹ hay gánh bán mỗi ngày. Tháng 10-1968, khi bị lộ, bà Tám được đưa đến trú ở hầm nhà Mẹ Nhu. Đó là những tháng ngày đầy gian khổ nhưng ấm áp nhất trong cuộc đời người dũng sĩ này.
“Khi ấy, chúng tôi còn trẻ, được Mẹ chăm sóc, yêu thương như con cái thì ấm lòng lắm. Mẹ quan tâm từng tí một, từ cái quần, cái áo, miếng ăn, giấc ngủ. Mẹ lúc nào cũng có cách gọi rất gần gũi: Tụi bay cần chi hay thích ăn chi thì nói tau”, bà Tám kể.
Ở trong hầm, không tiện cho vấn đề vệ sinh nên mọi người rất hạn chế ăn thức ăn có nhiều nước. Thấy các con ăn uống khô khan, Mẹ biết ý thay đổi món và chế biến làm sao vẫn bảo đảm sức khỏe. Có hôm, để đổi món buổi sáng, Mẹ muốn mua cho các con vài ổ bánh mì nhưng nhà có mấy người, mua nhiều sẽ bị chú ý nên Mẹ không mua gần nhà mà đi vòng xuống tận chợ Tam Tòa, cách nhà hơn cả cây số. Rồi mỗi lần quân giải phóng họp, Mẹ ngồi canh, thấy có động tĩnh là ra ám hiệu bằng cách kêu tên ai đó trong nhà để đánh động.
Cũng như mọi ngày, buổi sáng 26-12-1968, Mẹ đang chuẩn bị đồ ăn cho các con thì địch bất ngờ ập đến bao vây xung quanh nhà. “Tôi và các anh thấy lạ. Mọi ngày tụi lính lùng sục rồi bỏ đi, sao hôm nay có vẻ rất đông và ồn ào. Thế rồi chúng tôi nghe tiếng tra hỏi, tiếng báng súng đập vào người. Chúng đánh anh Long, chúng đánh Mẹ. Chúng tôi ngồi dưới hầm nghe rõ lắm. Sau đó, chúng đưa anh Long lên xe giải đi và tiếp tục tra hỏi Mẹ. Bọn chúng hỏi: “Cộng sản đâu, chỉ mau? Hầm bí mật ở đâu?”. Mẹ vẫn câu trả lời: “Cộng sản đâu trong nhà tui, tui ở giữa thành phố này làm gì có hầm hố”.
Sau một hồi bị tra hỏi, biết đã bị lộ, Mẹ kêu lớn: “Nó phản rồi con ơi. Đánh đi! Lời Mẹ chưa dứt thì tên chỉ huy bắn Mẹ”. Chúng tôi cũng nghe văng vẳng tiếng máy bay lượn quanh nóc nhà Mẹ. Đồng thời, chúng ra lệnh cho bà con có nhà xung quanh: “Để bảo đảm an toàn tính mạng, yêu cầu đồng bào hãy tránh xa nơi đây, hãy nhanh chóng di tản...”. Chờ mãi không thấy chúng tôi ra hàng, tên chỉ huy ra lệnh cho bọn cảnh sát dùng dùi sắt xăm hầm. Chúng tôi thề trước ảnh Bác Hồ - tấm ảnh bé xíu tôi vẫn hay mang theo bên mình, là sẽ bằng mọi giá trả thù cho Mẹ”, bà Tám nói.
Khi địch ập vào nhà, dưới hầm có 3 đồng chí là Trần Thanh Trung, Nguyễn Văn Huề và Nguyễn Thị Tám. Họ nhanh chóng phân công nhiệm vụ để đồng loạt xông lên quyết chiến với kẻ thù. Nắp hầm bật mở, Nguyễn Văn Huề tung liên tiếp hai quả lựu đạn M26 về phía địch. Ba chiến sĩ vọt lên quét tiểu liên tung tóe. Họ vừa đánh trả quyết liệt, vừa yểm trợ cho nhau, di chuyển về phía nhà Mẹ Hiền để phối hợp cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu. Sau hơn 10 tiếng đồng hồ quần nhau với địch, có 4 đồng chí đã vượt được vòng vây, trở về căn cứ an toàn, 2 đồng chí đi lạc đường, sau đó bị địch bắt, riêng đồng chí Nguyễn Văn Huề hy sinh trong lúc chiến đấu.
“Khi về căn cứ, tôi mới biết Lữ Hùng, Quận đội phó quận Nhì đã đi đầu hàng và chỉ điểm. Cũng thời gian sau đó, tôi được nghe con gái Mẹ Nhu kể lại, nhằm răn đe người dân, bọn địch đã không cho an táng Mẹ. Bị người dân phản đối chúng mới lấp Mẹ sơ sài trong khu vườn nhà của Mẹ”, bà Tám kể.
Trận đánh ngày 26-12-1968 của các chiến sĩ biệt động đã làm rung chuyển đô thành Đà Nẵng và khu vực miền Trung, gây cho địch bao nỗi hoang mang, khiếp sợ trước tinh thần chiến đấu anh dũng, bất khuất của quân và dân quận Nhì. Nhưng theo Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Tám, trên hết, tạc vào lòng người là hình tượng Mẹ Nhu - Người Mẹ Việt Nam với tình thương bao la, giàu đức hy sinh và ngoan cường, bất khuất trước kẻ thù, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong nhân dân, góp phần vào thắng lợi trong công cuộc giải phóng quê hương Đà Nẵng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bài và ảnh: HÀ THU