Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định đã có 4 phương án cung ứng điện cho năm 2019 được đưa ra. Các phương án đều tính toán với mục tiêu cấp đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt.
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11-2018. Ảnh: PV |
Chiều 3-12, tại phiên họp báo Chính phủ, trả lời về kịch bản giá điện năm 2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Năm 2018, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc không đề xuất điều chỉnh tăng giá điện. Tuy nhiên, việc xây dựng kịch bán giá điện năm 2019 sẽ thực hiện theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch cung cấp điện năm 2019 do Bộ Công Thương ban hành.
Theo đó, Bộ Công thương đưa ra 4 kịch bản. Các kịch bản này sẽ được xem xét kỹ và xây dựng theo đúng quy định, trong đó có vấn đề tác động đến lạm phát, tốc độ tăng trưởng GDP, ảnh hưởng tới chi phí các khách hàng lớn, các hộ sinh hoạt… Các kịch bản sẽ được báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá trong tháng 12-2018.
Trên cơ sở chỉ đạo của Ban chỉ đạo điều hành giá, Bộ Công Thương sẽ hoàn chỉnh các kịch bản điều hành giá điện để báo cáo Chính phủ.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ngay từ tháng 10-2018, Bộ Công Thương đã làm việc với EVN về kế hoạch cung cấp điện cho năm 2019. Có một thực tế là nhiều hồ thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên bị khô hạn, mực nước thấp, ảnh hưởng tới kế hoạch cung cấp điện 2019.
Tuy nhiên, 4 phương án cung ứng điện được đưa ra đều tính toán với mục tiêu cấp đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt. Một số trường hợp hệ thống điện sẽ phải huy động 2-7 tỷ kWh từ các nguồn điện chạy dầu có giá cao. Nếu muốn đủ điện thì phải tăng sản xuất điện bằng dầu, giá đắt hơn. Nhưng Bộ Công Thương khẳng định đủ điện cho năm 2019.
Về chuyện thiếu than cho điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: TKV và Tổng công ty than Đông bắc đã cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo cam kết. Hai đơn vị cung cấp than lớn đã hết sức cố gắng. Trường hợp than trong nước không đủ cung cấp thì sẽ nhập khẩu. Quan trọng nhất là đảm bảo cung cấp đủ điện sản xuất cũng như cho sinh hoạt.
Bên cạnh đó, trả lời câu hỏi về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kinh doanh điện có lãi trong năm 2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Trong những ngày gần đây, sau cuộc họp của Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương đã công bố giá thành điện của năm 2017. "Nếu chúng ta không đọc kỹ thì sẽ cho rằng năm 2017 EVN có lãi"- Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói lại cho rõ thêm: Theo quy định chung hiện nay, để xác định được giá điện năm 2017, Bộ Công thương đã phối hợp với các ngành liên quan đã xem xét rất kỹ và sau đó có kiểm toán độc lập về chi phí sản xuất, kinh doanh của EVN. Theo đó, tổng doanh thu bán điện của năm 2017 là trên 289.930 tỷ đồng. Trong đó, riêng tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện đã là trên 291.200 tỷ đồng.
"Như vậy, nếu chúng ta chỉ tính đơn giản cộng trừ thì EVN đang lỗ. Tuy nhiên, EVN có một số khoản thu nhập khác từ: tiền gửi ngân hàng, thu từ cổ tức, lợi nhuận từ các công ty EVN có hợp tác trong ngành điện… Ngoài ra, còn một khoản trên 5.011 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá. Do vậy, nếu chúng ta cộng tất cả các khoản thu chi, chênh lệch tỷ giá...thì EVN lỗ 2.219 tỷ đồng trong năm 2017. Do vậy, không phải kinh doanh điện năm 2017 có lãi như một số báo đăng"- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: PV |
Chiều 3-12, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11-2018 đã diễn ra tại Hà Nội, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành và đông đảo các nhà báo ở Trung ương và Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu không để thiếu điện trong năm 2019.
Trước đó, Chính phủ đã nhiều lần gửi thư cho các lãnh đạo cơ quan chức năng, yêu cầu không để thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt; nếu không thực hiện tốt sẽ truy trách nhiệm các bên liên quan.
Liên quan tới vấn đề thiếu than cho sản xuất của các nhà máy nhiệt điện, Thủ tướng cũng giao các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm, không để thiếu than cho điện như vừa qua.
Cuối tuần trước, nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh có trụ sở chính nằm ngay trong vùng lõi than của cả nước thông báo phải dừng vận hành 2 trên 4 tổ máy vì thiếu than để sản xuất. Theo tính toán, nhà máy vẫn thiếu 145.000 - 200.000 tấn than để đủ phát 4 tổ máy và mỗi ngày mất khoảng 10 triệu kWh, tương đương hụt thu hơn 13 tỷ đồng.
Báo cáo lên Chính phủ, EVN cho biết: Loạt nhà máy nhiệt điện khác thuộc tập đoàn này đã phải ngừng các tổ máy, giảm phát điện. Nhiệt điện Nghi Sơn, Hải Phòng tuần trước vừa phải giảm công suất 2 - 4 tổ máy về mức tối thiểu, thậm chí một số tổ máy còn ngừng hẳn hoạt động; riêng Nhiệt điện Thái Bình không thể huy động công suất do thiếu than ngày 3-11.
Theo Báo Tin tức